Tin tức

Chủ động đối phó với những diễn biến phức tạp của mưa lũ

Chủ động đối phó với những diễn biến phức tạp của mưa lũ


Chiều 16/11, lượng mưa vẫn chưa giảm, lũ trên các sông vẫn còn ở mức cao từ báo động 2 đến trên báo động 3. Tại các xã vùng thấp trũng ở các huyện Quảng Điền, Phú Vang, Hương Trà... vẫn còn ngập nước. Nhiều đoạn đường thấp trũng, đập tràn như đập Thủ Lễ (Quảng Điền), đoạn đường dưới chân cầu Thanh Phước nối xã Hương Vinh - Hương Phong (Hương Trà)... vẫn còn ngập sâu gây khó khăn trong giao thông đi lại. Mọi phương tiện, hoạt động đi lại của người dân phải bằng xuồng.

Người dân xã Quảng Thành lưu thông bằng thuyền - ảnh từ KHĐS online

Nhiều công trình giao thông, thuỷ lợi bị hư hỏng nặng. Hàng ngàn ngôi nhà bị nước lũ tràn vào gây khó khăn trong sinh hoạt. Hàng ngàn ha hoa màu, nuôi trồng thuỷ sản ở các địa phương ngập chìm trong nước lũ và thiệt hại nặng. Mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, mưu sinh của người dân đều bị ngừng trệ.

Trong đợt lũ này vẫn còn nhiều hộ tỏ ra chủ quan đánh liều tính mạng, mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá tôm trong khi nước lũ còn dâng cao. Mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần cảnh báo, thường xuyên kiểm tra, tuần tra nhưng người dân vẫn lén lút đánh bắt cá tôm trên các sông, đầm phá trong khi nước lũ chảy xiết.

Chỉ mới bắt đầu lũ nhưng đã có 3 người chết. Chính quyền địa phương, các ban ngành cần nâng cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa trong việc kiểm tra, tuần tra phát hiện và xử nghiêm những trường hợp vi phạm. Vận động người dân dự trữ lương thực, thực phẩm đảm bảo phục vụ nhu cầu trong mùa bão lũ; nhất là những đợt lũ kéo dài và gây chia cắt. Người dân cũng cần ý thức cao trong việc dự trữ lương thực, bảo vệ tính mạng của mình trong bão lũ.

Ngập lụt ở thôn Thuận Hoà, xã Hương Phong (Hương Trà)

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, tình hình mưa lũ vẫn còn diễn biến phức tạp với nguy cơ khó lường. Các địa phương, ban ngành cần túc trực 24/24 giờ và theo dõi tình hình, chủ động triển khai các phương án phòng chống lũ. Trước mắt, cần chú trọng công tác di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn trước khi có lũ lớn, không thể để “nước đến chân mới nhảy” sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng. Ưu tiên di dời trẻ em và người già đến nơi an toàn. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, TP Huế cần chủ động chuẩn bị sẵn sàng các lực lượng, phương tiện, vật tư nhằm kịp thời triển khai công tác cứu hộ cứu nạn, bảo vệ các công trình quan trọng khi có tình huống xấu xảy ra...


Toàn tỉnh có 3 người chết do lũ, gồm: Đặng Phương Anh 2 tuổi ở xã Quảng An (Quảng Điền); Lê Văn Giành 52 tuổi, thôn Giáp Kiền, xã Hương Toàn (Hương Trà); Hồ Thị Thảo, xã Phong An (Phong Điền); gần 100 ha rau màu, 2 ha cá nước ngọt, 90 mét đê bao và 30 mét kênh mương thuỷ lợi bị thiệt hại. Nhiều tuyến đường giao thông hư hỏng nặng.

Bài, ảnh: Hoàng Thế


* Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn trong những ngày qua, huyện Quảng Điền có 756 nhà bị ngập từ 0,3-0,6m, tập trung ở các xã Quảng Thọ, Quảng An, Quảng Thành, Quảng Phước. Tỉnh lộ 4B qua địa phận huyện ngập sâu 0,5-0,7m; tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, đường bê tông liên thôn, liên xã bị hư hỏng mặt đường và xói lở lề đường ở nhiều đoạn... Có 84,5 ha rau màu các loại bị ngập thuộc các xã Quảng Thọ, Quảng Thành, Quảng Vinh, Quảng Phú; 2 ha cá nước ngọt bị ngập, trôi cá, 90m đê bao nội đồng bị sạt lở và 30m kênh mương nội đồng bị hư hỏng tại các xã Quảng Phước, Quảng Thọ, Quảng Vinh.


Liên Minh


* Do mưa lớn trong những ngày qua, các tuyến đường của các xã Hương Toàn, Hương Xuân, Hương Vinh, Hương Văn, Hương Vân, Hương Hồ (Hương Trà) ngập sâu từ 0,5 - 1,5 m và làm 450 hộ bị ngập từ 0,2 - 1 m. Đặc biệt, vào lúc 4h sáng ngày 15/11, tại cống lao Thừa Phủ, ranh giới giữa 2 xã Hương Bình và Bình Điền, bị sạt lở nghiêm trọng, cắt ngang Tỉnh lộ 16 với chiều dài 6m, rộng 6m, sâu 3m, gây ách tắc giao thông. Tại vị trí này, vào lúc 4h10 cùng ngày, đã xảy 1 vụ tai nạn, khiến chị Lê Thị Phượng (26 tuổi, xã Hương Bình) bị thương, phải cấp cứu ở Bệnh viện TƯ Huế, do khi lưu thông qua đoạn đường này, bị lao xuống hố. Còn tại xã Hương Toàn, lúc 17h ngày 15/11, 1 người đàn ông 52 tuổi cũng đã thiệt mạng do sẩy chân, bị nước cuốn đi.

Trước tình hình mưa lũ phức tạp, BCH PCLB & TKCN huyện Hương Trà phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ban, ngành liên quan; đồng thời, chỉ đạo các ngành, các địa phương soát xét lại công tác dự trữ lương thực, thực phẩm như mì tôm, gạo, xăng dầu... theo phương châm 5 tại chỗ. Lãnh đạo huyện cũng đã trực tiếp đến hiện trường bị sạt lở tại cống lao Thừa Phủ, chỉ đạo UBND xã Hương Bình, xã Bình Điền, Trại giam Bình Điền làm rào chắn và huy động lực lượng mở đường mới để thông đường trên tuyến. Đến thời điểm này, việc lưu thông qua tuyến đã cơ bản được khắc phục. Ngoài ra, UBND huyện cũng đã chỉ đạo Phòng LĐ, TB & XH huyện phối hợp với UBND các xã Hương Bình, Hương Toàn tiến hành thăm hỏi gia đình có người bị nạn và giải quyết các chế độ theo đúng quy định.

Đồng Văn


* Tính đến sáng 16/11, nước lũ đã làm ngập 650 hộ dân ở địa bàn huyện Phong Điền và gây chia cắt tại 1 số tuyến giao, như: Tỉnh lộ 17, Quốc lộ 49, Tỉnh lộ 6 và Tỉnh lộ 11B. Đặc biệt, vào lúc 14h ngày 15/11, nước lũ đã cuốn trôi cháu Hồ Thị Thảo (SN 1996) khi cháu đang đi chăn trâu và đến 6h sáng 16/11 mới tìm được xác. Hiện, BCH PCLB&TKCN huyện đã và đang khẩn trương rà soát lại các phương án chống lụt; đưa người già, phụ nữ và trẻ em vùng lũ lên cao; đồng thời, có phương án đưa kịp thời lương thực và nước sạch về cho nhân dân vùng bị ngập lụt.


VĐN



* Ông Nguyễn Văn Giáo, Chủ tịch UBND xã Phú Mậu, cho biết: “Sáng 16/11, tại Tỉnh lộ 2, đoạn đường chạy ngang Phú Mậu đã bị ngập sâu trong nước khiến các phương tiện giao thông không thể đi lại. Theo khảo sát của UBND xã, đoạn bị ngập sâu nhất lên tới 1m”. Được biết, do nước dâng cao nên không chỉ ở Tỉnh lộ 2 mà ở Quốc lộ 49 đoạn chạy ngang qua thôn Trung Đông, xã Phú Thượng và Tỉnh lộ 10 (thuộc huyên Phú Vang) cũng bị ngập sâu trong nước khiến giao thông có lúc phải đình trệ.


Hào Vũ


* Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, những ngày qua trên địa bàn huyện A Lưới đã xảy ra mưa vừa đến rất to. Mưa đã làm ngập nhiều diện tích hoa màu của bà con đồng bào dân tộc thiểu số; làm hư hại một số công trình dân sinh và sạt lở đất. Theo UBND huyện A Lưới, tính đến 15 giờ chiều 16/11, mực nước trên các dòng sông, suối trên địa bàn huyện đang lên nhanh và chảy rất mạnh. Mưa lũ đã xói lở, làm trôi phần mố cầu sông A Sáp, gây cản trở giao thông và cô lập người dân Đông Sơn. Với quyết tâm không để dân đói, rét, UBND huyện đã khẩn trương cấp 3 tấn gạo hỗ trợ bà con. Tại đèo Pa Ke (Km 319+500) xã Hồng Vân, mưa to đã làm sạt lở đất, gây khó khăn trong việc đi lại. Hiện công nhân của Công ty Quản lý & Xây dựng Đường bộ Thừa Thiên Huế đã và đang tích cực khẩn trương giải quyết phần đất bị sạt lở, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc đi lại của người dân.


Anh Phong


* Do thời tiết diễn biến xấu, nước sông Hương và các con sông trong tỉnh đang tăng nhanh. Sáng ngày 16/11, khoảng 9 giờ tất cả các trường phổ thông trên địa bàn TP Huế đã cho học sinh nghỉ học nửa chừng. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn cho học sinh và cháu, các trường vẫn duy trì tiết dạy hoặc giữ học sinh, các cháu đến tiết cuối để chờ phụ huynh đón. Buổi chiều cùng ngày, 100% trường ở vùng thấp trũng cho học sinh nghỉ. Học sinh huyện Phong Điền được thông báo nghỉ từ ngày 15/11.


HG
  nguonBaothuathenhue


Tin tức liên quan