 |
10 tháng đầu năm, Công ty Bia Huế nộp ngân sách 1.046 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ |
Đánh giá của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tổng số doanh nghiệp đăng ký gia nhập thị trường trong 10 tháng đầu năm 2013 là 576 doanh nghiệp, tăng 0,06% so với cùng kỳ; với tổng vốn đăng ký 1.493 tỷ đồng, tăng 0,18%. Thu ngân sách từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tăng khá. Có được kết quả đó là nhờ sự thực hiện tốt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu theo Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ.
Tháo gỡ từ thủ tục hành chính
Để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, Thừa Thiên Huế xem tháo gỡ thủ tục hành chính là khâu quan trọng. Ông Lê Trường Lưu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ngay từ đầu năm 2013, Tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư đưa vào vận hành các phần mềm hỗ trợ doanh nghiệp về đăng ký kinh doanh, cung cấp các hồ sơ, biểu mẫu đối với từng loại hình đăng ký doanh nghiệp, thiết lập đường dây nóng để hỗ trợ và tiếp nhận các phản ánh của doanh nghiệp nhằm khắc phục và cải thiện môi trường đăng ký kinh doanh ngày một tốt hơn. Tăng cường công tác hướng dẫn và thực hiện đăng ký kinh doanh qua mạng. Từ 03/5/2013 đến nay đã đăng ký thành công trên 215 hồ sơ đăng ký qua mạng, là một trong những tỉnh đứng đầu trong cả nước về đăng ký kinh doanh qua mạng. Tỉnh Thừa Thiên Huế là 01 trong 03 địa phương đầu tiên của cả nước áp dụng quy trình một cửa liên thông đã rút ngắn thời gian cấp phép đăng ký kinh doanh từ 10 ngày xuống 5 ngày làm việc
Thừa Thiên Huế cũng đã xây dựng và áp dụng phần mềm quản lý theo dõi các dự án đầu tư trên địa bàn nhằm kiểm soát việc thực hiện các thủ tục cho nhà đầu tư. Đến nay, thời gian cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án thuộc diện đăng ký đầu tư giảm từ 15 ngày xuống còn 5 ngày làm việc, đối với dự án thuộc diện thẩm tra trước khi cấp Giấy chứng nhận đầu tư giảm từ 25 ngày xuống còn 13 ngày.
Hỗ trợ tiếp cận các nguồn tài chính phù hợp
Để tháo khó cho doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh thực hiện cải cách các thủ tục cho vay, tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên; cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng; xem xét miễn giảm lãi phải trả đối với khách hàng bị tổn thất về tài sản, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có triển vọng nhưng đang gặp khó khăn về tài chính được vay vốn; xem xét điều chỉnh lãi suất các khoản cho vay cũ xuống mức đúng quy định.
Kết quả đến nay các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã cho vay hỗ trợ nhà ở 34,3 tỷ đồng; cho vay các đối tượng chính sách xã hội 1.465 tỷ đồng; cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn 5.400 tỷ đồng; cho vay phát triển sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu tăng 10,1% so với cùng kỳ; lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên tối đa ở mức 9%/năm,...; đã điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ khoảng 4.000 khách hàng với số tiền 1.200 tỷ đồng, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ; tình hình dư nợ xấu đến nay ở mức 490 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 3,01% trong tổng dư nợ, giảm 30,4% so với đầu năm.
Tỉnh đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách của nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, đến nay đã thực hiện gia hạn thuế GTGT 34,8 tỷ đồng; gia hạn thuế TNDN 56 tỷ đồng; giảm tiền thuê đất 17,3 tỷ đồng.
Nâng cao năng lực, hỗ trợ pháp lý, tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp
Hiện tại, tỉnh đang hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ, thực hiện hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện đề tài nghiên cứu đổi mới công nghệ. Đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, luôn tạo điều kiện cho các doanh ngiệp trên địa bàn tham gia đấu thầu, nhận thầu, tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động,...
Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tham gia vào các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, xúc tiến thương mại quốc gia để tìm kiếm đối tác kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
Công tác hỗ trợ pháp lý cũng được chú trọng đúng mức, đã tổ chức 07 hội nghị tập huấn, phổ biến, hướng dẫn các quy định của Bộ Luật lao động năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành cho cán bộ của 432 doanh nghiệp; tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho các doanh nghiệp; tư vấn sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp. Đồng thời tổ chức 03 khóa tập huấn ho các doanh nghiệp về các xây dựng và phát triển bản sắc của doanh nghiệp; phát triển năng lực kinh doanh và kết nối thị trường; doanh nghiệp kết nối kinh doanh có hiệu quả.
UBND tỉnh đã xây dựng chuyên mục “Trao đổi và tháo gỡ” trên Cổng thông tin điện tử tỉnh để lãnh đạo tỉnh đối thoại trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp. Đây là kênh thông tin quan trọng - là cầu nối giữa doanh nghiệp, người dân với Chính quyền nhằm giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân một cách nhanh nhất. Qua 3 lần đối thoại trực tuyến, Lãnh đạo tỉnh đã nắm bắt được tình hình thực tế, tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp và có những điều chỉnh kịp thời trong quá trình lãnh chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho danh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn Tỉnh.
Chính nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành, đã kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp phục hồi và có mức tăng trưởng cao, thu ngân sách nhà nước từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp 10 tháng đầu năm tăng khá, chỉ tính 5 doanh nghiệp: Cty Bia Huế, Cty Xi măng Luks, Cty CP Dệt may Huế, Cty Sợi Phú Nam, nhà máy thủy điện A Lưới, CTCP Thủy điện miền Trung được 1.147 tỷ đồng, trong đó Cty Bia Huế nộp 1.046 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ.
|