Tin tức & Hoạt động Hiệp Hội

Báo cáo của HHDN tỉnh về kết quả thực hiện Kế hoạch 145/KH-UBND của UBND tỉnh về hoạt động "Năm Doanh nghiệp Thừa Thiên Huế 2016"

HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

 BÁO CÁO

Kết quả thực hiện Kế hoạch số 145/KH-UBND ngày 30/12/2016

của UBND tỉnh về hoạt động “Năm doanh nghiệp Thừa Thiên Huế 2016”

 

A- NHỮNG THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN:

1.Thuận Lợi:

- Là tổ chức xã hội nghề nghiệp của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nên các hoạt động trong Năm doanh nghiệp, Hiệp Hội luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh và sự hỗ trợ về nhiều mặt của các Sở, ban, ngành, đoàn thể nhất là các Sở KH&ĐT, Công thương, Ngoại vụ, Lao động TBXH, Tư pháp, Nội vụ, UBMTTQVN tỉnh, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh...

- Hiệp Hội là thành viên của VCCI, Hiệp hội DNNVV Việt Nam, VCCI Đà Nẵng đồng thời có mối quan hệ khá tốt với các tổ chức ở Trung ương và Miền Trung nên trong tổ chức và hoạt động luôn được sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi của các tổ chức đại diện doanh nghiệp, doanh nhân ở TW và khu vực.

- Trong Năm doanh nghiệp 2016, với lợi thế có sẵn mối quan hệ gắn bó với hơn 300 doanh nghiệp hội viên và với cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh nói chung nên các hoạt động do Hiệp Hội triển khai đã được sự tích cực hưởng ứng của các doanh nghiệp, góp phần thực hiện vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với tỉnh.

- Bộ máy tổ chức và cơ sở vật chất của Hiệp Hội ngày càng được củng cố, phát triển và hoạt động hiệu quả, đủ sức triển khai chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Hiệp Hội hiện có 330 Doanh nghiệp hội viên và 5 tổ chức trực thuộc gồm: Hội Doanh nghiệp may mặc, Hội doanh nghiệp đại lý bia Huda, Hội doanh nghiệp Cụm công nghiệp An Hòa, Câu lạc bộ Nữ doanh nhân và Câu lạc bộ dưỡng sinh doanh nhân. Ban chấp hành có 33 ủy viên, 11 ủy viên Thường vụ, 5 Thường trực, Văn phòng có 3 cán bộ chuyên trách. Trang Web của Hiệp Hội đã hỗ trợ rất tốt trong chuyển tải thông tin, hoạt động của Hiệp Hội đến với DN, sau 5 năm hoạt động đã có gần 5 triệu lượt truy cập.  

2. Khó khăn:

Do đặc điểm đội ngũ doanh nghiệp của tỉnh số lượng ít, quy mô nhỏ, năng lực SXKD, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh còn thấp so với khu vực và trong nước (tỉnh có hơn 6000 DN đăng ký kinh doanh, nhưng số có vốn trên 100 tỷ chỉ 1%, doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn dưới 100 tỷ 54%, doanh nghiệp siêu nhỏ, vốn dưới 1 tỷ chiếm tới 45%), đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, việc triển khai các hoạt động của Hiệp Hội đến với doanh nghiệp không phải lúc nào cũng thuận lợi, đòi hỏi Hiệp Hội phải luôn nâng cao năng lực hoạt động. Trong lúc đó, các điều kiện của Hiệp Hội tuy đã cố gắng đầu tư, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu: CB chuyên trách ít, cơ sở vật chất thiếu, trụ sở Văn phòng phải thuê, tài chính không ổn định, các nguồn thu thấp và không bền vững, chưa nhận được sự hỗ trợ nhiều của Nhà nước... nên việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trong Năm DN gặp không ít khó khăn.

B- KẾT QUẢ THỰC HIỆN:

Nhiệm vụ trọng tâm của Hiệp Hội trong Năm doanh nghiệp là tăng cường các hoạt động góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh. Ngoài việc chủ trì thực hiện “Chương trình bình chọn Nụ cười công chức” do UBND tỉnh giao, Hiệp Hội còn tập trung triển khai nhiều hoạt động khác theo Phương hướng nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2016. Những hoạt động chủ yếu đã tổ chức thực hiện:

I/ PHÁT ĐỘNG CHƯƠNG TRÌNH BÌNH CHỌN “NỤ CƯỜI CÔNG CHỨC”:

Thực hiện Kế hoạch số 145/KH-UBND ngày 30/12/2015 của UBND tỉnh về Hoạt động “Năm doanh nghiệp Thừa Thiên Huế 2016”, trong đó, UBND tỉnh giao trách nhiệm cho Hiệp Hội chủ trì phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các ngành, địa phương liên quan tổ chức Chương trình bình chọn “Nụ cười công chức năm 2016”.

Đầu năm, sau khi tham vấn ý kiến của các Sở, Ngành liên quan, Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, đại diện cộng đồng doanh nghiệp TTH, với tư cách là đối tượng được hưởng lợi, được phục vụ từ các công chức Nhà nước trong chương trình cải cách thủ tục hành chính của tỉnh đã xây dựng Kế hoạch tổ chức phát động Chương trình bình chọn “Nụ cười công chức năm 2016”. Mục đích chính của Chương trình này là nhằm tôn vinh những cán bộ, công chức đã có thành tích xuất sắc trong công tác được giao, có nhiều cống hiến cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ doanh nghiệp và nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức đồng thời tạo sức lan tỏa và góp phần phát huy hiệu quả công cuộc cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh. Thời gian đánh giá, bình chọn các hoạt động giao dịch của Cán bộ công chức với  doanh nghiệp: Từ tháng 1/2016 đến hết tháng 12/2016. Kết thúc bình chọn và công bố kết quả, tuyên dương khen thưởng vào tháng 01/2017.

Hiệp Hội DN tỉnh đã có Công văn phát động kèm theo Kế hoạch và Phiếu khảo sát gửi đến các Sở, Ban, Ngành ở cấp tỉnh, UBND Thành phố Huế và toàn thể Doanh nghiệp hội viên để triển khai thực hiện Chương trình có ý nghĩa này. Sau một thời gian phát động, từ quý 2/2016 đã có sự phản hồi của các Sở, ngành và các doanh nghiệp.  Tuy chưa được đồng bộ và đầy đủ, nhưng một số Sở quan trọng liên quan nhiều đến hoạt động giao dịch của doanh nghiệp như: Sở Tài Nguyên & Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, Kế hoạch&Đầu tư, Công thương...và một số doanh nghiệp đã cung cấp cho Hiệp Hội các thông tin, phản ảnh các hoạt động giao dịch của doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước để Hiệp Hội tiến hành khảo sát theo phiếu bình chọn đã gửi DN.

Trong tháng 7 và 8/2016, một số sở ban ngành tiếp tục gửi thông tin cho Hiệp Hội về các quan hệ giao dịch của doanh nghiệp với cơ quan nhà nước, giúp Hiệp Hội có cơ sở khảo sát, bình chọn những công chức có tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt, chuẩn bị cho Hội nghị tuyển dương công chức đầu năm 2017.

II/ HOẠT ĐỘNG HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP:

1-    Thực hiện vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và Nhà nước:

- Đầu năm đã tổ chức cho DN tham gia góp ý xây dựng, phát triển kinh tế xã hội địa phương và kiến nghị giải quyết các vướng mắc trong quá trình hoạt động SXKD. Các ý kiến của DN được Hiệp Hội tổng hợp trực tiếp báo cáo tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp đầu năm 2016 của Lãnh đạo tỉnh và trong các dịp đối thoại của tỉnh trên Cổng thông tin điện tử. Đã có nhiều vướng mắc của doanh nghiệp về thuế, tín dụng, đất đai, thủ tục hành chính được giải quyết thông qua diễn đàn này.

- Chủ động phối hợp với Sở KH&ĐT tổ chức các buổi tiếp xúc doanh nghiệp định kỳ của lãnh đạo tỉnh hàng tháng  nhằm đề xuất ý kiến của Hiệp Hội và các doanh nghiệp liên quan về xúc tiến xây dựng đề án chuỗi cung ứng Thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh; về tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch biển; về phát triển kinh tế vườn Huế; về sắp xếp chấn chỉnh dịch vụ xích lô, xe ôm...Trên cơ sở kết quả của các buổi tiếp xúc này, Hiệp Hội đã cùng các ngành liên quan xúc tiến các hoạt động hỗ trợ DN như  xây dựng đề án khả thi trình UBND tỉnh về chuỗi cung ứng thực phẩm sạch, tăng cường các hoạt động hỗ trợ DN ngành du lịch...

 - Phối hợp Đảng ủy Khối DN tỉnh tổ chức đợt khảo sát lấy ý kiến doanh nghiệp về tình hình hoạt động và những nhu cầu, đề xuất của DN trong năm DN 2016.

- Báo cáo với tỉnh về khó khăn của doanh nghiệp khi thực hiện trạm thu phí hầm đường bộ Phước Tượng và Phú Gia tại cửa phía Bắc hầm Hải Vân là không hợp lý, gây bức xúc cho các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, hành khách qua Cảng Chân Mây, làm giảm sức cạnh tranh và ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của tỉnh. Kiến nghị về thu phí khi cân xuất sản phẩm dăm gỗ tại Cảng Chân Mây. Kiến nghị về tình hình kinh doanh khó khăn  của các cơ sở kinh doanh du lịch do sự cố cá biển chết và một số kiến nghị khác...UBND tỉnh đã có Công văn số 4539/UBND-DN ngày 2/8/2016 chỉ đạo các Sở, ngành liên quan kiểm tra, rà soát các kiến nghị của Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh để giải quyết. Sau đó Hiệp Hội cũng đã nhận được phản hồi của các Sở trả lời việc giải quyết các kiến nghị của Hiệp Hội.

- Phối hợp với Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) và VCCI Đà Nẵng tổ chức tọa đàm  và khảo sát ở 70 danh nghiệp ngành dệt may, da giày và nông lâm thủy sản, về xây dựng Dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp NVV và khảo sát nhu cầu kết nối cung cầu của doanh nghiệp Miền Trung. Sau tọa đàm, Hiệp Hội đã tổ chức cho Đoàn công tác của Bộ KH&ĐT, Ngân hàng Nhà nước TW, Văn phòng QH, Tổng cục Thuế...đã đi thăm và tiếp xúc với Lãnh đạo 2 doanh nghiệp: Công ty CP Dệt may Huế và Công ty CP may Phú Hòa An để tìm hiểu về nhu cầu cần hỗ trợ của DN.

2-    Hỗ trợ xúc tiến thương mại và thông tin chính sách pháp luật:

Trong 8 tháng đầu năm, Hiệp Hội đã phối hợp Sở Công Thương thường xuyên thông tin đến doanh nghiệp hội viên các chương trình hội chợ, xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế để vận động các doanh nghiệp tham gia. Đã có một số DN đi dự  Hội chợ quốc tế ở các nước ASEAN, Nga, đi khảo sát thị trường ở Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, Malaysia và dự các Hội chợ thương mại trong nước. Vận động các doanh nghiệp tham gia hưởng ứng các đường bay Quốc tế Huế- Bangkok, Huế- Đà Lạt-Nha Trang. Tham gia Ban tổ chức và vận động các doanh nghiệp tích cực hương ứng Tháng bán hàng khuyến mại năm 2016 của tỉnh. Hiệp Hội đã xây dựng xong Đề án về hình thành chuỗi doanh nghiệp cung ứng thực phẩm an toàn để trình UBND tỉnh. Trong tháng 7 và 8, đã làm cầu nối để bước đầu khai trương hệ thống Cửa hàng bán thực phẩm an toàn của doanh nghiệp hội viên và xúc tiến xây dựng đề án khu chợ đêm Huế. Tham gia Ban quản lý Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển cộng đồng (Dự án Thriive), trong năm 2016 đã có thêm 15 DN được hỗ trợ kinh phí 2,5 tỷ đồng để đầu tư thiết bị phục vụ SXKD. Tổ chức Đoàn doanh nghiệp hội viên tham quan Nhà máy beer Carlsberg VN tại Phú Bài nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác cung ứng hai chiều.

- Tổ chức các cuộc họp liên tịch giữa Thường trực Hiệp Hội và Lãnh đạo các Sở: KH&ĐT, Công thương, Ngoại vụ, Cục Thuế, VCCI Đà Nẵng để: Triển khai lấy ý kiến  về Đề án hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm sạch và Chợ đêm Huế.

- Phối hợp với Sở Công Thương, Sở ngoại vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, VCCI tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn cho DN về hội nhập kinh tế quốc tế (TPP, AEC, các AFTA, Hội thảo về “Quy tắc xuất xứ hàng hoá và ưu đãi thuế quan trong các Hiệp định Thương mại tự do mà VN tham gia”...).Thông tin bộ tiêu chuẩn đánh giá xếp hạng Doanh nghiệp Việt Nam bền vững do VCCI tổ chức đánh giá. Hội nghị tập huấn của VCCI về “Tăng cường vai trò Hiệp Hội DN địa phương trong tham gia cải thiện môi trường cạnh tranh cấp tỉnh (Chỉ số PCI). Tham gia Hội nghị đối thoại của tỉnh với các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp xuất khẩu nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khu vực này. Tham gia cá Hội nghị xúc tiến đầu tư Du lịch của tỉnh tại Huế; Hội nghị ký cam kết hỗ trợ doanh nghiệp giữa VCCI và Lãnh đạo các tỉnh toàn quốc tổ chức tại TP.HCM; Hội nghị kết nối triển khai Hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của tỉnh. Phối hợp tổ chức Hội thảoquốc tế “Ẩm thực cung đình và dân gian Huế”...

- Phối hợp Sở KH&ĐT và Đài TRT, VTV8 tìm hiểu, phát hiện, giới thiệu các gương điển hình của doanh nhân, doanh nghiệp trong Năm doanh nghiệp 2016. Giới thiệu, đề cử 05 Doanh nhân tiêu biểu để tỉnh và VCCI xét công nhân danh hiệu “Doanh nhân VN tiêu biểu năm 2016” trao tặng trong dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân VN 13/10/2016.

 3- Hoạt động hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực doanh nghiệp:

- Được Sở lao động TBXH và VCCI hỗ trợ, 8 tháng đầu năm Hiệp Hội đã triển khai 2 lớp tập huấn cập nhật các kiến thức, giải đáp về pháp luật lao động và Bảo hiểm xã hội cho gần 200 cán bộ quản lý, là những người trực tiếp sử dụng lao động tại 150 doanh nghiệp hội viên của Hiệp Hội.

- Phối hợp với VCCI Đà Nẵng tổ chức khai giảng Khóa đào tạo Giám đốc điều hành doanh nghiệp (CEO), học trong 3 tháng và được VCCI cấp chứng chỉ cho 23 cán bộ của các doanh nghiệp hội viên, 2 lớp quản trị phòng tránh  rủi ro thiên tai, 1 lớp đào tạo nghiệp vụ kỹ năng bán hàng và các lớp chuyên đề về: Quản trị chiến lược kinh doanh, quản trị phát triển nguồn nhân lực, nghệ thuật đàm phán và thương lượng, Quản trị maketing, xây dựng thương hiệu mạnh, Quản trị tài chính và đầu tư, nghệ thuật ứng xử xã hội và luật pháp của doanh nghiệp, Quản trị nội bộ...cho doanh nghiệp.

- Phối hợp với Trung tâm phát triển kinh tế và Bảo tồn văn hóa thuộc Liên hiệp các hội KH&KT tỉnh tổ chức 2 buổi tập huấn cho 60 cán bộ quản lý của các doanh nghiệp hội viên và CLB nữ doanh nhân về kỹ năng quản trị và phát triển nguồn tài chính doanh nghiệp. Diễn giả là Bà Joanne Lai, cố vấn tài chính đến từ Singapore. Đây là buổi học rất bổ ích nhằm phổ biến đến lãnh đạo các doanh nghiệp những nội dung cốt lõi về: kinh nghiệm phát triển nguồn thu của doanh nghiệp và xây dựng kế hoạch tài chính Doanh nghiệp.

- Phối hợp Trung tâm đào tạo cán bộ tài chính Miền Trung (thuộc Bộ Tài chính) tổ chức Khóa đào tạo nghiệp vụ Kế toán trưởng doanh nghiệp cho cán bộ kế toán của các doanh nghiệp hội viên. Triển khai các hoạt động phối hợp giữa Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh  với Công ty CP tư vấn và đầu tư cộng hưởng và Sở KH&ĐT về các hoạt động hỗ trợ Khởi nghiệp theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

- Phối hợp Trung tâm Anh ngữ AMA xây dựng quy chế phối hợp đào tạo các khóa Tiến Anh chuyên đề dành cho doanh nhân các doanh nghiệp có nhu cầu nâng cao trình độ ngoại ngữ nhằm giao tiếp có hiệu quả trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

4- Hoạt động xã hội, nâng cao trách nhiệm xã hội doanh nghiệp:

 - Vận động doanh nghiệp ủng hộ 212 triệu đồng cho Chương trình Tết vì người nghèo Xuân Bính Thân . Hiệp Hội đã tổ chức trao quà Tết, học bổng, xe đạp cho 160 hộ nghèo và học sinh khó khăn tại cuộc gặp mặt đầu năm 2016. Hiệp Hội còn tổ chức nhiều đoàn doanh nghiệp đi thăm, tặng quà cho 150 gia đình đồng bào nghèo ở Phú Lộc, Phú Vang, Hương Trà (mỗi suất 400.000đ). Hỗ trợ Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi ở Thành phố Huế và tặng xe đạp cho học sinh nghèo ở 2 Xã Thủy Phù, Phú Sơn (TX Hương Thủy). Phối hợp với Bệnh viện y học dân tộc tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 300 đồng bào nghèo ở Xã Phong Chương (Phong Điền) với kinh phí hỗ trợ 30 triệu đồng . Phối hợp Hội Doanh nghiệp Đại lý bia Huda (Hội cơ sở trực thuộc Hiệp Hội) tổ chức thăm và tặng 170 suất quà trị giá 51 triệu đồng cho các gia đình ngư dân Quảng Công (Huyện Quảng Điền) và Vinh Thanh (Huyện Phú Vang) đang gặp khó khăn do sự cố cá biển chết. Vận động các doanh nghiệp tham gia Dự án xã hội hóa ” Nhà vệ sinh công cộng” tại TP.Huế. Hiệp Hội đã góp 50 mẫu lô gô của Chương trình này gửi đến các DN tham gia Dự án trước Festival Huế 2016. Câu lạc bộ Nữ doanh nhân đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ các gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ “ Một bức tranh, nhiều hy vọng và hát cho bệnh nhân ung thư nghe ở Bệnh viện TW Huế, Bệnh viện ĐH Y Dược...”

- Phối hợp VCCI Đà Nẵng và Traffic VN tổ chức chương trình đạp xe “ Sức tại chí” cho 200 doanh nhân vận động bảo vệ môi trường và bảo vệ động vật quý hiếm.

Hỗ trợ tổ chức Chương trình Sông thơ Festival Huế.

 - Tổ chức Cuộc gặp mặt thân mật với đội ngũ nữ doanh nhân hội viên kỷ niệm 8/3, kết hợp tổ chức mổ số hoạt động xã hội từ thiện.

Hiệp Hội DN tỉnh đã được UBND tỉnh và BTC Festival Huế 2016 tặng Giấy khen về tham gia tích cực các hoạt động tại Festival Huế 2016.

 III/ NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ:

Tuy đã triển khai được nhiều hoạt động và bước đầu hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra trong năm doanh nghiệp 2016, nhưng hoạt động của Hiệp Hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số chủ trương công tác lớn của Hiệp Hội đã triển khai nhưng việc đôn đốc thực hiện còn chậm, có việc còn khó khăn do những tác động khách quan, chủ quan nên chưa đạt kết quả như mong muốn như: Chương trình bình chọn Nụ cười công chức, Đề án chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, Đề án Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp... Công tác phát triển hội viên chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Chưa tích cực tổ chức vận động thành lập Chi hội, Câu lạc bộ, Hội doanh nghiệp trực thuộc. Một số Hội cơ sở trực thuộc tổ chức chưa chặt chẽ, hoạt động chưa hiệu quả.

C/ MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG TRỌNG TÂM NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM :

1- Tiếp tục triển khai vận động và đánh giá kết quả Chương trình bình chọn “Nụ cui công chức 2016”. Căn cứ tiêu chí đã phát động, Hiệp Hội phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Sở KH&ĐT và các cơ quan liên quan tiến hành việc lấy ý kiến bình chọn trong các doanh nghiệp thông qua Phiếu khảo sát đã gửi các doanh nghiệp. Tổng hợp kết quả bình chọn gửi cơ quan quản lý CBCC xin ý kiến đánh giá, xác nhận trước khi công bố kết quả và tổ chức Lễ tuyên dương CBCC vào tháng 01/2017.

2- Tích cực phối hợp Sở KH&ĐT trong hoạt động tiếp xúc doanh nghiệp định kỳ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động SXKD của doanh nghiệp: Tổ chức Hội nghị doanh nghiệp hội viên để tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư phổ biến thông tin tình hình đầu tư và kêu gọi đầu tư trên địa bàn đến với cộng đồng doanh nghiệp để các doanh nghiệp tùy theo nhu cầu và điều kiện có thể tham gia đầu tư trong các dự án mới này. Tiếp tục làm cầu nối tập hợp ý kiến của doanh nghiệp để triển khai các hoạt động phản ảnh, đề xuất, kiến nghị tỉnh và TW quan tâm hỗ trợ các DNNVV trong tỉnh về tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư cho doanh nghiệp và góp phần nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh.

3- Triển khai các hoạt động hỗ trợ về tín dụng cho doanh nghiệp: Tăng cường vai trò của Hiệp Hội trong việc thúc đẩy hoạt động của quỹ hỗ trợ đầu tư và bảo lãnh tín dụng của tỉnh và Quỹ hỗ trợ phát triển DNNVV của Bộ KH&ĐT nhằm triển khai có hiệu quả trong thực tế các hoạt động theo Đề án đã được tỉnh và Bộ phê duyệt. Tiếp tục phối hợp Ngân hàng Nhà nước tỉnh thông tin các hoạt động kết nối Ngân hàng-Doanh nghiệp nhằm hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp.

4/ Tiếp tục thúc đẩy “Chương trình hội viên hỗ trợ hội viên”: Với lợi thế có sẵn mối quan hệ với cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, trong đó có 330 doanh nghiệp hội viên, HHDN tỉnh sẽ tích cực phối hợp với các ngành liên quan của tỉnh để tập trung hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trong SXKD thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tín dụng, kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng lực thương mại điện tử, giảm thời gian nộp thuế, thông quan...Hiệp hội sẽ đồng hành cùng Doanh nghiệp hội viên để hình thành chuỗi liên kết hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ của nhau theo cam kết đã phát động trước đây. Phấn đấu cuối năm 2016 có các kết quả cụ thể để tổng hợp tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động này trong doanh nghiệp hội viên.

5- Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hội viên nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp.

6- Hỗ trợ thông tin hội nhập kinh tế và xúc tiến thương mại cho DN: Phối hợp với các Sở Công thương, Ngoại vụ, KH&ĐT tổ chức cho các doanh nghiệp có nhu cầu tham gia các Hội chợ Quốc tế và trong nước. Tiếp tục thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế: TPP, AEC, các AFTA cho doanh nghiệp.

7- Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai phổ biến, giải đáp các quy định mới về cải cách thủ tục kê khai nộp thuế, BHXH qua mạng. Phối hợp VCCI, Sở LĐTBXH, BHXH tổ chức Hội nghị đối thoại với DN về thực hiện BHXH.

8/ Triển khai các hoạt động kỷ niệm Ngày Doanh nhân VN 13-10: Gặp mặt, tuyên dương doanh nhân tiêu biểu. Vận động doanh nghiệp tham gia các hoạt động xã hội từ thiện của Hiệp Hội.

9/ Tham gia tổ chức các hoạt động vận động KHỞI NGHIỆP: Hiệp Hội chủ động phối hợp với VCCI, Sở KH&ĐT, cá trường Đại học, Cao đẳng nghề trong tỉnh thực hiện Diễn đàn KHỞI NGHIỆP đến với giới trẻ và mọi người có nhu cầu, góp phần tăng số doanh nghiệp thành lập mới và thực hiện mục tiêu của tỉnh về tạo việc làm cho lao động năm 2016. Trong tháng 9, phối hợp Trung tâm hỗ trợ DNNVV của VCCI tổ chức “Diễn đàn khởi nghiệp và phát triển nghề nghiệp cho thanh niên Huế” (300 đại biểu sinh viên và DN sẽ tham dự Diễn đàn 16/9/2016 tại KS Hương Giang)

C/NHỮNG TÁC ĐỘNG CỦA NĂM DOANH NGHIỆP:

Cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đánh giá cao về sự quan tâm của tỉnh đối với sự phát triển của doanh nghiệp, nhất là tỉnh đã có quyết tâm rất lớn trong chỉ đạo thực hiện Kế hoạch hoạt động Năm doanh nghiệp, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp phát triển. Trong tình hình SXKD của DN đang gặp nhiều khó khăn, tỉnh đã có những chính sách hỗ trợ kịp thời về cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh và nhiều mặt hỗ trợ khác về thuế, về tín dụng...

Những hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh và sự nổ lực của các Sở ban ngành, đoàn thể  trong thực hiện NQ.01 của Tỉnh ủy và Kế hoạch 145/KH-UBND của UBND tỉnh thời gian qua đã có tác động đáng kể trong việc tạo niềm tin cho Doanh nghiệp để doanh nghiệp và nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư vào SXKD trên địa bàn tỉnh. Thực tế cộng đồng doanh nghiệp đã có bước phát triển mới: Tăng về số lượng doanh nghiệp (8 tháng có gần 600 DN đăng ký mới), tăng số dự án đầu tư bổ sung hoặc đầu tư mới, cơ sở hạ tầng phục vụ giao thương cũng thuận lợi hơn (Thông các hầm đương bộ, mở rộng đường bay, nâng cấp cảng biển, đầu tư thoát nước đô thị...), tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, nhiều tập đoàn lớn đã có sự chuyển động đầu tư mạnh vào tỉnh...

Riêng về “Chương trình bình chọn Nụ cười công chức” do UBND tỉnh giao Hiệp Hội phát động tuy cần phải nổ lực nhiều hơn trong đôn đốc thực hiện, nhưng cũng đã bước đầu tạo được sự chuyển biến về sự nhận thức cũng như hành động của đội ngũ CBCC trong tỉnh, ý thực tận tụy, tận tâm phục vụ người dân và doanh nghiệp được nâng lên rõ nét trong các cơ quan nhà nước của tỉnh và của Thành phố Huế.

D/ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA HIỆP HỘI:

+ Đối với tỉnh: Đề nghị UBND tỉnh quan tâm:

1- Chỉ đạo tổ chức triển khai Chương trình Khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thành lập đầu mối quản lý, theo dõi, tổ chức các Hội nghị hỗ trợ chương trình này. Huy động nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tham gia hoạt động khởi nghiệp. Đầu tư nhiều nguồn lực cụ thể cho công tác khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Có biện pháp hữu hiệu để phát triển số lượng Doanh nghiệp trong tỉnh: Đưa tốc độ phát triển DN mới từ khoảng 18%/năm hiện nay lên 20- 25%/ năm. Phấn đấu đến năm 2020 tỉnh có từ 10.000-20.000 DN.

Trong các biện pháp thúc đẩy phát triển số lượng doanh nghiệp, ngoài việc vận động khởi nghiệp từ giới trẻ, tỉnh nên tập trung vào lực lượng các hộ kinh doanh cá thể để vận động và có chính sách hỗ trợ để họ đăng ký chuyển thành doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp (như giao nhiệm vụ cho Trung tâm xúc tiến đầu tư và thương mại hoặc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hỗ trợ đào tạo nghiệp vụ quản trị doanh nghiệp và hỗ trợ kinh phí, thủ tục đăng ký kinh doanh và thành lập doanh nghiệp cho các hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh...)   

2- Tỉnh sớm chỉ đạo việc thành lập Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh nhằm có một địa chỉ cụ thể, một cơ quan cụ thể để doanh nghiệp trực tiếp đến nhờ hỗ trợ các dịch vụ liên quan đến các hoạt động SXKD của doanh nghiệp, nhất là  khi DN cần tư vấn pháp lý , tư vấn lập dự án, tư vấn marketing sản phẩm, thương hiệu...Trung tâm chuyên thực hiện các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục lập dự án đầu tư phát triển doanh nghiệp, thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký sở hữu trí tuệ, đăng ký thương hiệu,đăng ký chất lượng sản phẩm, thủ tục về thuế, tín dụng,mặt bằng đất đai, marketing xúc tiến thương mại...Mô hình Trung tâm có thể là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh hoặc trực thuộc Sở Kế hoạch & Đầu tư hoặc giao Sở KH&ĐT phối hợp với các Hiệp Hội doanh nghiệp để thành lập. Trước mắt Trung tâm hoạt động trực thuộc một Sở, có sự hỗ trợ ban đầu của Nhà nước, về sau thành đơn vị hoạt động dịch vụ độc lập.

3- Tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn nữa (Cải cách thủ tục ĐKKD, CCHC, tiếp cận dễ dàng các dự án kêu gọi đầu tư, tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn vay thuận lợi...).Tạo niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân bỏ vốn ra đầu tư. Đẩy mạnh thu hút đầu tư nhắm đến các Tập đoàn, Doanh nghiệp mạnh, và có chủ trương gắn kết để các DN của tỉnh được tham gia dự án khi mời gọi, đàm phán dự án.

Thời gian qua, tỉnh và các ngành đã có quyết tâm rất lớn trong thực hiện cải cách các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân, nhưng quy trình giao dịch các loại giấy tờ giữa các Sở vẫn chưa đồng bộ, còn chồng chéo chức năng làm cho DN chạy đi, chạy lại khá vẫn vả. Tỉnh cần kiểm tra và chỉ đạo việc giao dịch các dịch vụ của doanh nghiệp chỉ qua một cửa của 1 Sở có chức năng chính thôi.

4- Chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ cụ thể cho DN: Đẩy mạnh hoạt động của Quỹ Hỗ trợ đầu tư và Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV có hiệu quả trong thực tế. Tiếp tục chương trình Kết nối Doanh nghiệp với Ngân hàng.

5- Do ảnh hưởng sự cố cá biển chết nên tình hình kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp du lịch trong tỉnh rất khó khăn. Căn cứ đề nghị của các DN hội viên, Hiệp Hội DN tỉnh kiến nghị tỉnh chỉ đạo: Xây dựng chương trình tour du lịch trọn gói đến Huế với giá ưu đãi, đưa du khách đến với khu vực Bắc Trung Bộ, tăng chất lượng hiệu quả của kích cầu du lịch nội địa. Tổ chức các đoàn Famtrip, Press trip đến khảo sát thực tế tại các địa điểm du lịch biển Bắc Trung Bộ để góp phần công bố môi trường du lịch an toàn. UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ giảm thuế hoặc hỗ trợ % lãi vay cho các Doanh nghiệp du lịch đang gặp khó khăn...

6- Đề nghị tỉnh kiến nghị Bộ GTVT và các cơ quan TW liên quan xem xét lại việc đặt trạm thu phí chung cho hầm đường bộ Phước Tượng và Phú Gia tại cửa phía Bắc hầm Hải Vân cách xa hầm Phước Tượng hơn 20km và hầm Phú Gia hơn 10km là không hợp lý, cần thay đổi ở một địa điểm khác vì hầu hết các phương tiện vận tải từ Cảng Chân Mây theo trục đường chính của Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đi qua hầm Hải Vân vào phía Nam hoặc ngược lại phải chịu đóng phí qua hầm Phú Gia mặc dầu thực tế không qua hầm này. Tình trạng trên gây nên việc bức xúc cho các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, hành khách, làm giảm sức cạnh tranh và ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của tỉnh.

7- Đề nghị UBND tỉnh và các Sở KH&ĐT, Sở Công Thương và các Sở ngành liên quan, nếu có nguồn hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp thì quan tâm hỗ trợ cho Hiệp Hội một số kinh phí để thực hiện nhiệm vụ đào tạo. Lâu nay HH vẫn triển khai nhiều chương trình đào tạo cho DN nhưng mới chỉ có Sở Lao động có hỗ trợ mỗi năm từ 20-30tr, còn phần lớn HH phải xin hỗ trợ của VCCI, HHDNNVV VN và do các doanh nghiệp tự góp chi phí đào tạo.

8- Chương trình bình chọn “Nụ cười công chức năm 2016” đã được Hiệp Hội phát động trong các cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp toàn tỉnh, nhưng hiện nay sự phản hồi tham gia của các Sở ban ngành cũng như của các doanh nghiệp chưa tích cực, chưa đồng bộ, vẫn đang khoáng công việc này cho Hiệp Hội nên chưa đạt kết quả như mong muốn. Đề nghị các Sở, ban, ngành của tỉnh, nhất là các đơn vị phối hợp là Văn phòng UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Nội vụ căn cứ Kế hoạch đã phát động để tích cực tổ chức thực hiện các nội dung có liên quan để Chương trình này đạt kết quả như UBND tỉnh đã chỉ đạo.

+ Đối với Chính phủ:

- Chính phủ nghiên cứu chỉ đạo, hỗ trợ thành lập  các trung tâm hỗ trợ DN. Hiện việc xúc tiến đầu tư tại Thừa Thiên Huế cũng như nhiều địa phương khác khá tốt, thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài, các DN FDI đã phát triển khá tốt, có những đóng góp giúp kinh tế Việt Nam phát triển. Nhưng sự liên kết kinh tế giữa các DN FDI và DN trong nước, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa là rất yếu. Mặt khác, các chính sách hỗ trợ cho DN của Nhà nước lại thiên về ưu đãi để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ít tạo điều kiện cho DN tư nhân, DN nhỏ và vừa Việt Nam phát triển.  Trong giai đoạn 2016-2020, cộng đồng DN Việt rất cần sự hỗ trợ, do vậy, Chính phủ nên sớm thành lập Trung tâm hỗ trợ DN thành một hệ thống toàn quốc để giúp cho các DN Việt Nam khởi nghiệp, tư vấn về pháp luật, thuế, hải quan, lập dự án đầu tư, đào tạo,...Trung tâm hỗ trợ DN nên có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước và đại diện DN ở TW như VCCI, Hiệp Hội DNNVV Việt Nam, ở địa phương là các Hiệp hội DN, và nên có từ Trung ương đến địa phương.

- Chính phủ sớm hoàn chỉnh và trình Quốc Hội thông qua Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Cần điều chỉnh tỷ giá VNĐ so với USD (tương đương như các nước trong ASEAN ), lý do của việc điều chỉnh, theo Hiệp hội, trong những năm qua chúng ta đã “neo” đồng Việt Nam vào USD. Đây chính là nguyên nhân để hàng hóa Việt Nam trở nên quá đắt, mất khả năng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu; hàng hóa nước ngoài tràn ngập thị trường nội địa; nhập siêu tăng, nhiều doanh nghiệp đóng cửa. Vấn đề điều chỉnh này, nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn đủ điều kiện làm được.

- Nghiên cứu giảm chi phí vốn vay cho DN bởi hiện nay chi phí vay vốn của DN Việt Nam gấp từ 3 đến 4 lần các DN nước ngoài (7-9%). Chi phí này có thể giảm bằng cách giảm sàn lãi suất huy động tiền gửi xuống còn 2-3% (sẽ khuyến khích người có tiền đầu tư vào sản xuất, tạo việc làm, giúp tăng trưởng kinh tế) và giảm trần lãi suất cho vay xuống 3,5-4%. Nếu chi phí vốn vay cho DN giảm được thì hệ thống ngân hàng sẽ tự động điều chỉnh sáp nhập, đổi mới để có thể đáp ứng yêu cầu giảm lãi suất tín dụng của thị trường.


Tin tức liên quan