Tin tức

Chương trình bình ổn giá

Chương trình bình ổn giá


Ngày cập ngày: 18/11/2010 03:58 AM

Đứng trước sự biến động về giá cả không chỉ trong nước mà sự tác động của khủng khoảng kinh tế thế giới, khu vực… thị trường hàng hóa giá cả biến động khó lường. Việc bình ổn giá cả nếu không được chủ động thực thi theo một lộ trình dài thì việc triển khai trong thực tế sẽ gặp nhiều khó khăn.

Chương trình bình ổn giá nhằm điều tiết thị trường là cách làm của chính quyền TP. Hồ Chí Minh đến nay đã bước sang năm thứ 9. Đặc biệt, vào những ngày giáp Tết Nguyên Đán, TP. Hồ Chí Minh có kế hoạch xây dựng và triển khai công tác bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố khá tốt. Cho đến nay, thành phố đã tiến tới bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu quanh năm, thông qua 8 nhóm hàng gồm: gạo - nếp, dầu ăn, đường, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến và rau củ. Năm 2010, thành phố còn thực hiện bình ổn giá đối với nhóm mặt hàng quần áo và học cụ phục vụ cho mùa tựu trường 2010 – 2011.

Hiện nay, trước sự nhảy múa giá cả ở một số mặt hàng thiết yếu theo sự biến động giá đột ngột của vàng và đô la Mỹ, nhiều người quan ngại đến thị trường giá cả trong những ngày tháng giáp Tết.

Thừa Thiên Huế trong những năm gần đây có sự phát triển khá sinh động thị trường cung ứng hàng hóa phục vụ đời sống nhân dân. Ngày trước các chợ đầu mối như Đông Ba, An Cựu là nơi cung ứng hàng hóa cho hệ thống chợ nông thôn thì nay nhiều siêu thị lớn đã có mặt không chỉ ở TP Huế mà đã vươn ra các thị trấn, thị tứ cung ứng hàng hóa phong phú, đa dạng, góp phần ngăn chặn tệ nâng giá, kìm hàng khi thị trường có sự biến động về giá cả. Mỗi dịp có sự biến động giá, các ngành chức năng đã ra quân kiểm soát thị trường giá cả. Nhiều khu chợ thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Thực tế cho thấy, biện pháp ấy chưa đủ kiểm soát tình hình giá cả biến động trên thị trường, bởi tính đồng bộ giữa sản xuất và tiêu dùng, giữa cung và cầu chưa đặt ra một cách rốt ráo. Các doanh nghiệp và các chợ đầu mối chưa tham gia vào chương trình bình ổn giá mà đang thực hiện việc bán theo giá niêm yết một cách thụ động, mệnh lệnh. Tính làm chủ của họ chưa thể hiện trong kinh doanh, chỉ biết mua – bán là phải có lãi; đó là chưa nói đến lãi nhiều càng tốt. Đục nước béo cò, găm hàng chờ giá, hàng nhái, hàng dởm… là biểu hiện của thị trường mua bán khi có sự biến động về giá cả.
 

Bình ổn giá thông qua hệ thống siêu thị. Ảnh: VNN

Những tháng giáp Tết là thời điểm khá nhạy cảm về giá cả hàng hóa trên thị trường. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, chương trình bình ổn giá được xây dựng khá sớm và cụ thể. Nhờ vậy không chỉ bình ổn được thị trường giá cả trong thành phố mà còn lan ra các tỉnh, thành khác. Các siêu thị lớn của TP Hồ Chí Minh đã có chi nhánh ở Thừa Thiên Huế. HTX Thương mại - dịch vụ Thuận Thành cũng đã tự thân lớn mạnh trên thương trường. Siêu thị và trung tâm thương mại bung ra, các chợ đầu mối và mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh đã có cơ hội cùng kinh doanh, phân phối hàng hóa lành mạnh hơn, hàng hóa đa dạng, mẫu mã đẹp, quan hệ mua bán văn minh hơn… Đó là những nét mới trong kinh doanh trên thương trường.
 
Thế nhưng, đứng trước sự biến động về giá cả không chỉ trong nước mà sự tác động của khủng khoảng kinh tế thế giới, khu vực… thị trường hàng hóa giá cả biến động khó lường. Việc bình ổn giá cả nếu không được chủ động thực thi theo một lộ trình dài thì việc triển khai trong thực tế sẽ gặp nhiều khó khăn. Do vậy, phải sẵn sàng cho một chương trình bình ổn giá. Chương trình bình ổn giá đặt ra cho chúng ta những vấn đề cốt yếu đáng quan tâm. Trước hết là kế hoạch bình ổn giá của chính quyền địa phương. Kế hoạch của chính quyền là hỗ trợ về vay vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp trên cơ sở cam kết cụ thể về nhóm hàng và kênh phân phối, kế hoạch hoàn trả vốn. Ngành công thương sớm xây dựng chương trình, chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, tổ chức cho các doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên Đán.
 
Được biết, ngành công thương TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch trình chính quyền thành phố phê duyệt chương trình dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường dịp cuối năm là 75 tỷ đồng. Trong đó dành 30% lượng hàng bình ổn để bán tại các thị trường vùng sâu vùng xa. UBND thành phố Hà Nội cũng vừa tạm ứng 50 tỷ đồng cho 4 doanh nghiệp lớn dự trữ 9 mặt hàng thiết yếu (gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thủy hải sản, thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường, rau củ) phục vụ bình ổn giá trong thời gian từ ngày tạm ứng đến hết ngày 30/4/2011 với lãi suất 0%.
 
Nhiều doanh nghiệp khi được cung ứng vốn bình ổn này, biết sử dụng vốn đúng mục đích và hoàn trả vốn đúng thời gian quy định không chỉ tham gia tích cực vào chương trình bình ổn giá mà còn tạo uy tín về thương hiệu cho người tiêu dùng. Tham gia chương trình bình ổn giá, các doanh nghiệp không chỉ được quảng bá, tuyên truyền sản phẩm mà còn có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất. Tại TP Hồ Chí Minh, Saigon Co.op là doanh nghiệp tham gia chương trình này ngay từ đầu. Saigon Co.op đã ứng vốn hoặc đầu tư vốn vào các HTX, các doanh nghiệp chăn nuôi, trồng trột để ổn định nguồn hàng. Với cách làm đó, không chỉ hỗ trợ cho HTX và doanh nghiệp phát triển thông qua bao tiêu đầu ra, ổn định giá mà còn giúp cho bà con xã viên nâng cao thu nhập.
 
Thừa Thiên Huế có nhiều HTX sản xuất rau sạch, nhiều trang trại chăn nuôi có quy mô lớn, là địa phương có sản lượng thủy hải sản nuôi trồng và đánh bắt khá lớn… Doanh nghiệp, ngành công thương và các trung tâm thương mại, siêu thị…trong chương trình bình ổn giá của mình nếu hướng tới các doanh nghiệp, HTX sản xuất chắc chắn sẽ mở ra nhiều cách làm hay, hướng phát triển bền vững.
 
Chiến Hữu
nguonBaothuathienhue

 


Tin tức liên quan