Tin tức & Hoạt động Hiệp Hội

Giải pháp nào cho doanh nghiệp trước đại dịch Covd-19?

Đó là chủ đề của hội thảo do Hiệp hội Doanh nghiệp (HHDN) tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tổ chức ngày 29/2, nhằm chia sẻ khó khăn, tìm hướng khắc phục, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đang chịu ảnh hưởng của COVID-19. Hội thảo có sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định, lãnh đạo các sở, ngành, các chuyên gia kinh tế và hơn 100 DN tham gia.

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định cho rằng tình hình dịch COVID-19 tương đối phức tạp. Vì vậy, những khó khăn, thách thức mà DN phải đối mặt cũng đi liền với cơ hội, bài học để hoàn thiện hơn công tác quản trị DN. Bài học không chỉ hiện tại mà còn cho sự phát triển lâu dài của DN.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, hiện vẫn chưa thể xác định được đỉnh dịch COVID-19 cũng như diễn biến sắp tới, đây là điểm khá lúng túng cho toàn bộ hệ thống lãnh đạo thế giới cũng như cả nước. Riêng Thừa Thiên Huế, có bất cứ biến động nào, lãnh đạo tỉnh đều triệu tập họp ngay để ứng phó với dịch.

Liên quan đến kinh tế, dự kiến ngân sách tỉnh sẽ hụt thu 1.000 tỷ trong năm nay, cùng với các lĩnh vực khác, hoạt động của DN sẽ ảnh hưởng lớn.

Trong bối cảnh đó, đã và đang có nhiều mô hình các DN thay đổi theo xu hướng tốt: DN quan tâm hơn đến việc quản trị DN, quản trị rủi ro, từ đó, tạo ra sức “đề kháng” cho DN. Có những DN trước đây hô hào kết nối chia sẻ dùng chung sản phẩm nhưng chưa làm được thì nay đã “ngồi lại” với nhau tìm hướng “vượt khó”, kết nối cộng đồng DN cùng phát triển.

“Tất cả những thách thức sẽ tạo ra sự thiệt hại cho tổng thể nền kinh tế. Nhưng nếu biết ứng xử, sẽ tạo ra lợi ích cho mình. Có thể lợi ích đó nằm ở góc độ kinh tế hay bài học về quản trị… Điều đáng mừng là cộng đồng DN Huế đang nhìn nhận những thách thức này dưới góc độ tương đối lạc quan và tích cực”, ông Định nói.

Về phía tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cũng đã có các cuộc họp với với lãnh đạo các hội, HHDN, sở, ngành; thảo luận riêng với chuyên gia để đưa ra các giải pháp hỗ trợ cho DN cũng như tính chuyện bù đắp hụt thu ngân sách. Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu toàn bộ hệ thống hành chính trong năm 2020 phải cải cách triệt để, làm sao mỗi tháng tỉnh có một dự án, công trình lớn khởi công, danh mục đã có sẵn và phần lớn dự án đều có vốn đầu tư hàng trăm tỷ trở lên.

Đây là nhiệm vụ trước đây tỉnh chưa bao giờ làm được. Nếu chúng ta làm tốt công tác này thì môi trường đầu tư kinh doanh của Thừa Thiên Huế cũng có sự thay đổi.

Trước đây, có nhiều vấn đề DN đề nghị đưa lên, các sở ban ngành giải quyết đủng đỉnh, thậm chí là không thể. Với áp lực hiện nay, ngược lại, những khó khăn đó đều giải quyết được. Tỉnh và chính quyền đang nỗ lực thay đổi. Chúng tôi rất kỳ vọng trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra, kinh tế Thừa Thiên Huế vẫn có sự ổn định, ông Định nói.

Tại hội thảo, ThS. Phạm Phương Trung, Chuyên gia Kinh tế Quốc tế – Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế và chuyên gia kinh tế, chiến lược phát triển DN Trần Sĩ Chương đã có những chia sẻ về tác động kinh tế của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế thế giới và Việt Nam và phương án cho các DN trước đại dịch COVID-19.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Sĩ Chương (ảnh trên) cho rằng, dịch COVID-19 gây ra không chỉ làm thiệt hại to lớn cho nhiều nền kinh tế, làm suy giảm tốc độ tăng trưởng mà còn trực tiếp tác động toàn diện ở tất cả các mặt từ y tế, giao thông, du lịch, giáo dục, thương mại…, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Do là chủng virus mới, chúng ta không thể biết được một ngày nó lây nhiễm bao nhiêu, bao lâu thì hết dịch, trời nắng ấm thì virus có giảm đi không?…với tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến xấu, dự báo khả năng tác động và ảnh hưởng của dịch còn lớn hơn, nghiêm trọng hơn những cuộc khủng hoảng trước. Thay vì hoang mang trước những vấn đề không thể kiểm soát, các DN nên tập trung năng lượng vào những yếu tố chúng ta có thể tác động được để từ đó thay đổi cục diện cho riêng doanh nghiệp, tổ chức mình. Mỗi DN sẽ còn tùy quy mô, ngành nghề, địa phương mà bị ảnh hưởng khác nhau. Tuy chưa thể biết chính xác mức độ ảnh hưởng từ dịch viêm phổi gây chết người và dù ai cũng hy vọng tình hình không đến nỗi tồi tệ, nhưng các DN phải tự suy tính giải pháp cho mình và vẫn rất cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

Chủ tịch HHDN tỉnh Dương Tuấn Anh chia sẻ, với cộng đồng DN Huế, trong đại dịch, các DN ngành du lịch, dịch vụ giao thông vận tải, nông-lâm nghiệp và thuỷ sản, dệt may… là các nhóm DN hiện đang chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp.

Để hỗ trợ DN giảm thiểu thiệt hại, HHDN đề xuất tỉnh nghiên cứu hỗ trợ DN, như: giảm giá tham quan di tích, xem xét miễn giảm lệ phí, thủ tục cho khách quốc tế, cho Quỹ Đầu tư phát triển và Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa nghiên cứu chính sách hỗ trợ DN trong và sau dịch. Đề nghị Chính phủ và ngành ngân hàng nghiên cứu các gói chính sách tín dụng, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ; có chính sách thuế hỗ trợ DN; hỗ trợ giảm chi phí đầu vào, giãn thời gian đóng BHXH…

Đại diện các DN cũng nêu thực tế khi tiếp cận ngân hàng (NH) để được hỗ trợ thì bị từ chối và đề xuất tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ một cách thực tiễn, thực tế cho DN: Cần sự vào cuộc của các NH, nhất là NH Nhà nước và mong tỉnh có buổi làm việc cụ thể với các NH và DN.

Kết luận tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định khẳng định, những đề xuất của cộng đồng DN, nếu thuộc thẩm quyền của tỉnh sẽ cho xử lý ngay. Những vấn đề thuộc thẩm quyền Trung ương sẽ có kiến nghị để có hướng xử lý sớm cho DN.

“Mong các DN chú trọng hơn việc quản trị DN, “bồi bổ” sức khoẻ cho bản thân cũng như DN, xây dựng kịch bản thực sự để có sự chủ động trong bị động, tư duy lại sản phẩm mới, phù hợp với thị trường, xây dựng chiến lược ứng phó sau mùa dịch bệnh… Qua đó, cùng nhau tạo được cộng đồng DN tốt , có sức đề kháng thực sự tốt để vượt qua khó khăn”, ông Phan Thiên Định nói.

Doãn Quan


Tin tức liên quan