Tin tức

Sòng phẳng với thủy điện

Sòng phẳng với thủy điện

 - Trước diễn biến phức tạp của lũ lụt đã và đang diễn ra ở miền Trung, nhiều nhà khoa học, nhà quản lý và người dân khẳng định việc xả lũ của các hồ thuỷ điện đã làm lũ lụt diễn biến phức tạp và khốc liệt hơn. Một số người dân ở tỉnh Khánh Hoà đã “đánh tiếng” khởi kiện nhà máy thuỷ điện vì xả lũ gây ngập lụt, làm thiệt hại lớn đến sản xuất nuôi trồng thuỷ sản. “Công” và “tội” của thuỷ điện đến đâu, chúng ta cũng cần có cái nhìn sòng phẳng.


Tại hội thảo về công tác vận hành hồ chứa thủy điện, do Bộ Công thương tổ chức tại Hà Nội, ngày 13/11 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, với tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay, 32 dự án thuỷ điện vừa và lớn với tổng công suất lắp máy 7.303,6 MW và 86 nhà máy thuỷ điện nhỏ với tổng công suất lắp máy khoảng 474,8MW đã đóng góp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 35% công suất. Các công trình thuỷ điện, ngoài mục tiêu phát điện còn có nhiệm vụ cắt và chống lũ mùa mưa bão, cung cấp nước cho hạ du phục vụ sản xuất và dân sinh trong mùa kiệt.


Thủy điện Bình Điền - ảnh minh họa từ báo Công thương

Thực tế thời gian qua cho thấy, hiệu quả phát điện đã rõ và trong điều kiện lũ vừa hoặc mùa khô kiệt, các hồ thuỷ điện đã tham gia điều tiết khá tốt. Tuy nhiên, trong các trận lũ lớn, vai trò cắt lũ của các hồ thuỷ điện hầu như mất tác dụng. Nguyên nhân có nhiều, nhưng tựu chung một điều, hồ chứa thì nhỏ mà lưu lượng nước về lớn nên các hồ chứa không phát được tác dụng ngăn lũ, phải để nước xả tràn tự nhiên. Đúng như đánh giá của ông Hoàng Hữu Thận, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và phát triển điện- Hội Điện lực Việt Nam: “Các nhà máy thuỷ điện có những hạn chế, song không làm xấu hơn tác hại của lũ, mà chỉ có thể tham gia vào quá trình cắt lũ, hoặc không”.

Tại tỉnh ta, tính đến 2010, đã có 4 công trình thuỷ điện vừa (trên 30MW) và 6 công trình thuỷ nhỏ (dưới 30MW) được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Hiện có 4 dự án được triển khai gồm: Thuỷ điện Bình Điền 44MW đã hoàn thành và đi vào hoạt động từ ngày 19/5/2009; thuỷ điện Hương Điền 81MW phát tổ máy số 1 (27MW) vào tháng 10/2010, chuẩn bị phát điện tổ máy số 2. Thuỷ điện A Lưới 170MW, hoàn thành khoảng 70% công việc; dự kiến tích nước vào quý IV/2011. Thuỷ điện A Lin B1(40MW) mới khởi công ngày 30/8. Năm 2010 vừa qua các thuỷ điện Bình Điền và Hương Điền đã góp phần tích cực xả nước cứu hạn và cắt giảm lũ sông Bồ và sông Hương dưới mức báo động 2, không gây ngập lụt cho hạ du.

Thông thường, các nhà làm thuỷ điện đều muốn tích nhiều nước để phát điện. Đó là điều chính đáng. Nhưng vấn đề quan trọng là tích nước thời điểm nào, xả lũ thời điểm nào để vừa đảm bảo việc việc phát điện, vừa tích cực tham gia việc cắt lũ. Nếu tích sớm, khi lũ về hồ mất vai trò điều tiết lũ, còn tích muộn thì hồ lại thiếu nước. Vì vậy, cần xây dựng quy trình vận hành các hồ chứa phù hợp với nhiệm vụ công trình và điều kiện thực tế ở các địa phương. Để làm được điều này, cần làm tốt công tác dự báo lũ, tránh hiện tượng bất ngờ không ứng phó kịp của các nhà máy, hồ thuỷ điện. Đây không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành khí tượng thuỷ văn mà các chủ đầu tư thuỷ điện cũng phải chủ động đầu tư hệ thống quan trắc theo phân cấp quản lý. Bên cạnh đó, các nhà máy thuỷ điện cần tuân thủ nghiêm ngặt hơn nữa công tác vận hành hồ chứa thuỷ điện, phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin với chính quyền địa phương để hài hoà lợi ích giữa phát điện và điều tiết nước, phát huy vai trò tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của thủy điện.


Hoàng Giang

nguonBaothuathienhue
 


Tin tức liên quan