Thông tin trên vừa được Ernst & Young (EY) đưa ra từ một báo cáo toàn cảnh Fintech khu vực ASEAN 2018.
Ông Varun Mital, lãnh đạo cao cấp Fintech của EY cho biết, các Startup tại Việt Nam đang đầu tư nhiều cho lĩnh vực Fintech với tổng vốn 129 triệu USD. Với dân số trẻ lượng người sử dụng điện thoại thông minh ngày càng nhiều, tăng trưởng tiêu dùng cao và tỷ lệ thất nghiệp thấp..., Việt Nam đang trở thành thị trường tiềm năng bậc nhất cho các Fintech phát triển.
"Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang rất quan tâm và muốn tham gia, thậm chí họ có ý định mua lại một số Fintech tốt bởi tiềm năng thị trường rất lớn", ông Varun Mital chia sẻ.
|
47% Fintech Việt hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ thanh toán, cao nhất khu vực Đông Nam Á.
|
Trong gần 80 công ty Fintech đang hoạt động ở Việt Nam, một nửa chọn kinh doanh dịch vụ thanh toán. Đây là tỷ lệ theo EY, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Điều này xuất phát từ thực tế hiện 90% các khoản thanh toán vẫn được người Việt trả bằng tiền mặt.
Trước đó, tại cuộc gặp với lãnh đạo Chính phủ hồi đầu tháng 1, Chủ tịch Tập đoàn tài chính Keb Hana (Hàn Quốc) cho biết, đang hợp tác với một ngân hàng của Việt Nam trong phát triển dịch vụ tài chính. Tập đoàn này sẽ rót vốn đầu tư trực tiếp hoặc qua các quỹ để hợp tác với các định chế tài chính, công ty tài chính - công nghệ Fintech nhằm khai thác lĩnh vực thanh toán di động.
Nói về xu hướng hợp tác giữa ngân hàng và Fintech, chuyên gia của EY cũng cho rằng, hiện nhiều nhà băng muốn thuê Fintech cung cấp dịch vụ ngân hàng số, thay vì tự mình phát triển các giải pháp này. Bắt tay theo cách này sẽ giúp cả hai cùng có lợi, tiết kiệm chi phí...
Tuy nhiên, thách thức với Fintech Việt trong thị trường "tiền mặt là vua" không hề nhỏ. Bà Nguyễn Thuỳ Dương - Phó tổng giám đốc EY Việt Nam nêu một trong những lý do cản trở là hiện chưa có quy định cụ thể nào về hợp tác giữa ngân hàng và Fintech.
Ngoài ra, dù có công nghệ và thuật thoán tốt thì ngân hàng vẫn có những e dè nhất định về khả năng duy trì hoạt động của các Fintech, bởi phần lớn họ là doanh nghiệp mới thành lập, quy mô thường nhỏ, thiếu vốn và "linh hồn" tập trung chủ yếu vào một, hai người lãnh đạo.
Cũng theo bà Dương, quy trình kiểm duyệt đi tới quyết định hợp tác tại ngân hàng cũng còn khá phức tạp khi phải qua nhiều phòng, ban. "Với nhiều Fintech khoảng thời gian chờ đợi 6 tháng hay 1 năm để thuyết phục đối tác là điều khá mệt mỏi", bà Dương nói và cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu khung pháp lý, tạo sân chơi thử nghiệm cho Fintech trong phạm vi hẹp trước khi áp dụng ở quy mô lớn hơn.
Theo Anh Minh(VnExpress)