BÀI PHÁT BIỂU TẠI HỘI NGHỊ LẤY Ý KIẾN
QUY CHẾ TÔN VINH “DOANH NGHIỆP VĂN HÓA TIÊU BIỂU”
VÀ BỘ TIÊU CHÍ VĂN HÓA DOANH NGHIỆP VIỆT NAM
Dương Tuấn Anh
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TT Huế
Thưa các quý vị đại biểu,
Ngày 26/9/2016, Thủ tướng đã ký Quyết định số 1846/QĐ-TTg lấy ngày 10/11 hằng năm là Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam và phát động Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong toàn quốc. Thủ tướng đã khẳng định: “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp phải là một phần nhiệm vụ của Chính phủ kiến tạo, của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đó phải là một phần không thể tách rời trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp”.
Như vậy, việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp đang được cả Đảng và Chính phủ quan tâm sâu sắc như là một yếu tố hàng đầu để bảo đảm thắng lợi trong điều kiện cạnh tranh gay gắt, góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh năng động, sáng tạo với tinh thần thượng tôn pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và cạnh tranh lành mạnh, đóng góp cho sự phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế.
Những năm gần đây, do sự phát triển của kinh tế thị trường và yêu cầu hội nhập quốc tế, một số doanh nghiệp Việt Nam đã quan tâm hơn tới văn hóa doanh nghiệp như một công cụ quan trọng tạo thành công trong kinh doanh, là sức mạnh cạnh tranh và là động lực phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Văn hóa doanh nghiệp là yêu cầu tất yếu để phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Kinh nghiệm các nền kinh tế tiên tiến và tập đoàn doanh nghiệp lớn trên thế giới cho thấy, văn hóa doanh nghiệp có vai trò quyết định đối với sự tồn vong của doanh nghiệp và sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Văn hóa doanh nghiệp thực sự là một tài sản vô giá:doanh nghiệp có thành công hay không, thành công đó có bền vững hay không là nhờ vào nền tảng văn hóa doanh nghiệp của mình. Bên cạnh nguồn vốn, chiến lược kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh thì văn hóa doanh nghiệp sẽ tạo nên sự khác biệt giữa các doanh nghiệp.
Văn hóa doanh nghiệp mang lại lợi thế cạnh tranh vô cùng quan trọng. Thiếu vốn có thể đi vay, thiếu nhân lực có thể tuyển dụng, thiếu thị trường có thể từng bước mở rộng, đối thủ cạnh tranh có thể bắt chước hoặc đi mua tất cả mọi thứ hiện hữu nhưng lại không thể bắt chước hay mua được sự cống hiến, lòng tận tụy và trong thành của từng CBNV trong doanh nghiệp. Văn hoá doanh nghiệp là toàn bộ những giá trị tinh thần mà doanh nghiệp tạo ratrong quá trình sản xuất kinh doanh tác động tới tình cảm, lý trí và hành vi của các thành viên cũng như sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Văn hoá doanh nghiệp gắn với đặc điểm từng vùng miền, trong từng giai đoạn phát triển cho đến từng doanh nhân, từng người lao động, do đó, rất phong phú, đa dạng. Song Văn hoá doanh nghiệp cũng không phải là vô hình, khó nhận biết mà rất hữu hình, thể hiện rõ một cách vật chất, chẳng những trong hành vi kinh doanh giao tiếp của công nhân, cán bộ trong doanh nghiệp, mà cả trong hàng hoá và dịch vụ của doanh nghiệp, từ mẫu mã, kiểu dáng đến nội dung và chất lượng. Văn hoá doanh nghiệp là cơ sở của toàn bộ các chủ trương, biện pháp cụ thể trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chi phối kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì vậy, có thể nói thành công hoặc thất bại của các doanh nghiệp đều gắn với việc có hay không có văn hoá doanh nghiệp theo đúng nghĩa của khái niệm này.Văn hóa doanh nghiệp mang lại lợi thế cạnh tranh vô cùng quan trọng. Thiếu vốn có thể đi vay, thiếu nhân lực có thể tuyển dụng, thiếu thị trường có thể từng bước mở rộng; đối thủ cạnh tranh có thể bắt chước hoặc mua tất cả mọi thứ hiện hữu nhưng lại không thể bắt chước hay mua được sự cống hiến, lòng tận tụy và trung thành của từng CBNV trong doanh nghiệp.
Văn hóa doanh nghiệp chính là nhân tố quan trọng quyết định thắng lợi trong cạnh tranh trên thương trường thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Doanh nghiệp nào không có văn hóa mạnh thì khó có thể thắng trong cạnh tranh. Nhờ xây dựng và phát triển được một nền tảng văn hóa doanh nghiệp mạnh, doanh nghiệp có thể tạo ra và nâng cao uy tín, thương hiệu của mình.
Vấn đề văn hóa doanh nghiệp đang ngày càng được quan tâm trên thế giới. Việt Nam đã bước sang giai đoạn đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hoàn thiện cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng. Đảng và Nhà nước đã chỉ rõ vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong quá trình này. Đặc biệt, từ năm 2015, khi Việt Nam tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN, thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trong đó có FTA Việt Nam – Liên minh châu Âu, Hiệp định Đối tác Chiến lược Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP)… thì doanh nghiệp Việt Nam lại càng đứng trước những cơ hội và thách thức vô cùng to lớn. Quá trình này đòi hỏi phải xây dựng, hoàn thiện và phát triển hơn nữa văn hóa doanh nghiệp nhằm bảo đảm uy tín, thương hiệu và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế Việt Nam.
Quy chế tôn vinh “Doanh nghiệp văn hóa tiêu biểu” và Bộ tiêu chí về Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam nhằm định hướng cho việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tạo cơ sở cho việc lựa chọn và tôn vinh các doanh nghiệp văn hóa tiêu biểu hằng năm được Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam dự thảo lấy ý kiến đóng góp từ các doanh nghiệp trên cả nước, tôi cho rằng đây là một việc làm hết sức cần thiết và có ý nghĩa đối với cộng đồng các doanh nghiệp, với tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp và Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, thay mặt cho Hiệp hội Doanh nghiệp, tôi kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Thừa Thiên Huế cùng hưởng ứng tích cực Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động và nỗ lực xây dựng văn hóa doanh nghiệp của mình vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và của quê hương, đất nước.
Kính chúc các vị đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.
---------------------------------