|
Quốc hội thông qua Nghị quyết phát triển KT-XH năm 2011.
|
Nghị quyết được 84,58% số đại biểu tán thành. Trước đó, báo cáo tổng hợp thảo luận của đại biểu Quốc hội nêu rõ, đa số ý kiến nhất trí với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế của Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010.
Kết quả năm 2010 góp phần quan trọng vào kế hoạch 5 năm
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm nhưng kinh tế nước ta đã sớm ra khỏi tình trạng suy giảm và có mức tăng trưởng khá; thu ngân sách tăng cao; kinh tế vĩ mô có bước cải thiện; an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được bảo đảm tốt hơn.
Sản xuất công nghiệp và nông nghiệp phát triển khá. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững; hoạt động đối ngoại được tăng cường, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên.
Có được kết quả đó là do sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt, năng động, sáng tạo của Chính phủ và chính quyền các cấp; sự ủng hộ, hỗ trợ của Quốc hội và các cơ quan dân cử; sự đề cao trách nhiệm của các cơ quan tư pháp; sự nỗ lực phấn đấu của toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp.
Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 góp phần quan trọng vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010.
6 nhiệm vụ, giải pháp phát triển năm 2011
Về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, đa số các đại biểu Quốc hội nhất trí với mục tiêu tổng quát: “Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2010, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế”.
|
Năm 2011, phấn đấu tăng trưởng kinh tế 7-7,5%.
|
Các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế xã hội cũng được thông qua với tỷ lệ đồng thuận cao. Theo đó, GDP tăng 7-7,5% so với năm 2010; chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 7%; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 40% GDP; tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2011 tăng 10% so với năm 2010, nhập siêu không vượt quá 18% kim ngạch xuất khẩu.
Các chỉ tiêu về xã hội bao gồm 8 chỉ tiêu như tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động, trong đó đưa 8,7 vạn lao động đi làm việc ở nước ngoài; mức giảm tỷ lệ sinh là 0,2‰; giảm tỷ lệ hộ nghèo 2% theo chuẩn mới, riêng 62 huyện nghèo giảm 4%...
Trong các chỉ tiêu về môi trường, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 86%; tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch 78%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý 69%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 55%; tỷ lệ che phủ rừng 40%...
Về các nhiệm vụ, giải pháp chính, Nghị quyết nêu rõ: Quốc hội cơ bản tán thành các nhóm nhiệm vụ, giải pháp do Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trình, kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong các báo cáo thẩm tra, báo cáo giám sát chuyên đề.
Xác định năm 2011 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, có vị trí hết sức quan trọng trong việc triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015, Quốc hội yêu cầu tập trung triển khai 6 nhiệm vụ và giải pháp chính.
Đó là chỉ đạo, thực hiện các giải pháp để tăng cường ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Thực hiện các giải pháp chuyển dịch cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế mà trước hết là điều chỉnh cơ cấu đầu tư, bao gồm cơ cấu đầu tư trong từng ngành, từng lĩnh vực, cơ cấu nguồn vốn theo hướng giảm đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn vốn đầu tư.
Triển khai kịp thời các chính sách bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội, tập trung giải quyết một số vấn đề xã hội và môi trường bức xúc.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Tăng cường đào tạo, chú trọng xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
Củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế.
Lê Sơn
chinhphu.vn