Văn hoá xã hội

Thành phố Huế sẽ được mở rộng gấp 4 lần từ ngày 01/7/2021

Sáng 27/04, tại phiên họp thứ 55 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định việc điều chỉnh địa giới để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

 
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh địa giới để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế

 

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh địa giới để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp,thành lập các phường thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định sự cần thiết điều chỉnh địa giới để mở rộng thành phố Huế. Đây là đô thị di sản, cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa nhưng hiện nay có quy mô diện tích quá nhỏ so với tốc độ phát triển đô thị, mật độ dân số toàn đô thị cao (7.222 người/km2), hạ tầng xã hội khu vực trung tâm đang quá tải, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. Một số tiêu chuẩn của đô thị đạt vượt trội so với quy định.

Việc mở rộng thành phố Huế là một bước cụ thể hóa Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên Huế và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 649/QĐ-TTg ngày 06/5/2014.

 

 
Toàn cảnh phiên họp thứ 55 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
 

Về kết quả sau khi điều chỉnh địa giới để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế không thay đổi về diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện nhưng giảm số đơn vị hành chính cấp xã từ 145 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 141 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 03 xã và 01 thị trấn).

Thành phố Huế có 265,99 km2 diện tích tự nhiên, dân số 652.572 người; có 36 đơn vị hành chính cấp xã gồm 29 phường và 07 xã (tăng 09 đơn vị hành chính cấp xã).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng khẳng định sự cần thiết phải sắp xếp các phường thuộc thành phố Huế cũng như thành lập các phường thuộc thành phố Huế. Bộ trưởng cho biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố Huế vẫn còn một số phường có diện tích khá nhỏ (dưới 50% tiêu chuẩn); không gian phát triển bị chia cắt, gây khó khăn, cản trở trong công tác lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế - xã hội cũng như quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng; nguồn lực cho phát triển bị phân tán, nhất là trong điều kiện đẩy mạnh phân cấp, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho chính quyền địa phương. Việc sắp xếp sáp nhập một số phường thuộc thành phố Huế có diện tích tự nhiên nhỏ là cần thiết nhằm tinh gọn bộ máy, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.

Thị trấn Thuận An và các xã Phú Thượng, Hương Vinh, Thủy Vân là điểm nút giao thông quan trọng, có lợi thế phát triển thương mại - dịch vụ, có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng hiện đại, đồng bộ với tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, mô hình chính quyền nông thôn không còn phù hợp. Từ thực tế đó, việc thành lập các phường trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và dân số của các xã và thị trấn nêu trên là cần thiết nhằm tổ chức bộ máy chính quyền phù hợp trong quản lý điều hành và phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong Đề án đã có phương án cụ thể về việc bố trí sắp xếp cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và giải quyết dôi dư khi thực hiện sắp xếp.

 Về công an xã chính quy, trên địa bàn các xã, thị trấn dự kiến thành lập phường đã được bố trí lực lượng công an chính quy nên khi các xã, thị trấn trở thành phường thì công an các phường sẽ sử dụng từ lực lượng công an chính quy của các xã, thị trấn này, nên không làm tăng thêm biên chế của công an tỉnh.

Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị thẩm định hồ sơ Đề án. Tại Hội nghị thẩm định, các thành viên Hội đồng đã thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; đồng thời đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế bổ sung, hoàn thiện hồ sơ Đề án.

Hồ sơ, thủ tục xây dựng Đề án đã đáp ứng đủ theo quy định, Đề án đã được lấy ý kiến cử tri, kết quả được đa số cử tri tán thành. Đề án đã được HĐND các cấp có liên quan của tỉnh Thừa Thiên Huế nhất trí, tán thành.

Căn cứ quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra Đề án điều chỉnh địa giới để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. 


 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra Đề án điều chỉnh địa giới để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết của việc điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế và việc sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế. Việc điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế là một bước quan trọng trong tiến trình cụ thể hóa nhiệm vụ xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị. Đồng thời, Nghị quyết số 54-NQ/TW cũng yêu cầu phải “hoàn thành việc mở rộng thành phố Huế theo quy hoạch trước năm 2022”.

Quá trình chuẩn bị Đề án đã bảo đảm các trình tự, thủ tục theo đúng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết số 653 và Nghị quyết số 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hồ sơ Đề án đã được chuẩn bị nghiêm túc, đầy đủ, đúng quy định của pháp luật.

Về việc sắp xếp các phường thuộc thành phố Huế, Ủy ban Pháp luật tán thành phương án sắp xếp 09 phường thuộc thành phố Huế để thành lập 05 phường, qua đó giảm được 04 phường. Các đơn vị hành chính (ĐVHC) sau khi sắp xếp tuy chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên nhưng Đề án đã có giải trình về lý do không thể tiếp tục sắp xếp với ĐVHC thứ ba liền kề. Các nội dung giải trình của Chính phủ về cơ bản là hợp lý, thuyết phục và phù hợp với các quy định của pháp luật.

Về các tiêu chuẩn của thành phố Huế sau khi mở rộng, căn cứ quy định của Nghị quyết số 1211 về tiêu chuẩn của ĐVHC và Nghị quyết số 1210 về phân loại đô thị, Ủy ban Pháp luật nhận thấy thành phố Huế (mở rộng) bảo đảm 05/05 tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, ĐVHC trực thuộc, phân loại đô thị và cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định.

Đối với các huyện, thị xã có liên quan đến việc điều chỉnh địa giới hành chính, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, mặc dù thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và huyện Phú Vang sau khi điều chỉnh một phần địa giới về thành phố Huế thì đều chưa đạt 100% các tiêu chuẩn của ĐVHC (về quy mô dân số, diện tích tự nhiên và số ĐVHC trực thuộc) nhưng việc điều chỉnh địa giới hành chính của các ĐVHC theo Đề án không làm tăng thêm ĐVHC mới nên căn cứ vào quy định tại khoản 3 Điều 31 của Nghị quyết số 1211 thì không phải tính đến các tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên và số lượng ĐVHC trực thuộc. Đồng thời, sau khi điều chỉnh địa giới hành chính thì không có ĐVHC nào có liên quan có cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết số 1211 nên không thuộc diện buộc phải sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 theo quy định của Nghị quyết số 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đối với việc thành lập 04 phường thuộc thành phố Huế, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, theo Tờ trình và Đề án, đối chiếu với quy định tại Điều 8 của Nghị quyết số 1211, 04 xã, thị trấn được đề nghị thành lập phường của thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế đã bảo đảm 04/04 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội và trình độ phát triển cơ sở hạ tầng theo quy định.

Ủy ban Pháp luật tán thành với đề xuất của Chính phủ trình UBTVQH xem xét, quyết định việc điều chỉnh mở rộng thành phố Huế với phạm vi như trong Tờ trình và Đề án. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xác định rõ lộ trình, thời hạn hoàn thành việc triển khai các công tác quy hoạch nêu trên đối với thành phố Huế và phải bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch để có cơ sở cho việc theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả quá trình thực hiện.

Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan trình Đề án giải trình, bổ sung một số nội dung về phương án, kế hoạch, lộ trình sắp xếp các đơn vị hành chính chưa đạt tiêu chuẩn của thành phố Huế; về các biện pháp đầu tư, tăng cường chất lượng đô thị đối với 04 phường dự kiến thành lập để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân sinh sống trên địa bàn và bảo đảm phát triển tương xứng với vị thế và vai trò như đã nêu trong Đề án và phương án, kế hoạch, lộ trình sắp xếp các ĐVHC cấp huyện chưa đạt 100% tiêu chuẩn của ĐVHC trong giai đoạn 2022-2030 theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và việc đầu tư, xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng của các ĐVHC nói trên đặt trong tổng thể đề án xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính, sắp xếp và thành lập các phường thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế với những nội dung như đã nêu trong Tờ trình, Đề án và Báo cáo giải trình của Chính phủ.

Ủy ban Pháp luật đề nghị xác định thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết là từ ngày 01/7/2021 (dự thảo Nghị quyết do Chính phủ trình chưa xác định thời điểm Nghị quyết có hiệu lực thi hành) để các cơ quan, tổ chức và địa phương kịp thời kiện toàn tổ chức, thay đổi con dấu, đáp ứng các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của đơn vị hành chính mới và không làm ảnh hưởng đến công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026./.

Theo CTTĐT Quốc hội Việt Nam


Tin tức liên quan