Văn hoá xã hội

Tín dụng chính sách cùng người dân thoát nghèo

Phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện các chủ trương trên, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững, trong đó có chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Phong Điền là huyện nằm về phía Bắc tỉnh Thừa Thiên Huế, cách thành phố Huế khoảng 30km, là huyện trải dài từ vùng núi đến vùng đầm phá Tam Giang của tỉnh và được chia thành 3 vùng (vùng gò đồi – miền núi; vùng đồng bằng, cát nội đồng và vùng ven biền, đầm phá). Tổng diện tích tự nhiên của huyện là 953,9 km2, đến cuối năm 2019, tổng dân số là 117.654 người với 28.639 hộ, trong đó: hộ nghèo là 1.271 hộ với 2.799 khẩu, chiếm tỷ lệ 4,44% và hộ cận nghèo là 1.368 hộ với 4.182 khẩu, chiếm tỷ lệ 4,78%. Toàn huyện có 15 xã và 01 thị trấn, trong đó có 07 xã thuộc vùng khó khăn và có 02 bản (Hạ Long, Khe Trăn) tại xã Phong Mỹ thuộc vùng đặc biệt khó khăn.
Trên địa bàn huyện, dân cư sống chủ yếu bằng nghề chăn nuôi (gia súc, gia cầm) và trồng trọt (lúa, sắn, rau, cây ăn quả, cây cao su, keo, tràm...), tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Phần lớn đời sống của các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách còn gặp nhiều khó khăn, tốc độ đô thị hóa ngày càng cao trong khi số lao động không có việc làm, thiếu vốn để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh còn nhiều. Do vậy, nguồn vốn tín dụng chính sách đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc kích thích đầu tư phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu của người dân trong huyện.

Từ nguồn vốn chính sách, người dân đã thoát nghèo

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến với các đối tượng thụ hưởng, ở hầu hết các thôn, bản thuộc 61 tổ chức Hội, đoàn thể cấp xã quản lý. Trong 08 tháng đầu năm (đến 31/08/2020), thông qua các chương trình tín dụng chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giải quyết cho 2.951 lượt khách hàng được vay vốn với số tiền là 111.038 triệu đồng, vốn vay đã giải quyết cho hàng trăm lao động tại địa phương có việc làm; giúp cho nhiều học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được đến trường; giúp nhiều hộ thoát cảnh nghèo; xây dựng, sữa chữa các công trình nước sạch, công trình vệ sinh môi trường; hộ nghèo xây dựng nhà ở kiên cố,… góp phần quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện đã đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tập trung phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện.

Trong 08 tháng đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các lĩnh vực kinh tế – xã hội, trong đó các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác bị ảnh hưởng trực tiếp do hàng hoá sản xuất không tiêu thụ được, hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng vay vốn bị đình trệ. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo chi nhánh NHCSXH tỉnh; của Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện, Phòng giao dịch đã thực hiện tốt một số chỉ tiêu, kế hoạch được giao ngay từ những tháng đầu năm 2020. Cụ thể:

Đến ngày 31/08/2020, tổng nguồn vốn NHCSXH huyện đạt 454.105 triệu đồng, tăng 19.233 triệu đồng (+ 4,4%) so với 31/12/2019. Trong đó, nguồn vốn nhận uỷ thác từ ngân sách của huyện chuyển sang là 7.252 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 1,6% trong tổng nguồn vốn, tăng 600 triệu đồng so với đầu năm.

Tổng dư nợ đến 31/08/2020 là 397.495 triệu đồng của 18 chương trình vay vốn với 10.984 khách hàng còn dư nợ; tăng 14.686 triệu đồng so với đầu năm.

Chất lượng tín dụng tiếp tục được củng cố và duy trì bền vững, tổng số nợ xấu (quá hạn và nợ khoanh) đến 31/08/2020 là 158 triệu đồng, chiếm 0,04% trên tổng dư nợ, giảm 01 triệu dồng so với đầu năm. Việc đôn đốc thu hồi nợ đến hạn luôn dược quan tâm và theo dõi thường xuyên, tỷ lệ thu nợ kỳ cuối luôn đạt tỷ lệ trên 99% nợ phải thu.

Bên cạnh đó, việc ký kết các hợp đồng ủy thác giữa Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với các tổ chức Chính trị - Xã hội nhận ủy thác làm cơ sở cho quá trình phối kết hợp quản lý vốn tín dụng trên địa bàn huyện đã đạt được những thành quả nhất định về phương pháp quản lý và hiệu quả chất lượng tín dụng. Nhờ vậy công tác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn đã đi vào ổn định và từng bước hoàn thiện, thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước về chính sách vay vốn ưu đãi đến tận từng người dân. Dư nợ ủy thác của các tổ chức hội ngày càng tăng, chất lượng ngày càng cao, qui mô cho vay ngày càng được mở rộng. Số dư nợ quản lý của mỗi tổ tăng lên đã đảm bảo thu nhập ổn định từ số tiền hoa hồng được hưởng tính trên số lãi thực thu cho Ban quản lý tổ. Đến 31/08/2020, số tổ Hội đoàn thể đang quản lý là 287 tổ TK&VV, trong đó: Số Tổ tốt là 278 tổ chiếm tỷ lệ 96,9%; số tổ khá là 09 tổ chiếm tỷ lệ 3,1%; không có tổ trung bình và Tổ yếu. Về quy mô Tổ TK&VV: Số thành viên bình quân/tổ là 38 thành viên. Bình quân dư nợ của 01 Tổ TK&VV là 1.357 triệu đồng/Tổ.

Những kết quả đạt được trong 08 tháng đầu năm 2020, đã khẳng định tính hiệu quả trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Ban Đại diện, công tác điều hành của Ban Giám đốc NHCSXH huyện, thể hiện sự nỗ lực cố gắng của toàn thể cán bộ, viên chức toàn đơn vị trong việc thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững của huyện giai đoạn 2016 - 2020.

Bài, ảnh: Xuân Trung

 


Tin tức liên quan