UBND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP TỈNH
Số: /BC-HHDN
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thừa Thiên Huế, ngày 15 tháng 12 năm 2013
|
Dự thảo:
BÁO CÁO TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP TỈNH
THỪA THIÊN HUẾ NĂM 2013
I/ TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG DOANH NGHIỆP:
Năm 2013, toàn tỉnh có hơn 4.800 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, nhưng đến cuối năm chỉ còn 3875 doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng vốn đầu tư gần 25.000 tỷ đồng. Trong năm có 356 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới, riêng đầu tư trực tiếp nước ngoài có thêm 7 dự án với tổng mức đầu tư hơn 293 triệu USD. Với đặc thù hơn 90% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn lại là các doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng (trong đó có 50/66 doanh nghiệp FDI đăng ký đang hoạt động với số vốn đầu tư gần 2 tỷ USD). Về loại hình, đa phần là doanh nghiệp thương mại dịch vụ (65,7%), còn lại là doanh nghiệp công nghiệp, xây dựng, nông lâm ngư nghiệp. Về thành phần kinh tế có 28 Doanh nghiệp Nhà nước; 66 Doanh nghiệp FDI, còn lại là doanh nghiệp ngoài quốc doanh (trong đó có 2279 doanh nghiệp tư nhân, 547 công ty cổ phần, 1957 công ty TNHH). Ngoài ra còn có gần 900 chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp trong nước đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh. Năm nay, trong điều kiện khó khăn chung của cả nước, tình hình SXKD của doanh nghiệp trong tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn gay gắt, nhưng nhờ có những chính sách hỗ trợ của Nhà nước và của tỉnh cộng với nổ lực vượt khó của các doanh nghiệp nên hoạt động SXKD đến cuối năm 2013 , các doanh nghiệp đã từng bước có dấu hiệu phục hồi, góp phần vào việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế chung của tỉnh như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,89%. Tổng thu ngân sách đạt 4.609 tỷ đồng (96,8%). Thu nhập bình quân đầu người 1.700 USD. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,2%, các ngành dịch vụ tăng 9,27%. Giá trị xuất khẩu đạt 540 triệu USD, tăng 14,1%. Các doanh nghiệp có sản phẩm tăng khá gồm: quặng kim loại, bia, chế biến thủy sản, sợi, may mặc, sản xuất bê tông, công nghiệp chế biến, chế tạo...đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Tuy vậy, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tỉnh còn thấp. Tăng trưởng trong khu vực doanh nghiệp công nghiệp đạt thấp so với nhiều năm, doanh nghiệp dịch vụ, du lịch, thương mại phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giảm sút hoặc cầm chừng do thiếu vốn, thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm, một số lâm vào tình trạng khó khăn chồng chất. Trong đó, các yếu tố cản trở lớn là lãi suất vay vốn nợ cũ cao, khả năng tiếp cận vốn khó khăn, khó vay được vốn mới dù lãi suất đã có giảm; giá cả đầu vào biến động thất thường; chi phí vận tải cao... Trong năm, có 59 doanh nghiệp quá khó khăn phải giải thể, một số doanh nghiệp dự kiến thu hẹp sản xuất kinh doanh do sức mua yếu, chi phí sản xuất tăng khiến hàng sản xuất ra không tiêu thụ được, tồn kho nhiều. Mặt bằng lãi suất ngân hàng tuy đã có giảm nhưng nhiều doanh nghiệp càng sản xuất, càng thua lỗ, nên không dám tiếp tục vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh.
II/ HOẠT ĐỘNG CỦA HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP TỈNH:
Năm 2013, ngoài các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ và của tỉnh, Hiệp Hội đã tổ chức thực hiện một số hoạt động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định SXKD, cụ thể:
1/ Tăng cường hỗ trợ trong SXKD:
- Trước tình hình sức mua giảm, nhiều doanh nghiệp có sản phẩm tồn kho lớn, Hiệp Hội DN tỉnh đã tổ chức Hội nghị Ký kết các doanh nghiệp, tại hội nghị này các doanh nghiệp hội viên ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ của nhau để giải quyết khó khăn về đầu ra nhằm cùng nhau vượt khó, giúp cho nhiều doanh nghiệp hội viên kết nối bán được hàng. Đến cuối năm đã có hơn 50 doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của nhau.
- Phối hợp với Sở Ngoại vụ và Sở Công thương tổ chức đưa 5 đoàn doanh nghiệp ngành may mặc, lụa tơ tằm, hàng mỹ nghệ và thương mại dịch vụ du lịch tham gia các chương trình Hội chợ, thời trang, triển lãm sản phẩm may mặc, mỹ nghệ thường niên tại tỉnh Ubon Ratchathani và tỉnh Khỏn Kèn của Thái Lan; Hội chợ thương mại, du lịch Việt-Lào tại Savanakhet, Hội chợ Việt-Trung (tại Lào Cai) và giao lưu doanh nghiệp ở Hàn Quốc nhằm góp phần kết nối giao thương và mở rộng các mối quan hệ, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với doanh nghiệp các nước bạn.
- Trước bế tắc về vốn của nhiều doanh nghiệp và khó khăn của các ngân hàng thương mại, Hiệp Hội đã chủ động tổ chức cuộc gặp với lãnh đạo các Ngân hàng thương mại trên địa bàn để tìm giải pháp tháo gỡ về nợ và vốn cho cả doanh nghiệp và ngân hàng. Đại diện lãnh đạo Hiệp Hội còn tham gia trao đổi tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong chuyên mục truyền hình “vòng xoáy-sự kiện” của tỉnh, đề xuất một số giải pháp khả thi để doanh nghiệp và ngân hàng thương mại cùng hỗ trợ nhau phát triển.
Đến đầu quý 4/2013, số lượng DN có quan hệ tín dụng với các NHTM là 2.745 DN, chiếm tỷ lệ hơn 70% số doanh nghiệp đang hoạt động.Tổng dư nợ cho doanh nghiệp vay đạt 9.343 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của DN là 403 tỷ (4,32%) trong tổng dư nợ.
- Tổ chức cho doanh nghiệp hưởng ứng các hoạt động xúc tiến thương mại tỉnh như : tham gia tháng bán hàng khuyến mãi, vận động nhiều doanh nghiệp hội viên đưa hàng hóa có khuyến mại về bán tại các chợ ở nông thôn và tích cực tham gia Festival nghề truyền thống Huế năm 2013.
- Cử đại diện Thường trực Hiệp Hội tham gia các tổ chức có liên quan đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp như: Quỹ bảo lãnh tín dụng của tỉnh để chuẩn bị triển khai việc bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có dự án khả thi, nhưng thiếu tài sản thế chấp được vay vốn triển khai dự án SXKD mới. Tham gia Dự án Thriive hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và cộng đồng (mỗi năm có 15-20 doanh nghiệp của tỉnh được hỗ trợ vốn từ 100tr- 300 triệu để SXKD); tham gia Hội đồng trọng tài lao động tỉnh, Hội đồng phối hợp tuyên truyền phổ biến pháp luật của tỉnh...
- Phối hợp với Sở Công thương xúc tiến tổ chức thực hiện tập «Kỷ yếu Doanh nghiệp tiêu biểu tỉnh Thừa Thiên Huế » để thông tin, quảng bá năng lực SXKD, sản phẩm, dịch vụ đặc thù của cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh.
- Phối hợp với Ban Thi đua khen thưởng tỉnh, Sở Công Thương, Sở Kế hoạch & Đầu tư giới thiệu nhiều doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu để tỉnh xét tặng danh hiệu Doanh nghiệp xuất sắc, Doanh nhân tiêu biểu và các giải thưởng về tôn vinh doanh nhân, doanh nghiệp trong nước, quốc tế (có 40 doanh nhân tiêu biểu được tỉnh tuyên dương trong Lễ kỷ niệm Ngày doanh nhân VN, 3 doanh nhân nữ được xét đề nghị danh hiệu nữ doanh nhân tiêu biểu VN (giải Bông hồng vàng) và nhiều doanh nhân, doanh nghiệp được đề nghị khen thưởng các danh hiệu khác).
2/Thông tin chính sách pháp luật của Nhà nước đến với doanh nghiệp:
- Trong năm, Hiệp Hội đã chủ động phối hợp với Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Cục Thuế, Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Công Thương, Sở lao động TB&XH, Sở Tư pháp, VCCI, Hiệp Hội DNNVV Việt Nam...tổ chức các kỳ sinh hoạt chuyên đề thông tin kinh tế và các chính sách về hỗ trợ thuế, tín dụng đối với doanh nghiệp, giúp DN có đủ thông tin, nắm chắc tình hình để ứng phó linh hoạt vào hoạt động của DN mình. Mở một số hội nghị, hội thảo, mời các chuyên gia có uy tín trên các lĩnh vực phổ biến, trao đổi về tình hình kinh tế và các chính sách mới của Nhà nước nhằm định hướng cho hoạt động của doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế.
- Cử thành viên Hiệp Hội cùng Sở ngoại vụ tham gia các hội thảo về kinh tế đối ngoại do Bộ ngoại giao tổ chức tại Miền Trung. Sử dụng các tài liệu hội thảo và nguồn thông tin từ Sở ngoại vụ để giới thiệu các thị trường tiềm năng của các nước đến với doanh nghiệp trong tỉnh (thông qua trang Web của Hiệp Hội và các hội nghị, hội thảo).
- Tổ chức một số buổi truyền thông cho doanh nghiệp ở các Khu công nghiệp như: Cụm Công nghiệp An hòa Huế, Cảng Chân Mây, trong đó có các nội dung tuyên truyền phổ biến pháp luật về lao động, pháp luật về thuế mới bổ sung, pháp luật về tín dụng ngân hàng, về đăng ký kinh doanh, luật doanh nghiệp...
- Tổ chức cho doanh nghiệp hội viên tham gia góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 theo chỉ đạo của tỉnh. Đã tập hợp được nhiều ý kiến góp ý của doanh nghiệp để báo cáo với tỉnh, Hiệp Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam.
- Tiếp tục duy trì hoạt động Website của Hiệp Hội và đang có phương án phối hợp với Viễn thông Thừa Thiên Huế để hỗ trợ nâng cấp trang Web Hiệp Hội theo hướng đổi mới từ giao diện đến các tính năng hoạt động hiện đại, nhằm nâng cao chất lượng đáp ứng với yêu cầu phục vụ doanh nghiệp hội viên cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh. Sau hơn hai năm hoạt động, trang Web của Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh đã có 1,1 triệu lượt truy cập, góp phần phục vụ lợi ích các doanh nghiệp, nhất là về thông tin trợ giúp pháp lý, cải thiện môi trường kinh doanh và quảng bá thương hiệu doanh nghiệp hội viên.
- In ấn, phát hành nhiều tài liệu về pháp luật lao động, pháp luật kinh tế, luật doanh nghiệp, các luật thuế sửa đổi...cung cấp cho doanh nghiệp trong các đợt hội nghị, hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên đề do HIệp Hội tổ chức.
3/ Tập hợp những vướng mắc, bức xúc của doanh nghiệp để kiến nghị tháo gỡ: Thực hiện nhiệm vụ được UBND tỉnh giao, Hiệp Hội thường xuyên tổ chức lấy ý kiến đóng góp của doanh nghiệp trong tỉnh tham gia xây dựng, phát triển kinh tế xã hội địa phương và các kiến nghị, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn và góp ý về các chủ trương chính sách của tỉnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tại cuộc gặp mặt của Lãnh đạo tỉnh với Doanh nghiệp đầu năm (như đầu năm 2013, các kiến nghị của Hiệp Hội đại lý xe máy, kiến nghị về thuế đất đai của CLB doanh nghiệp Hương Sơ, các kiến nghị của doanh nghiệp khách sạn du lịch, kiến nghị về thủ tục đăng ký kinh doanh... do Chủ tịch Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh trực tiếp tập hợp báo cáo tại hội nghị được đánh giá cao). Hiệp Hội còn tích cực tổ chức cho doanh nghiệp hội viên tham gia góp ý bổ sung các dự thảo sửa đổi luật liên quan đến hoạt động doanh nghiệp như Luật doanh nghiệp, Bộ luật lao động, Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật đất đai...
Những tháng cuối năm, Hiệp Hội đã tổ chức vận động các doanh nghiệp hội viên tham gia “Diễn đàn đối thoại giữa Lãnh đạo tỉnh, các ngành chức năng với doanh nghiệp thông qua Cổng thông tin điện tử tỉnh”. Đã có nhiều vướng mắc của doanh nghiệp về thuế, đất đai được giải quyết thỏa đáng thông qua diễn đàn này.
4/ Tăng cường hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp:
- Phát huy kết quả của các năm trước, năm nay, Hiệp Hội tiếp tục lập đề án xin các nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh cũng như của TW để tổ chức các lớp đào tạo cán bộ quản lý doanh nghiệp. Đã phối hợp Sở kế hoạch & đầu tư, Sở tư pháp, Sở lao động TBXH, Sở ngoại vụ, Sở công thương, Hiệp Hội DNNVV Việt Nam, Bộ Tài nguyên môi trường, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN...tổ chức 10 lớp đào tạo về quản trị doanh nghiệp, khởi sự doanh nghiệp . Tổ chức các chuyên đề về phổ biến pháp luật như: Luật doanh nghiệp, các luật thuế mới bổ sung, chính sách tín dụng, luật lao động, luật Công đoàn...cho hơn 1000 cán bộ quản lý, chuyên viên của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đa số các khóa học có sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước.
Phối hợp Viện Chiến lược tài nguyên và môi trường tổ chức khóa đào tạo về “Sản xuất sạch, quản lý hiệu quả sử dụng năng lượng” và “Lập kế hoạch hành động xanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phối hợp với Phòng TM&CN Việt Nam, Chi nhánh Đà Nẵng tổ chức các khóa đào tạo về quản lý tiết kiệm năng lượng. Phối hợp Sở lao động TBXH tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật lao động sửa đổi cho hàng trăm cán bộ quản lý doanh nghiệp...
5/ Về công tác xây dựng tổ chức: - Thực hiện Điều lệ Hiệp Hội, trong năm đã tổ chức các kỳ họp Ban Chấp hành, Ban thường vụ và một số cuộc họp Thường trực Hiệp Hội để thống nhất việc triển khai các hoạt động thường xuyên và đột xuất của Hiệp Hội. Tổ chức Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 5 tại Cảng Chân Mây, sơ kết tình hình hoạt động Hiệp Hội 6 tháng đầu năm 2013, bàn chương trình, kế hoạch triển khai các hoạt động của Hiệp Hội 6 tháng cuối năm. Tổ chức Hội nghị BCH lần thứ 6 tại KS Midtown để tổng kết hoạt động năm 2013 và bàn thống nhất phương hướng nhiệm vụ hoạt động năm 2014.
-Trong quý 4/2013 đã tổ chức liên tục 4 Hội nghị Thường trực và Thường vụ Hiệp Hội với Lãnh đạo các Sở Công thương, Sở Kế hoạch & đầu tư, Sở ngoại vụ, Sở Tư pháp để đánh giá hoạt động năm 2013 và bàn thống nhẩt các nội dung cụ thể về công tác phối hợp hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp năm 2014.
- Cử các thành viên Thường trực Hiệp Hội tham gia BCH và BTV Liên hiệp các Hội khoa học tỉnh nhiệm kỳ IV 2013-2018. Tham gia Ban chỉ đạo Quỹ bảo lãnh tín dụng của tỉnh; tham gia Ban quản lý dự án FHF của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh về hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp từ nguồn của các tổ chức hữu nghị; tham gia thành viên Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh. Cử các Phó Chủ tịch Hiệp Hội tham gia Đoàn của tỉnh dự Hội chợ hàng Việt Nam tại Myanmar 2013 và khảo sát thị trường Myanmar, dự Hội chợ thương mại, thời trang may may mặc tại Ubon, Thái Lan. Cử cán bộ VP Hiệp Hội tham gia các Hội thảo, Hội nghị tập huấn của tỉnh và TW liên quan đến hoạt động xây dựng tổ chức Hiệp Hội...
- Đã thành lập thêm Hội doanh nghiệp Cụm công nghiệp An Hòa Huế trực thuộc Hiệp Hội gồm 30 hội viên. Chỉ đạo tổ chức Đại hội lần thứ nhất của Hội doanh nghiệp đại lý bia huda, củng cố tổ chức Chi hội doanh nghiệp may mặc và đang xúc tiến thủ tục thành lập Chi hội doanh nghiệp đại lý xe máy, Chi hội doanh nghiệp huyện Quảng Điền. Đã phối hợp Sở Kế hoach và Đầu tư xúc tiến thành lập Câu lạc bộ doanh nghiệp FDI của tỉnh. Tổ chức rà soát chất lượng hội viên, tiến hành thông báo thôi sinh hoạt đối với một số hội viên thiếu tích cực, không đóng hội phí nhiều năm và kết nạp thêm 20 hội viên mới. Tuy vậy, công tác phát triển hội viên và thành lập các chi hội doanh nghiệp trực thuộc vẫn còn chậm và chưa đạt chỉ tiêu đề ra.
6/ Công tác tài chính:
Trong năm 2013, Văn phòng Hiệp Hội đã tích cực tổ chức triển khai các hoạt động dịch vụ nhằm bổ sung nguồn thu của Hiệp Hội như: Tích cực thu hội phí; tổ chức các lớp đào tạo; vận động Doanh nghiệp tham gia các hoạt động quảng cáo thương hiệu do Hiệp Hội tổ chức...Tình hình tài chính của Hiệp Hội cơ bản ổn định, đáp ứng được các chi phí hoạt động thường xuyên. Tuy vậy, các nguồn thu chưa đảm bảo tính bền vững, việc nộp hội phí của hội viên còn chậm và chưa đạt chỉ tiêu; hoạt động quảng cáo thương hiệu cho doanh nghiệp năm nay do khó khăn nên giảm nhiều so với năm trước; các lớp đào tạo chủ yếu là hỗ trợ doanh nghiệp nên không thu được kinh phí bổ sung nguồn tài chính Hiệp Hội.
Nhìn chung, công tác tài chính của Hiệp Hội năm nay tuy đã có nhiều cố gắng duy trì nguồn thu, nhưng vẫn còn khó khăn, nhất là nguồn thu từ hội phí chưa đạt. Hiệp Hội phải tích cực vận động thêm sự hỗ trợ của một số doanh nghiệp thường xuyên quan tâm ủng hộ hoạt động của Hiệp Hội, nhất là trong các dịp tổ chức Hội nghị ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm, gặp mặt ngày Doanh nhân VN 13/10, các hoạt động từ thiện do Hiệp Hội phát động... đã nhận được sự hỗ trợ của các doanh nghiệp hội viên, nên vẫn bảo đảm phục vụ tốt các hoạt động chính của Hiệp Hội.
7/ Các hoạt động khác:
- Hoạt động xã hội từ thiện: Hiệp Hội đã tổ chức cho các doanh nghiệp hội viên đi thăm và tặng 180 suất quà (trị giá hơn 50 triệu đồng) cho trẻ em khuyết tật, mồ côi và bệnh nhi nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Bệnh viện TW và các Trung tâm nuôi dạy trẻ em nghèo trên địa bàn tỉnh. Trong lễ tôn vinh các Doanh nhân tiêu biểu của tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đã kêu gọi Doanh nhân đóng góp ủng hộ đồng bào bị bão lụt qua hai con bão số 10 và 11 . số tiền thu được HHDNT đã tổ chức hai Đoàn doanh nghiệp hội viên đi thăm và hỗ trợ 300 suất tặng phẩm trị giá 105 triệu đồng, góp phần giúp 300 gia đình đồng bào bị thiệt hại do bão lụt ở Huyện Phú Lộc và tỉnh Quảng Bình khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.
- Phối hợp với tỉnh tổ chức thành công Hội nghị gặp mặt tôn vinh 40 doanh nhân tiêu biểu năm 2013 nhân dịp kỷ niệm ngày Doanh nhân VN 13/10/2013.
- Phối hợp với Công ty lữ hành du lịch tổ chức chuyến tham quan cho 20 doanh nghiệp hội viên tại Hàn Quốc.
- Lập kế hoạch phối hợp hoạt động năm 2014 gửi các Sở Công thương, Ngoại vụ, Tư pháp, Kế hoạch & ĐT, Lao động TBXH.
- Tham gia với tỉnh trong các hoạt động mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại với các tổ chức phi chính phủ của các nước như : Nhật bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thụy Điển...nhằm hỗ trợ DN trong tỉnh phát triển các mối quan hệ hợp tác.
8/Những tồn tại, hạn chế:
Tuy đã triển khai được nhiều hoạt động và cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra từ đầu năm, nhưng hoạt động của Hiệp Hội vẫn còn những tồn tại, hạn chế: Một số hoạt động của Hiệp Hội đề ra nhưng chưa tích cực tổ chức thực hiện như: Chương trình“Hội viên hỗ trợ Hội viên nhằm hỗ trợ đầu ra cho doanh nghiệp” đã triển khai nhưng chưa sâu rộng; công tác phát triển hội viên, vận động thành lập Chi hội gặp nhiều khó khăn, chưa đạt chỉ tiêu; hoạt động của văn phòng Hiệp Hội chưa thật nề nếp, thông tin đến BTV, BCH đã được cải thiện theo định kỳ, nhưng thông tin hoạt động Hiệp Hội đến doanh nghiệp hội viên còn ít và chưa thông suốt. Công tác tài chính chưa ổn định, các nguồn thu thấp và không bền vững. Việc nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp nói chung và hội viên nói riêng chưa sâu. Một số hoạt động về đào tạo, xúc tiến thương mại với doanh nghiệp nước ngoài như ở Lào, Thái Lan, Myanmar đã tích cực phối hợp tổ chức nhưng hiệu quả chưa cao, một số đợt đi xúc tiến thương mại có vướng mắc. Hoạt động xã hội từ thiện trong năm đã có cố gắng vận động tổ chức, nhưng chưa rộng, chưa sâu. Trang thông tin điện tử của Hiệp Hội rất được sự quan tâm của các doanh nghiệp, số lượng truy cập nhiều (1,1 triệu lượt), nhưng thông tin còn ít, giao diện đơn điệu, không hấp dẫn, cần đổi mới hiện đại hơn. Hiệp Hội chưa xây dựng được đội ngũ cộng tác viên có năng lực để thực hiện việc tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp hội viên về pháp luật kinh tế, kinh doanh thương mại điện tử, lập dự án...như dự kiến.
II. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ HOẠT ĐỘNG NĂM 2014
Thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Hiệp hội, căn cứ tình hình hoạt động năm qua, trong năm 2014, Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh sẽ chủ động phối hợp cùng các sở, ban, ngành liên quan trong tỉnh để tổ chức thực hiện các hoạt động sau:
1. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiêp, tập trung là DNNVV nhằm nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp trong tỉnh:
- Chỉ tiêu: Tổ chức từ 5-10 lớp đào tạo quản trị doanh nghiệp cho các cán bộ quản lý DNNVV, chú trọng cán bộ quản lý cấp trung của doanh nghiệp. Mỗi lớp từ 50- 100 cán bộ dự học, cả năm phấn đấu đào tạo cho 1000 cán bộ quản lý ở các vị trí của doanh nghiệp.
- Nội dung các lớp đào tạo: Tập trung tổ chức các khóa học ngắn hạn về quản trị doanh nghiệp hiện đại, trong đó chú trọng về các chuyên đề: quản trị nhân sự, quản trị tài chính, quản trị chiến lược, quản trị marketing, quản trị dự án đầu tư, quản trị sản xuất xanh, sạch, tiết kiệm năng lượng và một số lớp về khởi sự doanh nghiệp.
- Nội dung các lớp bồi dưỡng: Chú trọng chuyên đề vầ tái cấu trúc mô hình quản trị doanh nghiệp, tái cơ cấu tài chính doanh nghiệp, sử dụng thương mại điện tử, quản trị sản xuất giảm chi phí, quản trị sản xuất tiết kiệm năng lượng, kỹ năng quản lý marketing trực tiếp (Direct marketing), xây dựng văn hóa doanh nghiệp, bồi dưỡng kiến thức về pháp luật lao động và quản lý lao động cho người sử dụng lao động, bồi dưỡng nghiệp vụ Quản đốc phân xưởng, Tổ trưởng sản xuất và nghiệp vụ chuyên môn dành cho cán bộ quản lý cấp trung của doanh nghiệp...
- Đối tượng đào tạo: Ngoài đội ngũ giám đốc, chủ doanh nghiệp, năm 2014 chú ý nhiều hơn đội ngũ cán bộ kế cận quản lý doanh nghiệp và cán bộ cấp trung trong doanh nghiệp (giám đốc nhân sự, giám đốc tài chính, giám đốc marketing, trưởng phòng kinh doanh, quản đốc phân xưởng, tổ trưởng sản xuất...).
- Hình thức tổ chức đào tạo: - Hiệp Hội trực tiếp phối hợp với các Trung tâm đào tạo có uy tín để tổ chức đào tạo hoặc Hiệp Hội phối hợp Sở KH&ĐT tổ chức các khóa học.
- Kinh phí thực hiện: Xin hỗ trợ của Sở KH&ĐT và các cơ quan Trung ương như VCCI, Hiệp Hội DNNVV Việt Nam.
2/ Phổ biến, thông tin các quy trình, chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư:
- Vào thời điểm đầu năm và cuối năm 2014, Hiệp Hội phối hợp với Sở KH&ĐT để Mời 300 doanh nghiệp hội viên nghe Sở phổ biến, triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư với mục đích trợ giúp các DNNVV mở rộng, tìm kiếm thị trường, cơ hội đầu tư trong và ngoài nước. Phổ biến về nội dung và giải quyết kịp thời những vướng mắc liên quan trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư của các doanh nghiệp theo quy định của Nhà nước
- Phối hợp Sở ngoại vụ tổ chức thông tin tình hình hội nhập kinh tế quốc tế đến với các doanh nghiệp. Phổ biến các tài liệu về nội dung cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, AFTA, TPP...và thường xuyên thông tin nhu cầu của một số thị trường quốc tế truyền thống và tiềm năng, giúp các doanh nghiệp trong tỉnh nghiên cứu nắm bắt được thông tin về lộ trình hội nhập của nước ta cũng như tìm được thị trường để quan hệ hợp tác.
3/ Đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp: Trong năm 2014, Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh tập trung hỗ trợ pháp lý cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung và cho 300 doanh nghiệp hội viên theo các nội dung cụ thể:
- Tuyên truyền, phổ biến các nội dung pháp luật quy định về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gồm: Luật doanh nghiệp sửa đổi bổ sung, Luật thuế thu nhập doanh nghiêp sửa đổi năm 2013, Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi 2013, Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2013, ... và các quy đinh của pháp luật về thủ tục đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp. Tổ chức phổ biến kịp thời các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ thuế, tín dụng, đất đai, thông tin xúc tiến thương mại và thị trường đến với các doanh nghiệp trong tỉnh.
- Phối hợp Sở Lao động TBXH tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng về pháp luật lao động, luật Công đoàn, nhất là các quy định về thực hiện thương lượng tập thể, đối thoại tập thể, cơ chế dân chủ và giải quyết tranh chấp lao động trong doanh nghiệp.
- Tổ chức phổ biến nội dung Hiến pháp sửa đổi 2013 và Luật đất đai sửa đổi cho đại bộ phận các doanh nghiệp trong tỉnh
- Phối hợp Sở tư pháp tổ chức xây dựng đội ngũ cán bộ pháp chế của doanh nghiệp, đào tạo nghiệp vụ, nâng cao năng lực cán bộ pháp chế doanh nghiệp, trước hết là cho 300 doanh nghiệp hội viên của Hiệp Hội.
4/ Tham gia các hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp: Căn cứ trách nhiệm được phân công, Hiệp Hội tích cực phối hợp với Sở KH&ĐT và các đơn vị liên quan tích cực triển khai thực hiện các hoạt động theo Điều lệ của Quỹ nhằm mục đích tài trợ các chương trình giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho DNNVV.
5/Triển khai hoạt động hỗ trợ thương mại điện tử cho các doanh nghiệp: Hiệp Hội tích cực phối hợp với Sở KH&ĐT và Sở Công Thương thực hiện chương trình hỗ trợ xây dựng các trang Web của doanh nghiệp và các phần mềm ứng dụng thương mại điện tử, trước mắt là cho toàn bộ doanh nghiệp hội viên.
6/ Phối hợp tổ chức cho doanh nghiệp tham gia các Hội chợ thương mại, triển lãm trong tỉnh, trong nước và ở nước ngoài: Hỗ trợ DNNVV tiếp cận thị trường, mở rộng sản xuất kinh doanh, khảo sát thị trường, tham gia hội chợ triển khai và xúc tiến thương mại để các doanh nghiệp từng bước tiếp cận thị trường và mở rộng thị trường sản xuất kinh doanh. Tiếp tục phối hợp với Sở ngoại vụ và Sở công thương triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, nhất là ở thị trường các nước ASEAN và hành lang kinh tế Đông-Tây nhằm giúp các doanh nghiệp trong tỉnh mở rộng cơ hội đầu tư, tìm kiếm thị trường. Tranh thủ lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ DNNVV trong việc khảo sát thị trường, tham gia hội chợ triển khai và xúc tiến thương mại để các doanh nghiệp từng bước tiếp cận thị trường và mở rộng thị trường sản xuất kinh doanh. Phấn đấu trong năm 2014 đưa từ 5-7 đoàn doanh nghiệp của tỉnh tham gia các Hội chợ giao thương quốc tế (Nhờ Sở ngoại vụ hướng dẫn thủ tục tổ chức các Đoàn doanh nghiệp đi xúc tiến đầu tư, thương mại ở các nước).
- Tổ chức điều tra, khảo sát nắm tình hình hoạt động kinh doanh xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh. Phối hợp với Sở ngoại vụ, Cục hải quan, Cục thuế, Sở Công thương, Sở kế hoạch và đầu tư tổ chức hội nghị các doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu để tìm các biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ quảng bá thương hiệu sản phẩm xuất khẩu nhằm góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực DNNVV đạt 85% trên tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.
7/ Một số hoạt động trọng tâm khác:
- Tiếp tục vận động tổ chức có kết quả “Chương trình hợp tác tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ trong nội bộ doanh nghiệp hội viên” bằng nhiều hình thức kết nối cụ thể, hiệu quả hơn, có tổng kết kết quả thực hiện.
- Tiếp tục tổ chức khảo sát, tập hợp ý kiến đề xuất của doanh nghiệp về những bức xúc, vướng mắc trong SXKD để kiến nghị Nhà nước, với tỉnh và các ngành chức năng liên quan giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.
- Xúc tiến việc thành lập màng lưới cộng tác viên có năng lực để thực hiện việc tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp hội viên về pháp luật kinh tế, kinh doanh thương mại điện tử, lập dự án và marketing cho doanh nghiệp.
- Hoàn thành việc nâng cấp và đổi mới trang thông tin điện tử của Hiệp Hội để đưa vào sử dụng thông tin quảng bá hoạt động Hiệp Hội và phục vụ doanh nghiệp hội viên có hiệu quả hơn.
- Phối hợp tổ chức các hoạt động tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu trong năm 2014 theo quy chế của UBND tỉnh và vào dịp kỷ niệm ngày doanh nhân Việt Nam 2014.
- Tổ chức Giải quần vợt truyền thống của doanh nhân năm 2014 và các hoạt động văn hóa văn nghệ TDTT trong doanh nhân.
- Tăng cường các hoạt động xã hội từ thiện của Hiệp Hội với cộng đồng và vận động nhiều doanh nghiệp Hội viên tham gia hỗ trợ Hiệp Hội trong những hoạt động xã hội từ thiện.
- Tiếp tục củng cố tổ chức Hiệp Hội và phát triển Hội viên. Vận động thành lập từ 2-3 tổ chức Hội, Chi hội, Câu lạc bộ trực thuộc Hiệp Hội, trong đó tập trung vận động thành lập Câu lạc bộ nữ doanh nhân và các hội doanh nghiệp ngành nghề.
- Phối hợp với các Công ty lữ hành để tổ chức tham quan, tìm đối tác cho doanh nghiệp hội viên ở nước ngoài và trong nước.
- Duy trì các hoạt động kinh tế của Hiệp Hội hiện có và tích cực nghiên cứu tìm hướng đi lâu dài nhằm xây dựng một mô hình hoạt động kinh tế hiệu quả, bảo đảm nguồn thu ổn định, bền vững cho Hiệp Hội.
- Tăng cường tìm kiếm, mở rộng quan hệ đối ngoại của Hiệp Hội với các tổ chức phi chính phủ, với Hiệp Hội doanh nghiệp các nước trong khu vực ASEAN, Nhật bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...Thông qua sự hỗ trợ giúp đỡ, kết nối của Sở ngoại vụ và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong tỉnh nhằm hỗ trợ Hiệp Hội DN tỉnh phát triển các mối quan hệ hợp tác vì lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh...
Nơi nhận:
- Hiệp hội DNN&VVN; B/c.
- VCCI TW và Đà Nẵng; B/c.
- UBMTTQVN tỉnh; B/c.
- Sở Nội vụ;
- Đảng uỷ Khối DN;
- LHCHKH&KT tỉnh;
- Các UVBCH HHội và Hội viên;
- L¬ưu VP Hiệp Hội.
|
TM. BAN THƯỜNG VỤ
CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Nguyễn Mậu Chi
|