Phản ảnh về môi trường đầu tư

Tăng cường quản lý và chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường
Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ tại Hội nghị về công tác bảo vệ môi trường toàn tỉnh diễn ra vào sáng 07/12.
Tại hội nghị, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo đánh giá thực trạng công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh trong những năm qua; đưa ra phương hướng và giải pháp tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Theo báo cáo, những năm qua, các sở, ngành và các cấp chính quyền địa phương luôn quan tâm và xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường và cải thiện môi trường sống. Việc thu hút đầu tư phát triển đã chú trọng với các dự án đầu tư ít nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các dự án sử dụng năng lượng sạch, công nghệ xanh. Cùng với tăng cường công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm về môi trường, việc đầu tư cơ sở hạ tầng xử lý ô nhiễm đối với các chất thải rắn, nước thải đô thị và tại các khu công nghiệp, cơ sở y tế được tỉnh quan tâm. Thời gian qua, ngành Môi trường đã thẩm định, phê duyệt 599 dự án về báo cáo đánh giá tác động môi trường, di dời 06 cơ sở sản xuất kinh doanh ô nhiễm môi trường, đầu tư nhiều thiết bị quan trắc khí thải và nước thải tự động...Nhờ đó, môi trường đất, nước và không khí ở tỉnh Thừa Thiên Huế nhìn chung khá tốt, thành phố Huế được công nhận là thành phố môi trường ASEAN và thành phố xanh của Việt Nam…
Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh cũng xuất hiện tình trạng ô nhiễm cục bộ ở một số khu vực, đó là việc xử lý rác thải ở nông thôn và nước thải chưa qua xử lý ở các làng nghề, các cụm công nghiệp; nhất là trong nông nghiệp như chăn nuôi trang trại, giết mổ gia súc, gia cầm, nuôi tôm công nghiệp…Đa dạng sinh học có chiều hướng suy giảm, sự cố môi trường có nguy cơ gia tăng. Đặc biệt, sự cố môi trường khu vực Bắc miền Trung trong tháng 4/2016 không chỉ gây ảnh hưởng rất nặng nề môi trường và hệ sinh thái biển mà còn tác động rất lớn đến đời sống, sinh kế của người dân. Bên cạnh đó, công tác quản lý môi trường còn nhiều bất cập, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường…đã tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái và quá trình phát triển kinh tế-xã hội theo hướng bền vững của tỉnh.
Trên cơ sở đó, hội nghị đã tập trung thảo luận, đánh giá cụ thể thực trạng môi trường trên địa bàn tỉnh và những hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý nhà nước về môi trường trong từng ngành, lĩnh vực và tại các địa phương. Rút ra bài học kinh nghiệm, đồng thời thống nhất phương hướng, chỉ tiêu và giải pháp tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn tới.
Theo đó, đến năm 2020, tỷ lệ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh được xử lý triệt để, đảm bảo không phát sinh; các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề có hệ thống xử lý nước thải, thu gom và xử lý chất thải rắn đạt 70%; trên 95% dân số của tỉnh được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, trong đó nước sạch trên 90%; trên 50% nước thải đô thị được xử lý; 100% hộ gia đình ở nông thôn có công trình vệ sinh; diện tích bị nhiễm độc, tồn dư dioxin, các chất gây ô nhiễm được xử lý, cải tạo giảm 50% so năm 2015; ổn định tỷ lệ che phủ rừng 57%...

Toàn cảnh hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đề nghị các sở, ngành, cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương cần nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 28/CT-UBND ngày 02/12/2016 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước và chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là kiên quyết không vì tăng trưởng kinh tế mà đánh đổi môi trường, vì vậy, bảo vệ môi trường là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các ngành, các cấp, các đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, hộ gia đình và mọi người dân.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch để giải quyết tốt các vấn đề môi trường và phải chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh về các vấn đề môi trường tại địa phương, ngành quản lý. Trong quá trình thực hiện, cần phối hợp đồng bộ, chặt chẽ trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường từ khâu xét duyệt, thẩm định đến triển khai thực hiện và vận hành dự án; đồng thời tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Ngành Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường của các ngành, địa phương và doanh nghiệp...
Theo thuathienhue.gov.vn

Tin tức liên quan