Từ kết quả các cuộc khảo sát chính thức đến những phát biểu riêng rẽ trên nhiều diễn đàn đều toát lên một điều là, các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa chuẩn bị đầy đủ cho cuộc cạnh tranh rất khốc liệt khi cánh cửa thị trường được mở vừa nhanh hơn, vừa rộng hơn ngay từ đầu năm tới.
Trong số 6 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang hoặc đã kết thúc đàm phán, 3 FTA Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc và Liên minh thuế quan (gồm Nga, Belarus và Kazakhstan) dự kiến sẽ được ký kết ngay đầu năm 2015, nửa còn lại cũng sẽ hoàn tất trong năm. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng hứa hẹn sẽ kết thúc đàm phán trong năm 2015. Đồng thời, ở phạm vi khu vực, việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vì mục tiêu hội nhập kinh tế vùng vẫn được các quốc gia thành viên thống nhất đặt thời hạn là năm tới.
AEC, TPP hay các FTA đều có chung một điểm, đó là mở ra cơ hội lớn hơn để tiếp cận thị trường một cách bình đẳng. Và trong cuộc chinh phạt sòng phẳng này, khả năng “tồn tại hay không tồn tại” không chỉ phụ thuộc vào người đến sớm, mà còn ở việc đối thủ đó đã được chuẩn bị như thế nào.
Đối với các doanh nghiệp nước ngoài, có vẻ câu trả lời đã khá rõ, thể hiện ở việc “lót ổ” từ khá sớm, nhất là trong các ngành da giày, dệt may - những ngành mà Việt Nam được xác định có lợi thế so sánh. Cuộc đổ bộ ồ ạt đã và đang diễn ra trong riêng lĩnh vực phân phối, bán lẻ tại Việt Nam cũng cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đã sẵn sàng đón nhận cơ hội từ tiến trình hội nhập của Việt Nam.
Trong khi đó, khảo sát mới đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho thấy, chỉ khoảng 30% doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng thích nghi với sân chơi AEC, FTA và TPP. Cũng phải nói thêm, tỷ lệ 30% này chủ yếu rơi vào các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu.
Rõ ràng, với đà này, doanh nghiệp Việt Nam sẽ không chỉ tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ bị thua trong cuộc cạnh tranh trực tiếp ngay trên sân nhà, mà cơ hội mang đến từ việc mở cửa các thị trường quốc tế cũng có thể bị bỏ lỡ.
Khuyến nghị của giới chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, ít nhất có 3 việc mà doanh nghiệp Việt Nam cần làm gấp.
Một là, tìm hiểu sâu hơn về pháp luật và các cam kết hội nhập cũng như sự thay đổi của các chính sách trong nước để thích nghi, nhất là trong giai đoạn chuyển tiếp do những thay đổi chính sách.
Hai là, đừng chú trọng vào cạnh tranh bằng giá, hãy cạnh tranh bằng chất lượng.
Cuối cùng là việc tăng cường kết nối vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, mặc dù động thái chính sách đến nay được đánh giá là khá tích cực với hệ thống văn bản pháp quy đang được hoàn thiện nhanh theo hướng đáp ứng được lộ trình và chương trình hành động hướng tới AEC và phù hợp với các FTA mà Việt Nam tham gia, rất cần tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực cải cách thể chế. Đây là nhu cầu cấp bách để gỡ bỏ mọi rào cản, khơi dậy sự sáng tạo và khơi thông các nguồn lực cho doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng phát triển, đủ khả năng cạnh tranh cả ở trong và ngoài nước.
Sự sẵn sàng của cộng đồng doanh nghiệp chính là sự sẵn sàng của một nền kinh tế, một quốc gia trong hội nhập, tương tự như cách đây 8 năm, khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Có khác chăng ở lần này, là mức cảnh báo cần đặt cao hơn nhiều.
Theo báo Đầu Tư