Hoạt động ủy thác giữa Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện Phong Điền và các hội, đoàn thể, gồm: hội nông dân, hội LHPN, hội cựu chiến binh và đoàn thanh niên trên địa bàn thời gian qua đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội, cùng chung tay giúp đỡ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, qua đó tạo sinh kế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Vốn tín dụng chính sách hỗ trợ các đối tượng chính sách vượt khó
Năm 2012, anh Nguyễn Hữu Nghĩa ở thôn Đại Phú, xã Phong Chương được Xã đoàn bình xét, tín chấp vay vốn NHCSXH huyện Phong Điền thông qua kênh Thanh niên lập nghiệp với số tiền 20 triệu đồng. Từ số tiền này và nguồn tích góp, anh Nghĩa đầu tư chăn nuôi gà.
Đến năm 2017, sau khi trả hết nợ ngân hàng, anh Nghĩa mạnh dạn đăng ký vay vốn theo dự án nhóm hộ với số tiền 195 triệu đồng để tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình chăn nuôi gà, lợn, cá... Sau mỗi năm anh Nghĩa lại thu lãi từ 100 -150 triệu đồng. Theo anh Nghĩa, nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội qua kênh Xã đoàn đã tiếp thêm cho tôi nguồn vốn để hiện thực hóa các dự định phát triển kinh tế. Các cán bộ tín dụng, các tổ chức xã hội cũng thường xuyên động viên, hỗ trợ tư vấn kỹ thuật… Nhờ đó, đến nay tôi đã phát triển được 2 trang trại gà với số lượng 15.000 con gà giống và gà thịt, 3 bể nuôi cá lóc và 1 bể nuôi cá chình với tổng diện tích 2.520m2, thị trường tiêu thụ ngày một ổn định.
Không riêng gì anh Nghĩa mà rất nhiều hộ chính sách tại Phong Điền nhận trợ lực của dòng vốn chính sách qua kênh hội đoàn thể.
Theo ông Lê Xuân Trung, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Phong Điền, xác định tổ TK&VV có vai trò quan trọng trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội, những năm qua, NHCSXH huyện Phong Điền đã cùng chính quyền địa phương và 4 tổ chức hội, đoàn thể mở rộng mạng lưới hoạt động đến tận các thôn, bản, cụm dân cư. Nhờ đó, các hộ nghèo và đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn vay ngày càng tăng lên, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện.
Hoạt động của các tổ TK&VV đã tác động tích cực đến nhận thức của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp họ vươn lên, tạo được tính cộng đồng, có sự tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong tổ. Đồng thời, các tổ TK&VV còn là kênh dẫn vốn trực tiếp, hiệu quả đến tận cơ sở, giúp NHCSXH chuyển tải nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng và thực hiện một số công việc được NHCSXH ủy nhiệm, như: họp bình xét cho vay; giám sát việc sử dụng vốn vay; theo dõi, đôn đốc người vay trả nợ khi đến hạn; tuyên truyền, vận động tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm, nhằm tạo thói quen tiết kiệm tích lũy trả dần nợ gốc; thực hiện thu lãi, thu tiết kiệm theo định kỳ hàng tháng; phối hợp xử lý nợ tồn đọng, nợ rủi ro... hiệu quả.
Tính đến 31/12/2020, trên địa bàn huyện có 287 tổ TK&VV đang hoạt động với tổng dư nợ ủy thác đạt 404.634 triệu đồng. Để nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV, thời gian qua, NHCSXH huyện luôn phối hợp với chính quyền địa phương, hội, đoàn thể các cấp thường xuyên rà soát, đánh giá, xếp loại để có kế hoạch củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV. Qua đánh giá có 258 tổ xếp loại tốt, 29 tổ xếp loại khá, không có tổ xếp loại trung bình và yếu. Việc các tổ TK&VV hoạt động hiệu quả, góp phần giải ngân kịp thời các chương trình tín dụng chính sách đã hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh cho hàng trăm nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Quốc Tuấn