Trang chủ

CHÍNH SÁCH TÍN DỤNG CHO DOANH NGHIỆP

 I. CÁC QUY ĐỊNH CHUNG VỀ CHÍNH SÁCH TÍN DỤNG

1. Quy chế cho vay của Tổ chức tín dụng đối với khách hàng

1.1. Các văn bản pháp luật điều chỉnh

- Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2001

- Quyết định số 28/2002/QĐ-NHNN ngày 11 tháng 01 năm 2002 sửa đổi Điều 2 Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN;

- Quyết định số 127/2005/QĐ-NHNN ngày 03 tháng 02 năm 2005 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN;

- Quyết định số 783/2005/QĐ-NHNN ngày 31 tháng 5 năm 2005 sửa đổi, bổ sung Khoản 6 Điều 1 của Quyết định số 127/2005/QĐ-NHNN ngày 3/2/2005;

- Thông tư số 33/2011/TT-NHNN ngày 08 tháng 10 năm 2011 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2010/TT-NHNN ngày 20 tháng 5 năm 2010 quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng và Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 10 năm 2011.

1.2. Các nội dung cơ bản

* Nguyên tắc vay vốn

Khách hàng vay vốn của tổ chức tín dụng phải đảm bảo:

1. Sử dụng vốn vay đúng mục đích đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng.

2. Hoàn trả nợ gốc và lãi vốn vay đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng.

* Điều kiện  vay vốn:

Tổ chức tín dụng xem xét và quyết định cho vay khi khách hàng có đủ các điều kiện sau:

1. Có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự và chịu trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật.

2. Mục đích sử dụng vốn vay hợp pháp.

3. Có khả năng tài chính (theo QĐ 1627: khả năng tài chính là khả năng về vốn, tài sản của khách hàng vay để bảo đảm hoạt động thường xuyên và thực hiện các nghĩa vụ thanh toán) đảm bảo trả nợ trong thời hạn cam kết.

4. Có dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khả thi và có hiệu quả; hoặc có dự án đầu tư, phương án phục vụ đời sống khả thi và phù hợp với quy định của pháp luật.

5. Thực hiện các quy định về bảo đảm tiền vay theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. (Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm; Nghị định 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP; Nghị định 83/2010/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm).

* Những nhu cầu vốn không được cho vay:

1. Để mua sắm các tài sản và các chi phí hình thành nên tài sản mà pháp luật cấm mua bán, chuyển nhượng, chuyển đổi;

2. Để thanh toán các chi phí cho việc thực hiện các giao dịch mà pháp luật cấm;

3. Để đáp ứng các nhu cầu tài chính của các giao dịch mà pháp luật cấm.

4. Để mua vàng, trừ trường hợp được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho phép vay vốn mua vàng để sản xuất vàng miếng, sản xuất, gia công vàng trang sức mỹ nghệ và cho vay để nhập khẩu vàng nguyên liệu theo giấy phép của Ngân hàng Nhà nước.

* Thời hạn cho vay: thỏa thuận

* Lãi suất cho vay

1. Mức lãi suất cho vay do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

(Theo điều 91 Luật các TCTD năm 2010:

- Tổ chức tín dụng được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.

- Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.

- Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.

Như vậy, về cơ bản lãi suất cho vay là do khách hàng và TCTD thỏa thuận theo Thông tư số 12/2010/TT-NHNN ngày 14/4/ 2010. Tuy nhiên, vào cuối năm 2010, trước tình hình các TCTD đua nhau tăng lãi suất huy động vốn để giải quyết khó khăn về thanh khoản, gây xáo trộn thị trường tiền tệ và đẩy mặt bằng lãi suất cho vay tăng cao, được sự chấp thuận của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã áp dụng trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 5 lĩnh vực ưu tiên (theo Thông tư 08/2014/TT-NHNN, theo QĐ 2174 là 7%/năm) hoặc các Chương trình tín dụng trọng điểm (cụ thể: lĩnh vực ưu tiên: Nông nghiệp nông thôn, SX hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN vừa và nhỏ, DN ứng dụng công nghệ cao; CT tín dụng trọng điểm: Cho vay theo NĐ 67 về phát triển thủy sản; Cho vay nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68 của Thủ tướng CP; cho vay nhà ở XH…).

2. Mức lãi suất áp dụng đối với khoản nợ gốc quá hạn do tổ chức tín dụng ấn định và thỏa thuận với khách hàng trong hợp đồng tín dụng nhưng không vượt quá 150% lãi suất cho vay áp dụng trong thời hạn cho vay đã được ký kết hoặc điều chỉnh trong hợp đồng tín dụng.

* Mức cho vay

1. Tổ chức tín dụng căn cứ vào nhu cầu vay vốn và khả năng hoàn trả nợ của khách hàng, khả năng nguồn vốn của mình để quyết định mức cho vay.

2. Giới hạn tổng dư nợ cho vay đối với một khách hàng thực hiện theo quy định tại Điều 18 Quy chế này:

- Tổng dư nợ cho vay đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng, trừ trường hợp đối với những khoản cho vay từ các nguồn vốn ủy thác của Chính phủ, của các tổ chức và cá nhân. Trường hợp nhu cầu vốn của một khách hàng vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng hoặc khách hàng có nhu cầu huy động vốn từ nhiều nguồn thì các tổ chức tín dụng cho vay hợp vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

- Trong trường hợp đặc biệt, tổ chức tín dụng chỉ được cho vay vượt quá mức giới hạn cho vay quy định tại Khoản 1 điều này khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép đối với từng trường hợp cụ thể.

- Việc xác định vốn tự có của các tổ chức tín dụng để làm căn cứ tính toán giới hạn cho vay quy định tại Khoản 1 và 2 Điều này thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

3. Tổng dư nợ cho vay đối với các đối tượng quy định tại mục Hạn chế cho vay không được vượt quá 5% vốn tự có của tổ chức tín dụng.

* Cơ cấu lại thời hạn trả nợ

Các tổ chức tín dụng tự quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, trên cơ sở khả năng tài chính của mình và kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng vay:

a) Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn nợ gốc và/hoặc lãi vốn vay trong phạm vi thời hạn cho vay đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng và tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng trả nợ trong các kỳ hạn tiếp theo, thì tổ chức tín dụng xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi vốn vay.

b) Khách hàng không có khả năng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi vốn vay đúng thời hạn cho vay đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng và được tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng trả nợ trong một khoảng thời gian nhất định sau thời hạn cho vay, thì tổ chức tín dụng xem xét cho gia hạn nợ với thời hạn phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng.

Toàn bộ số dư nợ vay gốc của khách hàng có khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ được phân loại vào các nhóm nợ thích hợp theo quy định về phân loại nợ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

* Miễn, giảm lãi

Tổ chức tín dụng được quyết định miễn, giảm lãi vốn vay phải trả đối với khách hàng theo các nguyên tắc sau đây:

1. Khách hàng vay bị tổn thất về tài sản dẫn đến khó khăn về tài chính;

2. Mức độ miễn, giảm lãi vốn vay phù hợp với khả năng tài chính của tổ chức tín dụng;

3. Tổ chức tín dụng không được miễn, giảm lãi vốn vay đối với khách hàng thuộc các đối tượng sau:

a) Tổ chức kiểm toán, Kiểm toán viên đang kiểm toán tại tổ chức tín dụng; Kế toán trưởng, Thanh tra viên;

b) Các cổ đông lớn của tổ chức tín dụng;

c) Doanh nghiệp có một trong những đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 77 của Luật này sở hữu trên 10% vốn Điều lệ của doanh nghiệp đó.

* Quyền và nghĩa vụ của khách hàng

1. Khách hàng vay có quyền:

a) Từ chối các yêu cầu của tổ chức tín dụng không đúng với các thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng;

b) Khiếu nại, khởi kiện việc vi phạm hợp đồng tín dụng theo quy định của pháp luật;

2. Khách hàng vay có nghĩa vụ:

a) Cung cấp đầy đủ, trung thực các thông tin, tài liệu liên quan đến việc vay vốn và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin, tài liệu đã cung cấp;

b) Sử dụng vốn vay đúng mục đích, thực hiện đúng các nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng và các cam kết khác;

c) Trả nợ gốc và lãi vốn vay theo thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng;

d) Chịu trách nhiệm trước pháp luật khi không thực hiện đúng những thỏa thuận về việc trả nợ vay và thực hiện các nghĩa vụ bảo đảm nợ vay đã cam kết trong hợp đồng tín dụng.

2. Phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro:

2.1. Các văn bản pháp luật điều chỉnh:

- Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài:

- Thông tư số 09/2014/TT-NHNN ngày 18/3/2014 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02/2013/TT-NHNN.

2.2. Các nội dung cơ bản mà DN có thể quan tâm

- Một số nguyên tắc phân loại nợ:

TCTD, chi nhánh NHNNg thực hiện tự phân loại nợ, cam kết ngoại bảng theo quy định tại Điều 10, Điều 11 của Thông tư và phải sử dụng kết quả phân loại nhóm nợ đối với khách hàng do CIC cung cấp để điều chính kết quả tự phân loại. Trường hợp nợ, cam kết ngoại bảng của khách hàng được phân loại vào nhóm nợ có mức độ rủi ro thấp hơn nhóm nợ do thông tin CIC cung cấp, TCTD, chi nhánh NHNNg phải điều chính kết quả phân loại nợ, cam kết ngoại bảng theo nhóm nợ được CIC cung cấp.

Như vậy, Khi KH có nhiều khoản nợ tại nhiều TCTD mà các khoản nợ này được phân thành nhiều nhóm nợ khác nhau thì tất cả các khoản nợ đó phải được phân loại thành cùng một nhóm nợ với khoản nợ có độ rủi ro cao nhất do CIC cung cấp.

- Phân loại nợ có 2 phương pháp: định lượng và định tính.

Các khoản nợ được xếp vào nhóm nợ xấu  bao gồm: (nợ xấu từ nhóm 3 đến nhóm 5)

+ Đối với định lượng:

Nhóm 3: Nợ quá hạn từ 91 ngày đến 180 ngày; nợ được gia hạn lần đầu; nợ được miễn hoặc giảm lãi do KH không đủ khả năng trả lãi đầy đủ theo HĐTD…;

Nhóm 4: Nợ quá hạn từ 181 ngày đến 360 ngày; nợ được cơ cấu thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn dưới 90 ngày hoặc cơ cấu thời hạn trả nợ lần hai…;

Nhóm 5: Nợ quá hạn trên 360 ngày; nợ được cơ cấu thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn trên 90 ngày hoặc cơ cấu thời hạn trả nợ lần hai bị quá hạn…;

 + Đối với định tính

Các khoản nợ được TCTD đánh giá là không có khả năng thu hồi nợ gốc và lãi khi đến hạn. Các khoản nợ này được TCTD đánh giá là có khả năng tổn thất.

3. Các quy định về phí trong hoạt động tín dụng

3.1. Các văn bản pháp luật điều chỉnh:

- Thông tư 05/2011/TT-NHNN ngày 10/3/2011 quy định về thu phí cho vay của các TCTD.

Ngoài các khoản phí được quy định tại Thông tư 05 thì TCTD không được phép thu thêm bất kỳ khoản phí nào liên quan đến khoản vay.

3.2. Các nội dung cơ bản:

Tổ chức tín dụng không được thu các loại phí liên quan đến khoản cho vay đối với khách hàng, trừ các khoản phí sau đây:

1. Phí trả trong trường hợp khách hàng trả nợ trước hạn và phí trả cho hạn mức tín dụng dự phòng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng.

2. Phí thu xếp để thực hiện ký kết hợp đồng đồng tài trợ theo phương thức cho vay hợp vốn giữa các tổ chức tín dụng tham gia cho vay hợp vốn với khách hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về cho vay đồng tài trợ của tổ chức tín dụng.

3. Các loại phí được quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cho vay.

4. Quy định phương tiện thanh toán để giải ngân vốn vay

4.1. Các văn bản pháp luật điều chỉnh:

Thông tư 09/2012/TT-NHNN ngày 10/4/2012 quy định việc sử dụng các phương tiện thanh toán để giải ngân vốn cho vay của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài.

4.2. Các nội dung cơ bản

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn cho vay và thực hiện thanh toán trực tiếp cho bên thụ hưởng, trừ các trường hợp sau:

1. Thanh toán cho bên thụ hưởng là tổ chức với số tiền dưới 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng) cho một lần giải ngân;

2. Thanh toán cho bên thụ hưởng là cá nhân có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán với số tiền dưới 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng) cho một lần giải ngân;

3. Thanh toán cho bên thụ hưởng là cá nhân không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán;

4. Để bù đắp phần vốn tự có, nguồn tài chính mà khách hàng vay đã sử dụng để thực hiện dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc dự án đầu tư, phương án phục vụ đời sống;

5. Để trả lương cho người lao động;

6. Chuyển tiền vay vào tài khoản thanh toán của khách hàng để khách hàng thanh toán cho các mục đích mà pháp luật quy định phải thực hiện thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng vay.

5. Một số lưu ý liên quan đến cho vay bằng ngoại tệ

5.1. Quy định cho vay bằng ngoại tệ

* Văn bản điều chỉnh:

+ Thông tư số 43/2014/TT-NHNN ngày 25 tháng 12 năm 2014 quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú.

* Một số nội dung chính:

1. Các nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ

a) Cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay;

b) Cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công thương giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu năm 2015 để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dầu khi khách hàng vay không có hoặc không có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay. Quy định tại điểm này được thực hiện đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2015;

c) Cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay; khi được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot), trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ. Quy định tại điểm này được thực hiện đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2015;

d) Cho vay để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đối với các dự án, công trình quan trọng quốc gia được Quốc hội, Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư và đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài.

2. Ngoài các trường hợp cho vay bằng ngoài tệ không cần chấp thuận của NHNN, Thông tư 43 cũng qui định một số trường hợp cho vay bằng ngoại tệ phải có chấp thuận trước bằng văn bản của NHNN là trường hợp cho vay bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh theo quy định tại các Nghị quyết, Nghị định, Quyết định Chỉ thị và các văn bản khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

5.2. Quy định về tỷ giá, lãi suất, phí liên quan đến ngoại tệ

* Văn bản điều chỉnh:

+ Quyết định số 1452/QĐ-NHNN ngày 10/11/2004 của NHNN VN về giao dịch hối đoái của các TCTD được phép hoạt động ngoại hối.  

+ Quyết định số 230/QĐ- NHNN ngày 11/02/2011 của NHNN Việt Nam về việc ban hành một số quy định liên quan đến giao dịch ngoại tệ của các TCTD được phép giao dịch hối đoái.  

+ Quyết định số 2172/QĐ-NHNN ngày 28/10/2014 quy định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đô la mỹ của tổ chức cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư 06/2014/TT-NHNN ngày 17/3/2014

* Một số nội dung chính:

1. Về tỷ giá: Tổng giám đốc (Giám đốc) các tổ chức tín dụng được phép giao dịch hối đoái được phép ấn định tỷ giá mua, tỷ giá bán giao ngay (SPOT) của Đồng Việt Nam với các ngoại tệ theo nguyên tắc sau:

- Đối với Đô la Mỹ: Không được vượt quá biên độ ± 1% (Một phần trăm) so với tỷ giá bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng của ngày giao dịch gần nhất trước đó do Ngân hàng Nhà nước công bố.

-  Đối với các ngoại tệ khác: Do Tổng giám đốc (Giám đốc) các tổ chức tín dụng được phép giao dịch hối đoái xác định.

- Chênh lệch giữa tỷ giá mua và tỷ giá bán do Tổng giám đốc (giám đốc) các tổ chức tín dụng được phép giao dịch hối đoái xác định.

( Hiện nay tỷ giá bình quân liên ngân hàng được NHNN Việt Nam công bố theo Thông báo số 127/TB-NHNN ngày 6/5/2015 có hiệu lực từ ngày 7/5/2015 là 21.673,00 VND/USD).

2. Về lãi suất tiền gửi, tiền vay bằng ngoại tệ:

* Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi bằng USD của tổ chức ( trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài ) là 0,25% năm.

* Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi bằng USD của cá nhân là 0,75%/ năm.

* Mức lãi suất cho vay của các TCTD đối với khách hàng bằng ngoại tệ: theo lãi suất thỏa thuận. ( hiện nay LS cho vay bằng USD đối với ngắn hạn phổ biến từ 3,5%-5,5%/năm và trung dài hạn từ 5,5% - 6,7%/năm).

* Mức lãi suất tiền gửi, tiền vay bằng ngoại tệ khác được xác định trên cơ sở cung cầu thị trường và do các tổ chức tín dụng được phép xác định và thỏa thuận với khách hàng

3.Về giao dịch hối đoái và phí trong giao dịch hối đoái

* Các loại hình giao dịch hối đoái: Giao dịch giao ngay, kỳ hạn, hoán đổi,quyền lựa chọn, và các giao dịch hối đoái khác theo quy định của trong từng thời kỳ.

* Đồng tiền giao dịch và tỷ giá giao dịch: Tổng Giám đốc (Giám đốc) các TCTD được phép được quy định các loại ngoại tệ giao dịch tại đơn vị mình và tỷ giá giao dịch của các ngoại tệ phù hợp với  quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước.

* về phí trong giao dịch hối đoái:

- Các TCTD được phép không được thu phí giao dịch đối với các giao dịch hối đoái giao ngay, hoán đổi, kỳ hạn.

- Các TCTD được phép và khách hàng thoả thuận và ghi rõ trong hợp đồng mức phí giao dịch và hình thức thanh toán phí đối với giao dịch quyền lựa chọn.

II. CÁC CHƯƠNG TRÌNH TÍN DỤNG ƯU ĐÃI CỦA NHÀ NƯỚC

1. Nghị định 41/2010/NĐ-CP và Thông tư 14/2010/TT-NHNN về Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn

- Đối tượng áp dụng:

+ Tất cả các TCTD

+ Đối tượng khách hàng: phải cư trú và có cơ sở hoặc dự án sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn. Riêng đối với doanh nghiệp phải có cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nông thôn (không nhất thiết là trụ sở) và mục đích vay là để phục vụ các cơ sở này. (Địa bàn nông thôn là địa bàn thuộc cấp UBND xã quản lý).

- Thời hạn và Lãi suất:

+ Thời hạn: TCTD và KH thỏa thuận thời hạn phù hợp

+ Lãi suất: theo cơ chế tín dụng thương mại (đối với lãi suất cho vay ngắn hạn không quá 7%/năm) hoặc theo quy định của Chính phủ đối với các Chương trình do Chính phủ chỉ định hoặc ủy thác đầu tư.

- Các ưu đãi:

+ Các khách hàng được cho vay không có bảo đảm bằng tài sản theo các mức như sau: Tối đa đến 50 triệu đồng đối với các cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; Tối đa đến 200 triệu đồng đối với các hộ kinh doanh; Tối đa đến 500 triệu đồng đối với các hợp tác xã, chủ trang trại.

+ Trường hợp khách hàng đang có nợ cơ cấu tại tổ chức tín dụng nhưng có nhu cầu vay mới để sản xuất, kinh doanh hoặc khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh thì tổ chức tín dụng căn cứ vào tính khả thi, hiệu quả của dự án, phương án sản xuất kinh doanh của khách hàng để xem xét cho vay mới, mà không phụ thuộc vào dư nợ cũ chưa trả đúng hạn của khách hàng.

+ Trường hợp thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên diện rộng (trên cơ sở thông báo của cơ quan có thẩm quyền), tổ chức tín dụng căn cứ vào mức độ thiệt hại và khả năng trả nợ của khách hàng để xem xét khoanh nợ không tính lãi suất đối với khách hàng bị thiệt hại nặng khó khăn không trả được nợ ngân hàng đúng hạn. Thời gian khoanh nợ không tính lãi tối đa là 2 năm đối với dư nợ hiện còn của khách hàng tại thời điểm xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Số tiền lãi tổ chức tín dụng đã khoanh cho khách hàng được giảm trừ vào lợi nhuận để tính thuế thu nhập (lợi nhuận chịu thuế) của tổ chức tín dụng.

+ Tổ chức tín dụng xây dựng chính sách miễn, giảm lãi đối với khách hàng vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có tham gia mua bảo hiểm theo hướng áp dụng mức lãi suất thấp hơn mức lãi suất cho vay tương ứng đối với những khoản vay của khách hàng không mua bảo hiểm.

2. Nghị định 67/2014/NĐ-CP và Thông tư 22/2014/TT-NHNN về chính sách phát triển thủy sản

- Đối tượng:

+ Tất cả các TCTD (các NHTM nhà nước bố trí nguồn và tích cực triển khai).

+ Đối tượng KH: Nghị định 67 áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động thủy sản; tổ chức, cá nhân (gọi là chủ tàu) đặt hàng đóng mới tàu, nâng cấp tàu phục vụ hoạt động khai thác thủy sản (400CV trở lên); tổ chức, cá nhân thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động thủy sản.

- Điều kiện: Các đối tượng đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính và có phương án sản xuất cụ thể, được Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt.

- Đối với chủ tàu đóng mới hay nâng cấp tàu được vay ngân hàng tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp; thời hạn cho vay sẽ kéo dài trong 11 năm, trong đó năm đầu tiên chủ tàu được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc; lãi suất được duy trì ổn định 7%/năm, nhưng chủ tàu chỉ phải trả 1-3%/năm, phần còn lại do Ngân sách Nhà nước cấp bù; chủ tàu được thế chấp giá trị tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản để đảm bảo khoản vay. Trong trường hợp chủ tàu gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, tùy từng trường hợp, chủ tàu được ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và được xử lý theo hợp đồng bảo hiểm.

- Đối với cho vay vốn lưu động: các chủ tàu sẽ được vay tối đa 70% giá trị cung cấp dịch vụ hậu cần đối với tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản, tối đa 70% chi phí cho một chuyến đi biển đối với tàu khai thác hải sản, với lãi suất 7%/năm.

- Một số ưu đãi khác:

+ Về chính sách bảo hiểm: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu; hỗ trợ hàng năm kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên mỗi tàu với mức 70% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu công suất từ 90CV đến dưới 400CV, 90% đối với tàu 400CV trở lên.

+ (i) hỗ trợ 100% chi phí đào tạo hướng dẫn thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới đối với tàu có công suất 400CV trở lên; (ii) hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa từ đất liền ra tàu khai thác hải sản xa bờ và vận chuyển sản phẩm về đất liền; mức hỗ trợ 40 triệu đồng/chuyến biển đối với tàu có công suất từ 400CV đến 800 CV; 60 triệu đồng/chuyến biển đối với tàu có công suất từ 800CV trở lên; (iii) hỗ trợ 100% chi phí các thiết kế mẫu tàu vỏ thép có công suất 400CV trở lên; (iv) hỗ trợ 100% kinh phí duy tu, sữa chữa định kỳ đối với tàu vỏ thép công suất từ 400 CV trở lên; v.v.

 3. Cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo Nghị quyết 02/2013/NQ-CP, Nghị quyết 61/2014/NQ-CP, Thông tư 11/2013/TT-NHNN, Thông tư 32/2014/TT-NHNN

- Đối tượng áp dụng:

+ 19 NHTM trong đó trên địa bàn tỉnh có 13 NHTM, bao gồm: BIDV; Vietinbank; VCB; MHB; Agribank; PVcombank; Eximbank; SHB; SeAbank; VPbank; ACB; Liên Việt và VIB.

+ KH vay vốn:

Cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và đối tượng thu nhập thấp vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, thuê mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu/m2.

Cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động có thu nhập thấp nhưng khó khăn về nhà ở, khi mua nhà ở thương mại tại các dự án phát triển nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị trên địa bàn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt có tổng giá trị hợp đồng mua bán (kể cả nhà và đât) không vượt quá 1,05 tỷ đồng.

Cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động tại đô thị đã có đất ở phù hợp với quy hoạch đang khó khăn về nhà ở nhưng chưa được Nhà nước hỗ trợ dưới mọi hình thức được vay để xây dựng mới hoặc cải tạo sữa chữa lại nhà ở của mình

Hộ gia đình, cá nhân có phương án đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội phù hợp với quy định của pháp luật để cho thuê, cho thuê mua và để bán cho các đối tượng là công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, cụm  công nghiệp nhỏ và vừa, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, các cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp của tất cả các ngành, nghề thuộc các thành phần kinh tế; người lao động thuộc các thành phần kinh tế tại khu vực đô thị; sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề và trường dạy nghề cho công nhân  và các đối tượng khác thuộc diện được giải quyết nhà ở xã hội theo quy định của Nghị định số 188/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013.

Doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp là chủ đầu tu dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội do Bộ xây dựng công bố trong thời thời kỳ.

- Điều kiện:

+ Đối với KH cá nhân mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; thuê, thuê mua nhà ở thương mại phải có hợp đồng với chủ đầu tư, có mục đích vay vốn để trả khoản tiền chưa thanh toán mua, thuê, thuê mua nhà ở XH, thuê, thuê mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu/m2 đối với các hợp đồng đã ký kể từ ngày 07/01/2013; hoặc thanh toán các khoản tiền với chủ đầu tư phát sinh kể từ ngày 21/8/2014 để mua nhà ở thương mại có tổng giá trị không vượt quá 1,05 tỷ đồng;

+ Đối với kh cá nhân vay để xây dựng mới hoặc cải tạo sữa chữa lại nhà ở của mình hoặc đối với KH là hộ gia đình, cá nhân có phương án vay đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội: có mục đích vay vốn để trả các chi phí chưa thanh toán phát sinh kể từ ngày 21/8/2014.

+ Đối với KH là doanh nghiệp: có mục đích vay vốn để trả các chi phí chưa thanh toán phát sinh kể từ ngày 07/01/2013 để thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội.

+ Có cam kết của khách hàng và các thành viên trong hộ gia đình của khách hàng chưa được vay vốn hỗ trợ tại ngân hàng theo quy định tại Thông tư này.

+ Có đủ vốn tối thiểu tham gia vào phương án vay, cụ thể từ 20% đến 30% giá trị phương án hoặc tổng mức đầu tư của dự án.

- Mức lãi suất áp dụng là 5%/năm.

- Thời gian áp dụng lãi suất ưu đãi: Tối đa 15 năm đối với KH mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; thuê, thuê mua nhà ở thương mại; Tối đa 10 năm đối với KH xây dựng mới, cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình; tối đa 5 năm đối với KH doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội (thời hạn cho vay theo thõa thuận).

- Mức cho vay: theo thõa thuận và thông vượt quá mức áp dụng chung trên địa bàn cả nước là 700 triệu/KH đối với khách hàng vay để xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình.

4. Cho vay theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp

- Đối tượng:

+ Tất cả TCTD

- Ngân sách Nhà nước hỗ trợ LS vốn vay thương mại đối với các khoản vay bằng VNĐ để mua máy, thiết bị mới nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Các loại máy, thiết bị được hỗ trợ vay mua không phân biệt sản xuất trong nước, hay nhập khẩu từ nước ngoài, nhưng phải mới, chất lượng phù hợp tiêu chuẩn công bố theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đối tượng được hỗ trợ là các DN, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân. Mức vay tối đa để mua các loại máy, thiết bị bằng 100% giá trị hàng hóa; LS cho vay thấp nhất áp dụng cho các khoản vay vốn phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cùng kỳ hạn và cùng thời kỳ; các khoản vay sẽ được hỗ trợ 100% LS vốn vay trong hai năm đầu, 50% trong năm thứ ba.

Nhóm danh mục máy, thiết bị được hỗ trợ lãi suất vốn vay bao gồm: Các loại máy làm đất, san phẳng đồng ruộng, gieo cấy, trồng, chăm sóc, thu hoạch lúa, ngô, cà phê, chè, mía; máy sấy nông sản, thủy sản; máy, thiết bị sản xuất muối sạch; máy, thiết bị sử dụng trong chăn nuôi; hệ thống thiết bị tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp; máy, thiết bị sử dụng sản xuất giống, nuôi trồng, thu hoạch thủy sản; máy, thiết bị chế biến sản phẩm từ phế và phụ phẩm nông nghiệp, thủy sản; các loại máy kéo, động cơ diezen sử dụng trong nông nghiệp, khai thác đánh bắt thủy sản; kho, thiết bị sử dụng chứa, bảo quản thóc, ngô quy mô hộ gia đình...

- Điều kiện:

Các HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân phải được UBND xã xác nhận là đối tượng trực tiếp sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, đánh bắt, chế biến nông sản, dịch vụ cơ giới nông nghiệp;

Các DN có ký kết thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, dịch vụ cơ giới hóa với tổ hợp tác, HTX hoặc nông dân

Các loại máy, thiết bị phải là máy mới, chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn công bố theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.

5. Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp và Chương trình bình ổn thị trường

Năm 2015, nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ngành Ngân hàng đã triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp dưới hình thức “Đối thoại và ký kết hỗ trợ vốn vay tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, Chương trình là sự gắn kết giữa cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và NHTM. Theo đó, các NHTM chủ động tìm kiếm khách hàng, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ tín dụng với lãi suất hợp lý cho từng khách hàng cụ thể đang hoạt động SXKD.

Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp có ý nghĩa thiết thực và mang lại những kết quả cụ thể đối với cộng đổng doanh nghiệp và hiệu ứng lan tỏa cao trong xã hội, thể hiện một số mặt như:

- DN được tạo điều kiện hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý để duy trì, phục hồi, phát triển hoạt động SXKD.

- Giảm bớt những khó khăn về vốn và chi phí lãi vay cho doanh nghiệp, từ đó giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ngành Ngân hàng và các Bộ, ngành, địa phương đã kịp thời triển khai nhiều giải pháp nhằm ổn định giá cả thị trường và các mặt hàng thiết yếu, trong đó có Chương trình bình ổn thị trường.

Qua Chương trình, ngành Ngân hàng sẽ áp dụng cơ chế hỗ trợ tín dụng với lãi suất phù hợp cho các doanh nghiệp bình ổn thị trường và cả các doanh nghiệp có tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa gắn với DN bình ổn thị trường. Triển khai Chương trình bình ổn thị trường gắn với Chương trình kết nối NH-DN để đạt kết quả cao nhất./.


Tin tức liên quan