Trang chủ

Doanh nghiệp nhỏ và vừa “tự cứu” bằng cách nào?

 Doanh nghiệp nhỏ và vừa “tự cứu” bằng cách nào?

Làm thế nào để các doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ dàng tiếp cận được vốn ngân hàng, nâng cao năng lực công nghệ trong bối cảnh kinh tế khó khăn... là chủ đề mà phóng viên Báo Công Thương đã trao đổi với các chuyên gia.


Không phụ thuộc vốn ngân hàng

 

Đối với nguồn vốn ngân hàng với lãi suất thấp, các chính sách ưu đãi chỉ áp dụng đối với một vài lĩnh vực, chẳng hạn như nông nghiệp, xuất khẩu. Trong khi đó, số lượng SME đang hoạt động trong những lĩnh vực này chiếm tỷ trọng khiêm tốn. Do đó, phần lớn SME không tiếp cận được với các nguồn vốn lãi suất thấp.

 

Điều mà các SME có thể tự làm ngay là nâng cao khả năng quản trị, đòi hỏi các nhân sự cao cấp phải có kiến thức về quản lý tài chính doanh nghiệp và sử dụng vốn hiệu quả, bảo đảm an toàn cấu trúc tài chính công ty. Tăng hiệu quả quản lý nguồn vốn sẽ giúp giảm thiểu khả năng thiếu vốn trong doanh nghiệp (DN). Hơn nữa, việc điều hành DN một cách minh bạch về thông tin tài chính, hiệu quả và an toàn trong quản lý vốn sẽ giúp DN không chỉ chủ động trong các vấn đề tài chính mà còn giúp DN dễ dàng thu hút vốn từ các nhà đầu tư tiềm năng như các quỹ đầu tư nước ngoài, tránh tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn ngân hàng. Thực tế cho thấy, thời gian qua vẫn có các khoản đầu tư hàng triệu USD từ các quỹ nước ngoài như IDG Venture vào các SME Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin...

TS. Vũ Đức Nghĩa-

Giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội):

Thời điểm hiện tại nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống ngân hàng là tái cấu trúc, giải quyết vấn đề nợ xấu. Do đó, các ngân hàng thương mại rất chặt chẽ trong việc cấp vốn cho các SME. Bên cạnh đó, hệ thống tài chính hiện nay thiếu vắng một tổ chức trung gian độc lập để cung cấp thông tin về khả năng tín dụng của DN. Do đó, việc áp dụng cho vay tín chấp với các SME còn rất nhiều hạn chế.

Bà Karin Finkelston

Phó Chủ tịch Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) phụ trách Châu Á - Thái Bình Dương:

IFC đặc biệt quan tâm đến việc huy động vốn của khối DN tư nhân, đặc biệt là các SME. IFC cũng đã rót hàng trăm triệu USD, thông qua Vietinbank đến với các SME của Việt Nam thời gian qua. Năm tài chính 2013 (7/2012- 6/2013), IFC cũng đã đầu tư tới trên 800 triệu USD, phần lớn trong số đó cũng tập trung vào các SME.

PGS.TS. Hoàng Đình Phi:

Các chủ DN nhỏ và vừa nên tự “cứu” mình và phát triển bền vững thông qua việc đầu tư ban đầu cho đào tạo các giám đốc chuyên môn như giám đốc công nghệ, marketing...

 

Tự tạo bí quyết công nghệ riêng

Ở một góc độ “vốn” khác cũng rất thời sự là công nghệ, PGS.TS. Hoàng Đình Phi- chuyên gia tư vấn quản trị công nghệ và sáng tạo, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Sannam- nhấn mạnh đến khả năng các SME có thể tự tạo ra bí quyết công nghệ cho riêng mình.

 

Theo ông Phi, các DN vừa và lớn thường đầu tư nhiều và lâu dài cho nghiên cứu và phát triển (R&D) nhưng điều này dường như lại khó khăn đối với các SME. Về chủ quan, đa số các SME của Việt Nam có năng lực quản trị hạn chế, thiếu nguồn vốn dài hạn, thiếu tư duy chiến lược trong việc đầu tư hay hợp tác đầu tư cho R&D để đổi mới một thành phần công nghệ hay phát triển một công nghệ mới.

 

Mặc dù có nhiều nhưng các chính sách của nhà nước trong việc thúc đẩy thị trường công nghệ, hỗ trợ SME đổi mới công nghệ chậm được thực thi, là lý do khiến các SME đang rất khó tiếp cận các công nghệ mới. Thực tế cho thấy, các SME của Việt Nam vẫn đang thiếu “sinh khí”.

 

Ông Phi nhấn mạnh, việc cần làm ngay là nhà nước nên tài trợ cho các chương trình đào tạo về quản trị doanh nghiệp SME, quản trị công nghệ và sáng tạo công nghệ để các chủ DN và các nhà quản trị quan trọng của SME như giám đốc điều hành, giám đốc công nghệ, giám đốc marketing… tham gia học và tự học để nâng cao tri thức, nâng cao khả năng tự đổi mới công nghệ, khả năng tìm kiếm các nguồn vốn và nguồn lực, khả năng hợp tác với các nhà khoa học và các trường đại học để sáng tạo công nghệ... Các chứng nhận hay bằng cấp qua đào tạo này nên được coi là “giấy thông hành” lâu dài khi các SME muốn được tiếp cận các nguồn vốn ngân hàng, các hỗ trợ của nhà nước, của các tổ chức quốc tế.


Theo báo Công Thương


Tin tức liên quan