Tin tức & Hoạt động Hiệp Hội

Thẩm tra Tờ trình, dự thảo Nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh TT Huế

      Sáng ngày 21/3, Ban kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh đã có buổi làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế về thẩm tra Tờ trình, dự thảo Nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh TT Huế. Tham dự buổi làm việc có các đồng chí:  Nguyễn Quang Tuấn - UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban kinh tế ngân sách HĐND tỉnh; Ông Dương Tuấn Anh - Chủ tịch Hiệp hội cùng các đồng chí trong Thường trực và các thành viên của HĐND tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh.

 
Ban kinh tế ngân sách làm việc với Ban thường trực Hiệp hội

   Theo báo cáo của Hiệp hội về những hoạt động trong tâm như: hỗ trợ thông tin pháp luật về kinh doanh và xúc tiến thương mại,hỗ trợ thông tin hội nhập quốc tế, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực doanh nghiệp, hỗ trợ xây dựng văn hóa doanh nghiệp và nâng cao trách nhiệm xã hội doanh nghiệp; thực hiện vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và Nhà nước;
Ông Dương Tuấn Anh - Chủ tịch Hiệp hội trình bày báo cáo của Hiệp hội
về tổ chức và hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.
 
   Theo đánh giá chung: Đối với các doanh nghiệp hội viên của Hiệp Hội và của các tổ chức cơ sở trực thuộc đã thường xuyên được Hiệp Hội hỗ trợ thông qua các hoạt động trên đây của Hiệp Hội. Doanh nghiệp hội viên được dự các hội nghị, hội thảo, các khóa đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp do Hiệp Hội tổ chức, bình quân mỗi năm có từ 1000 đến 1500 các bộ quản lý của doanh nghiệp hội viên được Hiệp Hội phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng . Tuy đã có cố gắng triển khai các hoạt động, nhưng do điều kiện về nhân sự và cơ sở vật chất của Hiệp Hội có khó khăn, hạn chế nên chỉ mới thực hiện việc hỗ trợ cho hơn 600 doanh nghiệp là hội viên của Hiệp Hội và của các Hội, CLB trực thuộc, chiếm khoảng 10% trong số hơn 6000 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh và nhìn chung chưa đạt kết quả như mong muốn. 
Toàn cảnh buổi làm việc
 
   * VỀ NỘI DUNG CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DNNVV CỦA TỈNH:
   Dự thảo Nghị quyết của tỉnh đã bao hàm khá đầy đủ các chính sách quy định tại Luật hỗ trợ DNNVV và đã định tính, định lượng khá cụ thể, phù hợp với tình hình và điều kiện của tỉnh. Hiệp Hội có một số góp ý để HĐND tỉnh nghiên cứu thêm:
1- Theo quy định của Luật hỗ trợ DNNVV thì việc bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa dựa trên tài sản bảo đảm hoặc phương án sản xuất, kinh doanh khả thi hoặc xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên trong dự thảo Nghị quyết của tỉnh chỉ cấp bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp NVV khi hội đủ cả 3 điều kiện trên. Vì vậy nhiều DNNVV trong tỉnh dù có phương án SXKD khả thi và xếp hạng tín nhiệm tốt nhưng không có tài sản bảo đảm để thế chấp thì khó được cấp bảo lãnh tín dụng, mà số DNNVV ở dạng này lại chiếm số đông. Đề nghị tỉnh nghiên cứu để cấp bảo lãnh tính dụng cho các DNNVV tuy không đủ tài sản bảo đảm nhưng có dự án khả thi được thẩm định và được xếp hạng tín nhiệm cao.
2- Ngoài hỗ trợ xây dựng dự án, cấp bảo lãnh tín dụng và cấp bảo lãnh thanh toán, tỉnh nghiên cứu để có thể có một gói hỗ trợ về lãi suất vốn vay từ 0,5 đến 1% cho đối tượng DNNVV trong 1-2 năm đầu mới khởi sự thành lập doanh nghiệp.
3- Nên có quy định hỗ trợ DNNVV về chính sách thuế, kế toán để cụ thể hóa nội dung Luật hỗ trợ DNNVV đã quy định: Doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán đơn giản theo quy định của pháp luật về thuế, kế toán.
4- Về hỗ trợ thủ tục hành chính nên có cam kết của các cơ quan quản lý nhà nước chủ quản như Sở KH&ĐT, Cục thuế, Cục hải quan, Sở TN&MT, Sở KH&CN, Sở Công thương, Bảo hiểm xã hội tỉnh... về việc bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết hoặc có chỉ tiêu phấn đấu giảm thời gian về số giờ giao dịch các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp một cách cụ thể.
5- Về hỗ trợ tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị nên bổ sung: Khi ký kết hợp tác các dự án đầu tư FDI hoặc dự án đầu tư trong nước tỉnh sẽ đưa điều kiện các DNNVV của tỉnh được ưu tiên liên kết thành chuỗi giá trị cung ứng vật tư nguyên liệu cho các dự án triển khai trên địa bàn tỉnh và giao trách nhiệm cho một trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp làm nhiệm vụ kết nối giữa DNNVV của tỉnh liên quan với các nhà đầu tư khi vào đầu tư tại địa phương, khắc phục tình trạng chính sách hỗ trợ của Nhà nước thiên về ưu đãi để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ít tạo điều kiện cho DN tư nhân, DNNVV trong nước có cơ hội phát triển.
6- Các nội dung hỗ trợ cho DNNVV nêu trong dự thảo khá đầy đủ. Tuy nhiên biện pháp tổ chức thực hiện đều giao trực tiếp công việc hỗ trợ doanh nghiệp cho các cơ quan quản lý nhà nước . Dự thảo nên bổ sung quy định giao cho các Công ty tư vấn hỗ trợ làm dịch vụ hỗ trợ cho DNNVV, với sự liên kết hỗ trợ của các Hội, Hiệp Hội doanh nghiệp ở cấp tỉnh để giảm bớt vai trò làm dịch vụ công của cơ quan quản lý Nhà nước . Trước mắt nên thành lập Trung tâm Hỗ trợ DNNVV của Tỉnh. Trung tâm sẽ do Sở KH &ĐT chủ trì, có sự tham gia của các công ty tư vấn về hỗ trợ doanh nghiệp lập dự án, hỗ trợ về thuế-kế toán, tín dụng, đào tạo nhân lực, marketing v.v...và có sự tham gia của các Hiệp Hội Doanh nghiệp.
7- Về hỗ trợ thị trường: Đề nghị tỉnh nghiên cứu để có sự hỗ trợ cho các DNNVV sản xuất hàng công nghiệp tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ, chế biến thực phẩm đặc sản của Thừa Thiên Huế để hình thành một khu trung tâm hỗ trợ chế tác sáng tạo, trưng bày, giới thiệu và bán hàng đặc sản lưu niệm, ẩm thực có thương hiệu cho khách du lịch đồng thời quảng bá để trung tâm này trở thành một điểm đến tham quan mua sắm của khách du lịch khi đến Huế.
   Sau khi nghiên cứu, thảo luận kỹ các nội dung thẩm tra trình lần này của Ban kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh, các thành viên tham dự họp cơ bản nhất trí với các nội dung báo cáo của Hiệp hội. Trong năm 2018, Hiệp hội tiếp tục kiến nghị, đề xuất các cấp có thẩm quyền vềNghị quyết quy định chính sách hỗ trợ DNNVV của tỉnh tới đây đề nghị nghiên cứu để bổ sung đối tượng các tổ chức Hội, Hiệp Hội doanh nghiệp ở cấp tỉnh được giao thực hiện một số nhiệm vụ hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh (như đào tạo nguồn nhân lực,thông tin tư vấn pháp lý, xúc tiến thương mại...); Đề nghị UBND tỉnh ngoài Trung tâm hành chính công cần thành lập thêm Trung tâm chuyên trách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh nhằm có một địa chỉ cụ thể để doanh nghiệp trực tiếp được hỗ trợ các dịch vụ như: Tư vấn các thủ tục pháp lý về lập dự án đầu tư phát triển doanh nghiệp, bảo lãnh tín dụng, đăng ký kinh doanh, đăng ký sở hữu trí tuệ, đăng ký thương hiệu, đăng ký chất lượng sản phẩm, thủ tục về thuế, tín dụng, mặt bằng đất đai, marketing xúc tiến thương mại...Trung tâm này trực thuộc UBND tỉnh hoặc sở Kế hoạch & Đầu tư, hoặc giao cho các Hiệp Hội thành lập để thực hiện các dịch vụ công có sự hỗ trợ của Nhà nước. việc thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp trong năm 2018 tinh, gọn theo chỉ thị 20/CT-CP ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm để công tác thanh tra hiệu quả hơn, tránh chồng chéo, kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. 
NY 

Tin tức liên quan