Tin tức

Tìm lời giải cho tình trạng lạm phát thấp

 01/07/2015 6:23 PM

(DĐDN) – Theo số liệu mới được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 6/2015 tăng 0,55% so với tháng 12/2014 và tăng 1% so với cùng kỳ năm trước.

dongtien

Tỷ giá tăng 2% sẽ khiến chỉ số CPI tăng thêm 0,6%

Đây đều là các mức tăng thấp nhất của chỉ số CPI trong tháng 6 kể từ năm 2001 đến nay. Vậy xu hướng lạm phát trong thời gian tới sẽ ra sao? Các chính sách kinh tế vĩ mô cần ứng phó với xu hướng này như thế nào?

Lạm phát thấp, tại sao?

Đây là một trong những câu hỏi được nhiều đại biểu đưa ra tại hội thảo khoa học với chủ đề “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm 2015 và dự báo” do Viện Kinh tế tài chính tổ chức mới đây. Theo TS. Nguyễn Đức Độ – P.Viện trưởng – Viện Kinh tế Tài chính, để trả lời những câu hỏi nêu trên, trước tiên cần phải xác định đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lạm phát thấp hiện nay?

Theo lý giải của TS Độ, tình trạng lạm phát thấp không phải bây giờ mới xuất hiện. Khi tốc độ lạm phát của tháng 12/2014 so với cùng kỳ năm trước giảm xuống mức 1,84%, vấn đề lạm phát thấp đã được đặt ra.

Vào thời điểm đó, việc giá dầu thế giới giảm mạnh được cho là nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát rơi xuống dưới mức 2%. Tuy nhiên, đến nay cách giải thích này đã không còn thuyết phục. Mặt bằng giá xăng dầu trên thế giới cũng như trong nước vào thời điểm giữa tháng 6/2015 đã ở mức ngang bằng so với tại thời điểm giữa tháng 12/2014. Nói cách khác, nếu tính trung bình trong vòng 6 tháng qua, tác động của giá xăng dầu đến chỉ số giá CPI là không lớn.

Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2015 chỉ số CPI còn chịu sự tác động của việc tăng giá điện, tỷ giá và giá dịch vụ y tế. Theo tính toán của Tổng cục Thống kế, tỷ giá tăng 2% sẽ khiến chỉ số CPI tăng thêm 0,6% và giá điện tăng 8,42% đã đẩy chỉ số CPI tăng thêm 0,22%. Như vậy, trong nửa đầu năm 2015 các yếu tố chi phí đẩy, về cơ bản, có tác động kéo lạm phát gia tăng, và do đó tình trạng lạm phát thấp hiện nay chỉ có thể được giải thích bởi nguyên nhân còn lại – động thái của tổng cầu.

“Kể từ năm 2008 đến nay, tăng trưởng kinh tế luôn trong tình trạng thấp hơn mức tiềm năng (khoảng 6,5%), tức là tốc độ tăng của tổng cầu luôn yếu hơn tốc độ tăng của tổng cung. Điều này đã khiến chênh lệch tổng cầu – tổng cung liên tục giảm và kéo lạm phát giảm theo” – TS Nguyễn Đức Độ phân tích.

Hướng dòng tiền vào trái phiếu

Cũng theo TS Nguyễn Đức Độ những biến động về tỷ giá trong thời gian qua không hẳn xuất phát từ việc lãi suất huy động hiện nay ở mức thấp, mà chủ yếu xuất phát từ các dòng tiền đầu cơ, khi các kênh đầu tư như vàng, bất động sản, cổ phiếu và trái phiếu kém hấp dẫn.

Trên thực tế trong vài năm qua, các thị trường có tính đầu cơ nói trên đều lần lượt bị siết lại bởi các quy của NHNN, gần đây nhất là Thông tư 36. Việc thu hẹp các dòng tiền đầu cơ để ổn định hệ thống tài chính, hướng dòng vốn vào khu vực sản xuất, xét về lâu dài, là một mục tiêu đúng đắn. Tuy nhiên, việc áp dụng trong ngắn hạn cần được thực hiện từng bước tùy thuộc vào hoàn cảnh.

“Nếu nền kinh tế đang yếu, việc thắt chặt tiền tệ để hạn chế lượng tiền đầu cơ trên thị trường sẽ giống như việc “ném chuột nhưng làm vỡ bình hoa”. Hơn nữa, trong một nền kinh tế thị trường luôn tồn tại một lượng tiền nóng nhất định và vào một thời điểm nhất định, dòng tiền này sẽ phải trú chân ở một thị trường nhất định. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, không thể tiêu diệt hết được lượng tiền đầu cơ này, bởi nó là một phần của nền kinh tế thị trường, khi các hàng hóa được tự do trao đổi. Bởi vậy, trong một số hoàn cảnh, cách ứng xử hiệu quả đối với các dòng tiền nóng là hướng chúng vào một số lĩnh vực nào đó có lợi cho nền kinh tế, hoặc có hại ít nhất cho nền kinh tế” – TS Nguyễn Đức Độ đưa ra nhận định.

Trong giai đoạn 2012-2014, NHNN đã rất thành công trong việc hạ lãi suất, giảm lạm phát đồng thời với ổn định tỷ giá và thị trường vàng. Một trong những lý do dẫn đến thành công này là các dòng tiền nóng đã hướng vào thị trường trái phiếu.

Khi dòng tiền chảy vào trái phiếu, áp lực lên tỷ giá sẽ giảm bớt, cơ hội giảm lãi suất sẽ rộng mở, việc phát hành trái phiếu chính phủ sẽ dễ dàng hơn, tín dụng sẽ tăng trưởng cao hơn và việc xử lý nợ xấu sẽ thuận lợi hơn.

Từ những phân tích trên TS Nguyễn Đức Độ cho rằng, hướng dòng tiền vào trái phiếu vẫn là một mũi tên trúng nhiều đích trong bối cảnh hiện nay.

Theo Hồng Sâm


Tin tức liên quan