Quản trị doanh nghiệp

Hạ lãi suất và cơ hội cho doanh nghiệp
Hạ lãi suất và cơ hội cho doanh nghiệp
 
Ngày cập nhật 19/12/2013 07:35 AM
 
(TTH) - Chưa khi nào lãi suất huy động và cho vay vốn lại ở mức thấp như năm 2013. Càng gần cuối năm, nhiều ngân hàng (NH) dồn dập tung ra các gói cho vay lãi suất thấp.

Tín dụng tăng trưởng chậm

Dù lãi suất giảm nhưng NH và DN chưa tìm được tiếng nói chung

Theo ông Ngô Văn Vinh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh Thừa Thiên Huế, đến cuối năm 2013, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống NH trên địa bàn đạt mức khoảng 12%, trong khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay từ 12-14%. Để đạt mục tiêu này cũng như khơi thông nguồn vốn, thời gian qua, các NH đưa ra nhiều phương thức thu hút khách vay tiền. Một số NH còn chấp nhận giảm chênh lệch giữa lãi suất cho vay (LSCV) và lãi suất huy động (LSHĐ) vốn xuống mức dưới 3% để kéo khách hàng. Tuy vậy, NHNN không đặt ra mục tiêu các NH phải tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá mà yêu cầu mở rộng tín dụng phải bảo đảm đi đôi với chất lượng, hiệu quả nhắm đến những DN có xếp hạng tín dụng tốt cũng chính là định hướng của không ít NH hiện nay.

Nỗ lực như vậy nhưng tăng trưởng tín dụng của NH những tháng qua rất yếu. Điều này khiến NH khó đạt mục tiêu lợi nhuận đề ra của năm nay. Để giảm thiểu rủi ro, thời điểm này NH luôn quán triệt chủ trương tập trung vào các phân khúc là thế mạnh của mình, đồng thời tìm kiếm cơ hội ở các phân khúc khác một cách thận trọng. Giám đốc một NH thương mại cổ phần cũng cho biết, mặc dù NH thực hiện hàng loạt chương trình khuyến mại, giảm LSCV, kích cầu tiêu dùng cá nhân nhưng vẫn không đủ bù đắp cho các khoản trích lập dự phòng rủi ro cũng như trả lãi tiền gửi cho người gửi tiền. Năm nay, một số NH có thể chỉ đạt trên (3/4) chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng tín dụng đề ra.
 
Khả năng hấp thụ vốn chưa cao
 
 
Ông Nguyễn Mậu Chi, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, Giám đốc Công ty TNHH Bia Huế nhận định: “Thực tế, thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, chính sách tiền tệ thắt chặt đã được áp dụng trong những năm qua. Điều này dẫn tới việc DN gặp vô vàn khó khăn khi tiếp cận vốn NH. Một số DN phải ngừng hoạt động, thậm chí là giải thể, phá sản. Sự luân chuyển vốn của thị trường chưa thông suốt, các khoản nợ xấu với NH không dễ được giải quyết kể cả khi xử lý được tài sản bảo đảm, khiến DN càng khó tiếp cận vốn vay, nhất là các DN vừa và nhỏ và siêu nhỏ như ở Thừa Thiên Huế. NH cũng không mặn mà với các DN “có vấn đề” với các khoản vay cũ”.
 
Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Vĩnh An - Hồ Văn Khánh cho rằng, mặc dù thông tin về hàng loạt NH giảm LSCV, nhưng thực tế với các DN, việc vay vốn lãi suất thấp cũng không dễ dàng. Nhiều DN đến các NH xin vay vốn đều bị từ chối vì khả năng trả nợ của DN chưa tốt, điều kiện cho vay không thay đổi, tài sản đã thế chấp hết cho các khoản nợ cũ nhưng chưa trả được. Chưa kể LSCV trung, dài hạn vẫn còn cao và khó tiếp cận. Còn về phía các NH, đã có các giải pháp giảm lãi suất, cơ cấu nợ cho vay mới đã được đưa ra, song tín dụng vẫn khó tăng, do nhu cầu vốn của DN không có.
 
Trong lần thuyết trình với các DN ở Huế, TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh - Đại học NH TP Hồ Chí Minh nói: “Chính sách lãi suất tín dụng đã có sự điều chỉnh linh hoạt theo mức lạm phát, tình hình kinh tế vĩ mô và hoạt động thực tế của các NH cũng như hướng đến mục tiêu hỗ trợ DN nhiều hơn. LSCV và LSHĐ vốn đều giảm dần, còn lãi suất liên NH có dấu hiệu tăng dần trong quý cuối năm. Trên tổng thể, mức tăng tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng được kiểm soát phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Cùng với đó, những quyết sách áp trở lại trần LSCV và sự cải thiện mặt bằng lãi suất tín dụng chung đã phát huy tác dụng tích cực cả đối với DN, nền kinh tế, cũng như đối với hệ thống NH”.
 
Nguyên nhân của việc tăng trưởng tín dụng từ đầu năm 2013 đến nay còn thấp do sức hấp thụ của nền kinh tế thấp khi tổng cầu vẫn yếu, các DN không có đầu ra, lượng hàng tồn kho tăng cao... Ngoài ra, các NH cũng thận trọng hơn trong cho vay, nhất là trong điều kiện DN còn khó khăn, nợ xấu tăng cao. Song, các yếu kém tích tụ cũng được thể hiện ở sự bất cập, chồng chéo trong khuôn khổ pháp lý liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm, cũng như sự thiếu minh bạch, đầy đủ về thông tin tạo ra các “nút thắt” làm tắc nghẽn dòng tín dụng. Vì vậy, thời gian tới, cần tập trung điều tiết cung và hoàn thiện thể chế đối với cho vay bất động sản. Trong đó, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn cho vay các lĩnh vực ưu tiên. Đặc biệt, tiếp tục duy trì trần LSCV, từng bước nới lỏng trần LSHĐ, tự do hóa lãi suất theo đúng quy trình thị trường...
 
Bạch Quang (TTH)

 


Tin tức liên quan