Việc xây dựng Khu bảo vệ thuỷ sản dựa vào cộng đồng, nhằm mở rộng, phát triển mạng lưới các khu bảo vệ thủy sản trên toàn đầm phá, vùng nước nội địa Tam Giang - Cầu Hai, để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ bãi giống, bãi đẻ, nguồn lợi thủy sản.
Nội dung bảo vệ trong khu vực Đập Tây – Chùa Ma: Nghiêm cấm hoàn toàn các hoạt động kinh tế làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên và môi trường thuỷ sinh như khai thác thuỷ sản, nuôi trồng thuỷ sản; xây dựng các công trình sản xuất (kể cả công trình nhà ở).
Các hoạt động có điều kiện: Hoạt động khai thác thuỷ sản để nghiên cứu khoa học và hoạt động tiêu diệt thuỷ sản địch hoạ trong khu bảo vệ phải có giấy phép của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thuỷ sản theo quy định của pháp luật; Hoạt động giao thông thuỷ được phép qua lại vô hại nhưng không được dừng tàu thuyền lại trong khu bảo vệ; Hoạt động du lịch sinh thái được phép khi có sự tham gia và giám sát của cộng đồng ngư dân địa phương.
Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản được giao trách nhiệm điều phối việc thiết lập và phát triển Khu bảo vệ thuỷ sản Đập Tây – Chùa Ma trong 3 năm đầu, dựa trên nguồn lực chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản của đơn vị quản lý và huy động các nguồn lực hợp pháp khác. Chi hội Nghề cá Giang Xuân – xã Vinh Giang trực tiếp quản lý Khu bảo vệ thuỷ sản Đập Tây – Chùa Ma. Chi hội có trách nhiệm bảo vệ, ngăn chặn các hành vi trái pháp luật gây hại đến khu bảo vệ thuỷ sản; phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để xử lý các hành vi, vi phạm, gây hại đến khu bảo vệ thủy sản Đập Tây – Chùa Ma. UBND xã Vinh Giang, UBND huyện Phú Lộc quản lý thẩm quyền chung vùng lãnh thổ. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, Sở Nông nghiệp & PTNT quản lý theo thẩm quyền chuyên môn.