Doanh nghiệp tư nhân: Vì sao không lớn được?
Đã qua 10 năm tính từ năm 2000 khi Luật Doanh nghiệp chính thức có hiệu lực mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn không lớn được, vì sao vậy?
Nhân viên của Vinamit - một doanh nghiệp tư nhân khá thành công
trong lĩnh vực chế biến nông sản - tiếp thị
sản phẩm trong một hội chợ - Ảnh: Lê Toàn.
Đó là câu hỏi đầy trăn trở của ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tại một cuộc hội thảo do VCCI tổ chức.
Quả thực là như vậy. Một điều tra gần đây cho biết, có đến 80% số doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có quy mô nhỏ (80% có vốn kinh doanh dưới 5 tỉ đồng và 87% sử dụng dưới 50 lao động).
Vấn đề không chỉ dừng lại ở việc đưa ra con số về quy mô doanh nghiệp tư nhân, quan trọng hơn như một chuyên gia kinh tế nhận định:
“Khi khu vực doanh nghiệp tư nhân chưa thực sự đủ lớn, việc trở thành động lực thực sự cho sự phát triển kinh tế Việt Nam sẽ vẫn là kế hoạch”.
Những nguyên nhân chậm lớn
Đã có rất nhiều ý kiến bàn về nguyên nhân của tình trạng
“không lớn được” của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam song những nguyên nhân sau đây là cơ bản.
Thứ nhất, từ năm 2000 - năm Luật Doanh nghiệp được bắt đầu áp dụng - đến nay, thời gian chưa phải là dài để chúng ta có được những tập đoàn kinh tế tư nhân hùng mạnh. Đó là điều tất yếu khách quan.
Thứ hai là những nguyên nhân từ đội ngũ doanh nhân. Một điều tra mới đây của VCCI cho biết, “
tầng lớp doanh nhân mới được hình thành trong những năm gần đây, xuất thân từ nhiều tầng lớp lao động xã hội khác nhau, nhiều người chưa được đào tạo kinh doanh bài bản; các doanh nghiệp của doanh nhân Việt Nam chưa có tích lũy lớn về vốn nên sức vươn hạn chế; tinh thần học hỏi của một số doanh nhân chưa cao, dễ thỏa mãn, chưa chú trọng đầu tư thu thập thông tin, nâng cao kiến thức quản lý, kinh doanh; tâm lý ỷ lại của một số doanh nhân vào sự hỗ trợ của Nhà nước vẫn còn tồn tại; một số doanh nhân chưa tuân thủ đúng pháp luật và hưởng thụ quá sớm…”.
Văn Lâm (Theo VnEconomy)