Quốc Hội khoá XIV, kỳ họp thứ 3 dự kiến sẽ thảo luận và thông qua Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là Văn bản Luật mà cộng đồng Doanh ngiệp NVV của cả nước đang hết sức trông chờ.
Nhân dịp này Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đã trả lời phỏng vấn của TTTHVN tại Huế (VTV8) liên quan đến vấn đề này.
Sau đây xin giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của TS. Dương Tuấn Anh - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế:
1/ Kỳ họp thứ 3 này Quốc hội sẽ xem xét thông qua một số Luật trong đó có Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, tuy nhiên một số ý kiến cho rằng dự thảo Luật này còn nhiều bất cập, đại diện cho Hiệp Hội doanh nghiệp TT_Huế ông có ý kiến gì chia sẻ( gợi ý, nói cụ thể vào những bất cập, đề xuất nên như thế nào)?
Sau Hội nghị Thủ tướng gặp mặt doanh nghiệp ngày 17/5/2017 vừa qua với chủ đê Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, Chính phủ đã có những động thái khá quyết liệt và tích cực nhằm mục đích tạo sự thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp cả nươc phát triển. Chẳng hạn như Thủ tướng đã ký ngay chỉ thị số 20 ngày 17/5/20117 về chỉ đạo các cơ quan chức năng Nhà nước không thanh tra kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần trong 1 năm; chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện NQ 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 cùng một số biện pháp cụ thể để thực hiện NQ.TW5 khóa 12 về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, phát huy hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế theo hướng phát triển nhanh, bền vững. Đặc biệt tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã trình Quốc hội Dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để Quốc hội sớm thông qua, có thể nói đây là một văn bản Luật mà cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa cả nước đang rất trông chờ. Doanh nghiệp cả nước nói chung và doanh nghiệp ở Thừa Thiên Huế nói riêng đã thực sự được hưởng lợi từ nhưng sự hỗ trợ cụ thể của Nhà nước các cấp có liên quan, nhất là về môi trường kinh doanh và hoạt động của các doanh nghiệp sau khi có NQ.35/CP đã thực sự có những chuyển biến đáng kể.
Hiệp Hội chúng tôi ghi nhận những chuyển biến tích cực trong các hoạt động của Chính phủ và của tỉnh như: Tăng cường công tác đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; Cải cách nhiều thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động; Tổ chức khá nhiều hoạt động phổ biến thông tin về đăng ký doanh nghiệp, chính sách pháp luật thuế, đất đai, môi trường, lao động, bảo hiểm xã hội ...; Bước đầu tỉnh đã tạo dựng được môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, cải tiến công nghệ...;Tỉnh cũng đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp...Tuy vậy, cũng còn nhiều vấn đề, nhiều nội dung chỉ đạo trong NQ.35 tỉnh cần có thời gian để tiếp tục nổ lực thực hiện.
Riêng đối với nội dung Dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trình Quốc hội lần này đã được các cấp, các ngành, các tổ chức Hiệp Hội có liên quan và doanh nghiệp cả nước góp ý khá công phụ. Tuy vậy đến Bản dự thảo cuối cùng trình QH vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Hiệp Hội chúng tôi là cơ quan được mời tham gia góp ý nhiều lần do VCCI và Hiệp Hội DNNVV Việt Nam tổ chức và phần lớn góp ý đã được Ban soạn thảo tiếp thu, nên chúng tôi hoàn toàn đồng ý với Dự thảo trình QH kỳ này. Tuy vậy, những ý kiến thảo luận tại QH cũng đã phát hiện một số bất cập, trong đó có nội dung mà Hiệp Hội chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị là Dự thảo cuối cùng mà Chính phủ trình Quốc hội cần tiếp thu ý kiến của cộng đồng DNNVV trong nước để bổ sung những quy định thật cụ thể, có tính khả thi cao, tránh những quy định quan tâm chung chung cần có nhiều cơ quan khác hướng dẫn với nhiều thủ tục rườm rà, khó thực hiện trong thực tế.
Một nội dung khác của Luật cũng cần quy đinh rõ hơn, đó là quy định thế nào là Doanh nghiệp nhỏ va vừa. Dự thảo Luật đãxác định: doanh nghiệp nhỏ và vừa theo 2 tiêu chí là: Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề không vượt quá 100 tỷ đồng; Lao động bình quân năm của năm trước liền kề không quá 300 người. Điều này rất khó xác định, nhất là doanh nghiệp ở sản xuất công nghiệp khác doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, doanh nghiệp ở vùng sâu vùng xa khó khăn khác doanh nghiệp ở vùng trọng điểm kinh tế...và như thế là phải chờ Nghị định, thông tư hướng dẫn mới thực hiện được. Hiệp Hội chúng tôi kiến nghị nên quy địng riêng tiêu chí DNNVV ở 2 khu vực SXKD và kinh doanh dịch vụ, cũng như ở vùng khó khăn và vùng trọng điểm.
Một nội dung quy định khác cũng còn chung chung đó là: Việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định tại Luật này được thực hiện thông qua kế hoạch, chương trình và hệ thống cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được thực hiện trên cơ sở lựa chọn các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng đủ điều kiện và năng lực. Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Luật nên quy định giao Chính phủ thành lập các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp thành một hệ thống toàn quốc từ TW đến tỉnh để giúp cho các DNNVV Việt Nam trong các lĩnh vực khởi nghiệp, tư vấn về pháp luật, thuế, hải quan, lập dự án đầu tư, đào tạo,...Trung tâm hỗ trợ DN nên có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước và đại diện DN ở TW như VCCI, Hiệp Hội DNNVV Việt Nam, ở địa phương là các Hiệp hội DN, và nên có từ Trung ương đến địa phương. Chứ còn quy định lựa chọn các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng đủ điều kiện và năng lực thì chung chung quá.
2/ Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới hơn 70% trong cộng đồng doanh nghiệp, tuy nhiên ở tầm vĩ mô, cũng như tại các địa phương thời gian qua vẫn quan tâm, tạo điều kiện nhiều cho việc thu hút phát triển doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. . .ông có kiến nghị gì về vấn đề này ?
Trước hết con số như chị nêu là doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới hơn 70% trong cộng đồng doanh nghiệp là còn khiêm tốn đấy, theo tôi là hải hơn 90%, riêng ở Thừa Thiên Huế có đến 99% số doanh nghiệp trong tỉnh là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong những năm qua các DNNVV phát triển khá nhanh về mặt số lượng, song chưa được chú ý về mặt chất lượng để có thể đối phó và thích ứng với những biến động diễn ra nhanh, không lường trước đựơc và tác động trực tiếp với phạm vi rất rộng, cường độ rất lớn của thị trường đến quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN, nên hạn chế về khả năng cạnh tranh trên thị trường, số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ phải ngừng hoạt động khá lớn. Nói chung là DNNVV của nước ta hiện nay có đặc điểm chung là: quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu, thiếu vốn cho sản xuất kinh doanh, gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Chính phủ đã có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách lớn để hỗ trợ, khuyến khích phát triển một cách có hệ thống và thông thoáng về vốn cho DN, tuy nhiên, nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển DNNVV tổ chức triển khai chậm, thiếu tổng kết đúc rút kinh nghiệm, nên các chính sách chưa phát huy được hiệu quả. Vì vậy rất cần có Luật hỗ trợ DNNVV với những nội dung hỗ trợ cụ thể và thiết thực hơn.
Hiện việc xúc tiến đầu tư tại Thừa Thiên Huế cũng như nhiều địa phương khác khá tốt, thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp FDI đã phát triển khá tốt, có những đóng góp giúp kinh tế Việt Nam phát triển. Nhưng sự liên kết kinh tế giữa các DN FDI và DN trong nước, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa là rất yếu.
Mặt khác, các chính sách hỗ trợ cho DN của Nhà nước lại thiên về ưu đãi để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ít tạo điều kiện cho DN tư nhân, DN vừa và nhỏ Việt Nam phát triển.Trong giai đoạn 2016-2020, cộng đồng DN Việt Nam rất cần sự hỗ trợ, do vậy, việc ban hành Luật hỗ trợ DNNVV là nhu cầu khá cấp thiết. Các danh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là DN vừa và nhỏ rất cần sự liên kết trong từng chuỗi giá trị để phát huy vai trò của mình. Việc thu hút các DN lớn từ nước ngoài vào đầu tư là rất cần thiết, nhưng khi ký kết hợp tác cần đưa điều kiện các Doanh nghiệp nhỏ và vừa của địa phương có thể liên kết làm được gì, người lao động địa phương tham gia được gì...Do vậy, rất cần một Trung tâm có tính pháp lý cao theo quy định của Chính phủ để làm nhiệm vụ kết nối và khi mời các nhà đầu tư vào đầu tư tại địa phương có thể thực hiện việc liên kết, cung ứng sản phẩm phụ trợ cho các doanh nghiệp FDI hoặc được lập các dự án đầu tư, đào tạo khác.
VPHH