Về lý do Nhà vua Nhật Bản và Hoàng hậu chọn Cố đô Huế để tới thăm trong chuyến đi lần này thì Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường trả lời với phóng viên VOV thường trú tại Nhật Bản rằng: Cả hai nước đều nhất trí cao trong việc chọn cố đô Huế là địa phương để Nhà vua và Hoàng hậu tới thăm. Theo ông Nguyễn Quốc Cường thì có 2 lý do chính đó là vì lịch sử và văn hóa. Về lịch sử thì Cố đô Huế có giá trị rất đặc biệt trong lịch sử của đất nước Việt Nam, từng có 143 năm là kinh đô của nước Việt trong triều Nguyễn. Về văn hóa, có thể nói, cố đô Huế với 5 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, là nơi giao thoa, hội tụ của nền văn hóa rất đặc sắc của Việt Nam. Đây cũng là nơi có giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản. Từ thế kỷ thứ 8 Nhã nhạc đã sang biểu diễn trong Lễ khai tượng chùa tại Nara. Trải qua 1.300 năm, Nhã nhạc đã được kế thừa và vẫn duy trì biểu diễn trong Hoàng cung Nhật Bản hiện nay. Việc này cho thấy giao lưu quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đầu tiên là từ văn hóa, từ âm nhạc. Ngoài ra, Huế cũng là nơi có nhiều di tích lịch sử của Việt Nam mà Nhật Bản đã có nhiều hỗ trợ trong việc bảo tồn, duy trì trong nhiều năm qua.
Nhà vua Nhật Bản Akihito sinh ngày 23/12/1933, lên ngôi ngày 7/1/1989 và là Nhà vua thứ 125 của Nhật Bản
(Nguồn: Sách ảnh Nhà vua Nhật Bản và Hoàng hậu)
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/9/1973, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản phát triển nhanh chóng, hợp tác về kinh tế, chính trị, giao lưu văn hóa… được mở rộng; sự hiểu biết và tin cậy giữa nhân dân hai nước từng bước được nâng lên. Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Nhà vua Nhật Bản và Hoàng hậu là một sự kiện quan trọng, một dấu mốc lịch sử trong quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản ngày càng phát triển toàn diện, tăng cường sự hiểu biết giữa hai dân tộc, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước.
Theo www.thuathienhue.gov.vn