Văn hoá xã hội

Phát triển 2 sản phẩm dịch vụ du lịch mới từ di sản Huế
Phát triển 2 sản phẩm dịch vụ du lịch mới từ di sản Huế
 
Ngày cập nhật 22//07/2014 08:12
 
(TTH) - Trình làng thành công tại Festival Huế lần thứ 8, Ngự yến Hoàng cung và không gian Thái Y Đường hứa hẹn sẽ là 2 sản phẩm dịch vụ du lịch riêng có của di sản Huế.

Đưa Ngự yến Hoàng cung vào tour

Ngự yến Hoàng cung là một trong những nội dung của Đêm Hoàng Cung - chương trình nghệ thuật gắn với lễ hội đã được tổ chức tại Huế từ năm 2006. Tuy nhiên, cùng với nhiều điểm mới đột phá trong Đêm Hoàng Cung năm nay, Ngự yến Hoàng cung mang đến cho thực khách một cái nhìn đúng đắn hơn về ẩm thực cung đình Huế, tái hiện phần nào một buổi Ngự yến của vua Nguyễn thiết đãi các hoàng thân trong chốn hoàng cung. Mặc dù giá vé 2 triệu đồng/người, nhưng buổi Ngự yến này tạo được ấn tượng tốt đối với du khách.

Cung nữ phục vụ Ngự yến

Thành công quan trọng nhất của Ngự yến Hoàng cung năm nay là Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế đã mời được nghệ nhân ẩm thực Hồ Thị Hoàng Anh - hậu duệ của vị Đội trưởng đội Thượng thiện cuối cùng của triều Nguyễn Hồ Văn Tá, chủ trì chương trình. Tất cả các dụng cụ để phục vụ cho các buổi Ngự yến từ bát, chén đĩa, tô, muỗng, đũa, khăn ăn… đều được chuẩn bị công phu. Các món ăn được lựa chọn với chất lượng cao nhất và được chế biến, trình bày tinh tế đúng theo tinh thần của ẩm thực cung đình Huế. Sáu món ăn cung đình phục vụ lần này đều được gọi đúng như tên gọi trong sách Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ của triều Nguyễn, gồm: gắp tư dùng với đồ chua, hải sâm nấu với tôm ba oản, bánh khoai tía và bánh kê, gỏi gà Huế, vịt lọng xôi hong và bánh màu pháp lam.

Trong chiến lược phát triển, Trung tâm BTDTCĐ Huế đang quyết tâm xây dựng thương hiệu cho Ngự yến Hoàng cung, với mục tiêu phục hồi một trong những sản phẩm văn hoá cung đình riêng có của Huế. “Chắc chắn không phải đợi đến kỳ Festival Huế chúng tôi mới tổ chức hoạt động này như trước đây nữa. Chúng tôi đang xúc tiến những thủ tục cần thiết để từ tháng 7 này có thể kết nối với một số tour tổ chức Ngự yến Hoàng cung, quy mô khoảng 100 suất trong mỗi lần tổ chức”, TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế, cho biết.

Chuẩn bị cho Ngự yến Hoàng cung, Trung tâm BTDTCĐ Huế phối hợp với nghệ nhân Hồ Thị Hoàng Anh trong việc đào tạo đầu bếp và truyền dạy bí kíp của nhiều món ăn độc đáo khác trong cung đình triều Nguyễn mà nghệ nhân đang nắm giữ; đồng thời, ký hợp đồng độc quyền với một khách sạn vừa có uy tín, vừa có tính kỷ luật để thực hiện.

Sẽ có Thái Y đường ở các điểm di tích

Dưới thời Nguyễn, Thái Y viện là cơ quan y tế cao nhất chủ yếu phục vụ cho triều đình. Với tinh thần chấn hưng những giá trị truyền thống về y học cổ truyền, năm 2012, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực miền Trung và cả nước giai đoạn 2012 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020; trong đó, chỉ tiêu “Hoàn thành phục hồi Thái Y viện vào năm 2015”. Festival Huế vừa qua, lần đầu tiên Trung tâm BTDTCĐ Huế và Hội Đông Y Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức không gian Thái Y đường, khởi động cho việc phục hồi Thái Y viện trong tương lai. Trong không gian này, các bác sĩ, lương y thuộc Hội Đông y Thừa Thiên Huế tái hiện hình ảnh của các vị Thái Y triều đình ngày xưa để bắt mạch và bốc thuốc cho du khách theo đúng trình tự mà các thầy thuốc năm xưa chữa bệnh cho vua, quan.

Tái hiện buổi hội chẩn Thái y viện dưới triều Nguyễn tại Festival Huế 2014 không gian Thái y đường sẽ được phát triển ở các điểm di tích. Ảnh: Văn Thắng

Hội Đông Y Thừa Thiên Huế đang dịch thuật và phục hồi lại các bài thuốc cổ truyền đã được lưu trong châu bản triều Nguyễn để đưa vào Thái Y viện sau khi di sản này được phục hồi. NGƯT, ThS. Phan Tấn Tô - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đông y tỉnh, cho biết: “Hiện nay, ngoài thị trường có nhiều loại trà cung đình, nhưng chưa có phái nào xuất phát từ Thái Y viện. Sắp tới, cùng với những bài thuốc chữa bệnh rất hiệu nghiệm, chúng tôi sẽ sản xuất một số loại trà, rượu cung đình để phục vụ du lịch”. Trung tâm BTDTCĐ Huế đang tích cực tìm đối tác có năng lực để đầu tư cơ sở vật chất cho các Thái Y đường trong tương lai, theo hình thái “cắm” ở tất cả các điểm di tích để phục vụ khách du lịch.

Trong định hướng phục hồi Thái Y viện, Trung tâm BTDTCĐ Huế hướng đến phục hồi một di sản độc đáo của tỉnh, đồng thời xem đây là một sản phẩm dịch vụ du lịch. “Có lẽ, chỉ có Huế - Cố đô của triều Nguyễn mới có hoạt động này và có được tính kết nối như hiện nay. Qua không gian Thái Y đường trong Festival vừa qua, chúng tôi có thêm những kinh nghiệm đáng quý để tiếp tục tổ chức hoạt động này hiệu quả hơn thời gian tới. Có phương pháp tổ chức, sự ủng hộ của các ban ngành và sự đồng thuận của các đầu mối dịch vụ du lịch, chúng ta không chỉ khôi phục được một di sản văn hoá quý giá của cha ông mà còn đưa không gian Thái Y đường trở thành một sản phẩm du lịch rất độc đáo và riêng có của Huế” - TS. Phan Thanh Hải lạc quan.

Đồng Văn (TTH)

Tin tức liên quan