|
Ngọ Môn - Đại nội Huế |
Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế đã công bố Chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương. Theo đó, Thừa Thiên Huế nằm trong top dẫn đầu toàn quốc.
Kết quả, qua đánh giá, TP. Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu cả nước về năng lực hội nhập kinh tế quốc tế. Ngoài TP. Hồ Chí Minh, trong top dẫn đầu còn có các tỉnh: Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Nghệ An, Hưng Yên và Thừa Thiên Huế.
Mười địa phương được đánh giá năng lực ở mức “thấp” gồm: Yên Bái, Trà Vinh, Đăk Nông, Bắc Kạn, Cao Bằng, Bình Phước, Tuyên Quang, Bạc Liêu, Hậu Giang và chót bảng, đứng thấp nhất là Sóc Trăng.
Báo cáo đánh giá lần này được thực hiện công phu dưới sự tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Australia (AusAid) và Bộ phát triển quốc tế Anh cùng sự góp ý của nhiều chuyên gia kinh tế. Công cụ đánh giá gồm 8 trụ cột, chia 2 nhóm: 4 trụ cột mang yếu tố tĩnh và 4 trụ cột mang yếu tố động.
Để có dữ liệu khách quan nhằm đánh giá được năng lực hội nhập kinh tế quốc tế các tỉnh, nhóm nghiên cứu đã khảo sát các chỉ số như: tình hình thương mại địa phương, trong đó có đánh giá số liệu xuất nhập khẩu, hạ tầng phục vụ xuất nhập khẩu, công tác xúc tiến thương mại…
Về đầu tư, nhóm nghiên cứu khảo sát tình hình đầu tư nước ngoài vào địa phương, mức độ thuận lợi, hiệu quả của các dự án, tình hình đầu tư của các tỉnh khác vào địa phương… Về du lịch, chỉ số năng lực hội nhập quốc tế dựa vào mức độ nhận biết du lịch địa phương, doanh thu dịch vụ khách sạn, nhà hàng, các điểm đến du lịch…Về dân cư, báo cáo nghiên cứu số dân địa phương/số dân tỉnh khác…
Chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương (PEII) có nhiều điểm khác biệt với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Nếu như chỉ số PCI cho thấy năng lực điều hành kinh tế cấp tỉnh trong phát triển kinh tế của các doanh nghiệp thì PEII cho thấy mối quan hệ giữa điều hành kinh tế, phát triển doanh nghiệp và đời sống người dân.
|