“Định danh” trên bản đồ Festival Việt Nam và thế giới
Xuất phát từ những kết quả bước đầu của Festival Việt - Pháp 1992 giữa thành phố Huế và Codev Việt Pháp, tỉnh Thừa Thiên Huế đã sớm hình thành ý tưởng tổ chức một Festival với qui mô lớn hơn, chất lượng cao hơn. Ý tưởng ấy đã được sự đồng tình của nhiều bộ, ngành Trung ương và Ðại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam. Tháng 10 năm 1998, Chính phủ đã có Quyết định cho phép tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Ðại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức Festival Huế 2000.
Festival Huế 2000 diễn ra 12 ngày đêm với chủ để “Huế- thành phố của nghệ thuật sống”, với sự tham gia của trên 30 đoàn nghệ thuật của Việt Nam và Pháp với trên 1000 nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, thu hút hơn 410.000 lượt người tham dự Festival, trong đó có 41.000 lượt khách du lịch, với 6000 lượt khách quốc tế... Đây thực sự là ngày hội văn hóa, nghệ thuật và du lịch có quy mô quốc gia và quốc tế, là hoạt động giao lưu có tính chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, thúc đẩy sự hồi sinh của tỉnh Thừa Thiên Huế sau cơn lũ lịch sử năm 1999.
Và như thế, cứ hai năm một lần, bạn bè trong nước và quốc tế cùng hẹn nhau về Huế hòa trong mối giao lưu, đoàn kết, hữu nghị và hòa bình của Festival Huế. Festival Huế đã mở ra một chương mới trong lịch sử phát triển của miền sông Hương núi Ngự với những lễ hội văn hóa nghệ thuật đặc sắc, chất lượng, giàu tính nhân văn và cộng đồng.
Festival Huế đã trở thành một lễ hội văn hóa nghệ thuật đặc sắc, chất lượng, giàu tính nhân văn
Khẳng định thương hiệu qua từng năm
Sau thành công bước đầu của Festival Huế 2000, tỉnh Thừa Thiên Huế đã dần hình thành và định hình cho mình về xây dựng một thương hiệu Festival cho riêng Huế. Festival Huế là lễ hội đương đại đầu tiên ở Việt Nam được phát triển trên khái niệm mới về lễ hội, học tập mô hình Festival của các thành phố nổi tiếng trên thế giới.
Đến nay, sau 9 lần tổ chức, Festival Huế mỗi năm để lại một ấn tượng, một sức hấp dẫn riêng. Mỗi kỳ Festival có một chủ đề riêng để Ban tổ chức xây dựng kịch bản, các chương trình nghệ thuật phù hợp. Qua 9 lần tổ chức, Festival Huế có các chủ đề: “Huế - Thành phố của nghệ thuật sống” (2000); “Khám phá nghệ thuật sống của Cố đô Huế” (2002); “700 năm Thuận Hoá - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế” (2006); “ Nơi gặp gỡ các thành phố lịch sử” (2012); “710 năm Thuận Hoá - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế (2016) và “Di sản văn hoá với hội nhập và phát triển” (2004, 2008, 2010, 2014).
Năm 2018, Festival Huế có chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển – Huế 1 điểm đến 5 di sản”, Festival Huế lần thứ X - 2018 là sự kế thừa và khẳng định sự thành công của các kỳ Festival trước đây; nơi hội tụ, giao lưu nghệ thuật giữa các nền văn hóa của các quốc gia, nhằm tiếp tục đẩy mạnh quan hệ giao lưu quốc tế; giới thiệu quảng bá những giá trị đặc sắc văn hoá Việt Nam, văn hoá Huế, đẩy mạnh phát triển dịch vụ - du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế trong tiến trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Qua từng năm, thương hiệu Festival Huế đã lan tỏa và khẳng định trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế. Từ Festival năm 2000 chỉ có 15 đoàn và nhóm nghệ sĩ trong nước, 7 đoàn nghệ thuật quốc tế thì Festival nay, theo Ban tổ chức cho biết thì sẽ có 34 đoàn nghệ thuật của 20 nước tham gia biểu diễn nghệ thuật tại Festival Huế 2018. Sự phát triển về số lượng các đoàn nghệ thuật đã khẳng định Festival Huế ngày càng có sức quy tụ, cuốn hút và lan toả trong xu hướng chủ động hội nhập và tăng cường giao lưu văn hoá. Qua đây, công chúng Việt Nam có cơ hội tiếp cận nghệ thuật đặc sắc, độc đáo của nhiều đoàn nghệ thuật mang dấu ấn nhiều nền văn hoá khác nhau trên thế giới.
Các chương trình luôn được làm mới, đầu tư công phu qua từng năm
Nơi hội tụ tinh hoa văn hóa
Festival Huế là một sự kiện văn hóa điển hình tiêu biểu, trở thành thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế, là dịp để giới thiệu và quảng bá hình ảnh, đất nước, con người và văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Huế nói riêng một cách sinh động, hấp dẫn nhất.
Festival Huế là trung tâm để các giá trị văn hóa tinh hoa thế giới hội tụ và tỏa sáng, đó là: Nghệ thuật múa truyền thống và hiện đại, nghệ thuật trang trí sắp đặt, nghệ thuật trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc, các loại hình văn hoá nghệ thuật đương đại và truyền thống được trình diễn. Trong chương trình hoạt động của Festival Huế có: vẻ đẹp lộng lẫy và sắc thái độc đáo trong trang phục dân tộc, hoàng tộc của các quốc gia: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn độ, Mông Cổ, Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia; các hoạt động văn hóa dân tộc của các nước được trình diễn như những vũ điệu ba-lê cổ điển, nhảy dân gian, múa nhào lộn sinh động (Nga); những khúc hát, điệu múa, điệu nhạc say mê, nồng nàn (Balan); chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố, múa rối (Trung Quốc); xiếc tung hứng, đi cà kheo (Bỉ)…
Festival Huế vượt qua khoảng cách không gian, thời gian, vị trí địa lý, là dịp để giao lưu văn hóa ngôn ngữ, gắn kết tình yêu thương, đoàn kết con người của các quốc gia, dân tộc trên thế giới xích lại gần nhau hơn, tạo sự hòa nhập quốc tế, đoàn kết gắn bó gìn giữ hòa bình, hợp tác phát triển.
Sau thời gian hình thành và phát triển, đến nay Festival Huế đã thực sự trở thành sự kiện văn hóa mang tầm quốc tế, đã, đang và sẽ trở thành ngày hội văn hóa, nghệ thuật, du lịch sôi động thu hút du khách trong và ngoài nước với sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân, khơi dậy một cách mạnh mẽ tiềm năng sáng tạo văn hóa đa dạng của nhân dân Thừa Thiên Huế và các vùng văn hóa tiêu biểu trong cả nước, góp phần tiếp tục nâng cao vị thế của một tỉnh là trung tâm văn hóa du lịch quan trọng của đất nước, khẳng định đường lối xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc là phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, khẳng định Huế là một thành phố Festival, thành phố du lịch nổi tiếng trong nước và quốc tế, nơi hội tụ và tỏa sáng tinh hoa văn hóa quốc tế.
Các nền văn hóa, nghệ thuật của các nước được tụ về tại Festival Huế