Thông tin đầu tư

Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương: “Cú hích” thúc đẩy đầu tư phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế

 

Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương được kỳ vọng là bước “đột phá” không chỉ cho TP.Huế (Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Thừa Thiên Huế) trong phát triển của đô thị Huế mang tính bền vững của một thành phố xanh, văn hóa và du lịch mà còn tạo “cú hích” và sức hút trong đầu tư và phát triển của toàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian tới.
Điểm nhấn cho đô thị Huế
Sau khi dự án “Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 649/QĐ-TTg ngày 06/6/2014. KOICA tiếp tục hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế Huế thực hiện dự án “Quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương và dự án thí điểm” với tổng nguồn vốn tài trợ 6 triệu USD.
Dự án Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương được quy hoạch từ đồi Vọng Cảnh đến phố cổ Bao Vinh, diện tích quy hoạch tổng cộng khoảng gần 840 ha (diện tích đất dọc hai bờ sông 313ha và diện tích mặt nước khoảng 485ha), thuộc địa bàn TP. Huế và một phần thị xã Hương Trà, huyện Phú Vang, quy mô dân số khoảng 14 nghìn người. Mục tiêu của dự án là thiết lập quy hoạch phù hợp với sự phát triển của đô thị Huế mang tính bền vững của một Thành phố văn hóa, du lịch.
Phạm vi lập quy hoạch dọc tuyến sông Hương với chiều dài khoảng 15km, đoạn từ đồi Vọng Cảnh đến phố cổ Bao Vinh, bề rộng tiếp cận các tuyến đường dọc hai bờ sông trung bình mỗi bên khoảng 100m và bố trí 3 cây cầu mới bên cạnh 4 cây cầu cũ theo trục Bắc Nam của sông Hương. QH chủ yếu tập trung ở khu vực trung tâm TP.Huế (hai bên bờ phía bắc và phía nam sông Hương).
Phía bờ Bắc sông Hương (đoạn đường Lê Duẩn - Trần Hưng Đạo) hình thành nên cảnh quan dọc bờ sông đối diện với Hoàng thành (Đại Nội - Huế) với các công viên Thương Bạc và công viên Phú Xuân, chợ Đông Ba và các công trình thương mại, dịch vụ... Phía bờ Nam sông Hương (đoạn đường Lê Lợi, cồn Hến và cồn Dã Viên) phân bố thành các trục chức năng thương mại, khách sạn, các Bảo tàng (Bảo tàng Hồ Chí Minh, Lê Bá Đảng) và ba công viên (Tứ Tượng, Lý Tự Trọng và công viên 3/2)...Cồn Hến và cồn Dã Viên hai khu vực nằm về hai phía bên tả hữu của Hoàng thành Huế, mang giá trị quan trọng về phong thủy trong quá trình hình thành nên đô thị Huế.

Không gian quy hoạch hai bờ sông Hương khu vực trung tâm thành phố Huế
Giáo sư Ohn Yeoung Te - Quản lý dự án KOICA cho biết, trên cơ sở nghiên cứu địa lý, lịch sử và văn hóa của vùng đất Cố đô Huế, quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương chú trọng giữ gìn cảnh quan thiên nhiên và vẻ đẹp thơ mộng của sông Hương, núi Ngự; đồng thời phát triển không gian, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hướng dẫn thiết kế đô thị khu vực trung tâm phía nam và phía bắc TP. Huế để phát huy tiềm năng vốn có của Huế là thành phố danh lam thắng cảnh.
Điểm nhấn của quy hoạch là thiết lập các điểm mốc ven sông Hương và địa điểm tổ chức các sự kiện, lễ hội tầm vóc quốc tế; đồng thời hình thành cảnh quan ven sông hài hòa với cảnh quan tự nhiên và môi trường văn hóa lịch sử. Sắp xếp và định hướng phát triển các công viên xanh gắn với các khu vui chơi giải trí ngoài trời, quảng trường, khu thương mại nhằm thiết lập không gian ven sông thân thiện môi trường và an toàn trước thiên tai và biển đổi khí hậu. Đề xuất dự án đầu tư các địa điểm du lịch trọng tâm, đặc trưng thông qua không gian lễ hội ven sông và trải nghiệm du lịch văn hóa truyền thống bằng đường thủy trên sông. 

Phối cảnh đường đi bộ bên bờ sông Hương
Thúc đẩy đầu tư trên nhiều lĩnh vực
Một trong những chuyên gia về kiến trúc và quy hoạch Việt Nam, KTS. Ngô Viết Nam Sơn đánh giá cao bản quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương của các chuyên gia Hàn Quốc. Quy hoạch đã tạo cơ hội phát triển các khu vực dọc hai bờ sông và thể hiện được nét văn hóa của Huế qua các giai đoạn như “Quy hoạch khu Đại nội là khu trung tâm của thế kỷ 19, khu phố Tây là không gian vui chơi giải trí của thế kỷ 20 và thế kỷ 21 sẽ nằm ở khu đô thị mới An Vân Dương. Như vậy, Huế sẽ phát triển bền vững và có không gian đô thị riêng biệt tiếp nối các thời kỳ lịch sử của vùng đất thần kinh. Cũng theo Chủ tịch UBND TP.Huế Nguyễn Văn Thành, quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương đã xác định cụ thể về vị trí địa lý, kinh tế, văn hóa của từng khu vực hai bên bờ sông Hương; về quy hoạch xây dựng hạ tầng đã chú ý đến gam màu để có sự phối cảnh phù hợp với cảnh quan và không gian kiến trúc hài hòa gắn với lịch sử, văn hóa Huế, tạo điều kiện cho đầu tư phát triển du lịch - dịch vụ và thương mại. 
Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Hải Minh cho biết, qua lấy ý kiến của nhân dân thì có trên 75% ý kiến của người dân đồng tình về những nội dung trong quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương. Hiện KOICA đã cơ bản hoàn chỉnh dự án, bám sát mục tiêu là phát triển khu vực hai bờ sông Hương gắn với khu vực đô thị lân cận và kết nối giao thông đường thủy nhằm khai thác tốt tiềm năng du lịch - dịch vụ. Đặc biệt, để tăng thêm sự quyến rũ, tạo sức sống mới cho sông Hương, quy hoạch đã bổ sung thêm đường ven hai bờ sông Hương đoạn từ cầu Dã Viên đến khu vực thượng lưu; nghiên cứu về tầng cao, mật độ xây dựng của từng khu vực và bố trí thêm công trình dịch vụ trong công viên... Dự kiến, dự án quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương sẽ được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 2/2018 và triển khai dự án thí điểm theo hợp phần dự án.
 

Quy hoạch bên bờ Nam sông Hương đoạn trung tâm thành phố Huế
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cho rằng, trong quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương, đơn vị tư vấn Hàn Quốc (KOICA) đã đề xuất khá cụ thể và khả thi trong tổ chức thực hiện nhằm tạo không gian kiến trúc hài hòa hai bờ sông Hương. UBND tỉnh sẽ xem xét một cách kỹ lưỡng về quy hoạch tổng quan và quy hoạch chi tiết để sau khi phê duyệt sẽ có hướng đầu tư cụ thể, vừa tạo tính thống nhất tổng thể và màu sắc riêng cho từng khu vực.  Hy vọng, trong tương lai, vẻ đẹp thơ mộng của sông Hương đã đi vào thơ ca, sẽ được tôn tạo, giữ gìn và nâng tầm kiến trúc cảnh quan cho phù hợp với sự phát triển; góp phần tạo cho bộ mặt đô thị Huế phát triển hiện đại, thân thiện với môi trường, là điểm đến không thể thiếu của khách du lịch trong và ngoài nước. Qua đó, thu hút mạnh đầu tư trên nhiều lĩnh vực và tạo bước phát triển mới về kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế trong giai đoạn tới. 
Theo www.thuathienhue.gov.vn

 


Tin tức liên quan