Trang chủ

Nâng cao hiệu quả đào tạo lao động gắn với nhu cầu doanh nghiệp

Phát biểu tại hội thảo, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, cho biết, hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng nhằm tạo diễn đàn trao đổi giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp và tổ chức xã hội nghề nghiệp để đưa ra các giải pháp hiệu quả đẩy mạnh việc gắn kết doanh nghiệp và cơ sở đào tạo trong công tác xác định ngành, nghề đào tạo nâng cao chất lượng đào tạo nghề hướng đến mục tiêu đáp ứng nhu cầu lao động cung ứng cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình mong muốn từ hội thảo này, các đại biểu sẽ có những ý kiến đóng góp xuất phát từ thực tiễn, thực trạng trong công tác đào tạo lao động trên các lĩnh vực, các ngành nghề, bằng nhiều hình thức khác nhau đã có những thuận lợi gì hay những khó khăn bất cập, hạn chế nào mà trong quá trình triển khai thực hiện gặp phải vướng mắc; để từ đó có các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp nhận lao động vào đào tạo nghề và giải quyết việc làm, hoặc những cơ chế phối hợp, hợp tác đồng bộ giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo trong đào tạo nghề hiện nay...,

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, nhấn mạnh các cấp, ngành, doanh nghiệp cần tạo nên những chính sách hỗ trợ hấp dẫn cho người lao động, thông tin kịp thời nhu cầu tuyển dụng đến họ. Các cơ sở đào tạo nghề tập trung nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp để hạn chế việc tái đào tạo đối với người lao động khi được nhận làm việc tại doanh nghiệp. Các sở, ban, ngành liên quan phải khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu về sử dụng lao động để giúp doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, lãnh đạo, chủ doanh nghiệp và đại diện cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã cùng nhau chỉ ra những hạn chế của nguồn nhân lực tại địa phương như tỉ lệ lao động được đào tạo nghề còn thấp, đội ngũ lao động “chất xám” còn thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng, tác phong cùng kỉ luật lao động bị đánh giá thấp, kĩ năng làm việc của sinh viên chưa cao… Các đại biểu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo nghệ nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay. Thời gian tới, cần tạo điều kiện cho học viên được thực tập, học việc tại doanh nghiệp; cơ sở giáo dục thu hút hợp tác chuyên gia, người có kinh nghiệm và kỹ năng cao trở thành giảng viên đào tạo.

Theo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, tạo gắn kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo và sản xuất kinh doanh. Tạo cơ chế về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp nhận lao động, trực tiếp tham gia đào tạo nghề và giải quyết việc làm, hoặc áp dụng các cơ chế phối hợp, hợp tác đồng bộ giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo trong đào tạo nghề hiện nay. Trong đó: Tăng cường gắn kết chặt chẽ 3 “Nhà”: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công cho người lao động dựa trên kỹ năng và năng lực hành nghề; ưu tiên tuyển dụng, sử dụng người lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của pháp luật.  Hỗ trợ phát triển dịch vụ giới thiệu việc làm ở khu vực tư nhân thông qua hỗ trợ kết nối các đơn vị đào tạo trong tỉnh với các doanh nghiệp trên địa bàn bằng các hình thức: Tổ chức các chương trình về nhân lực, hội nghị, hội thảo về giáo dục nghề nghiệp, chương trình tập sự,…

Tổng Giám đốc Công ty Scavi Huế Trần Văn Mỹ (một trong những doanh nghiệp FDI lớn tại Thừa Thiên Huế) cho rằng, vấn đề phát triển chất lượng nguồn nhân lực tại doanh nghiệp FDI ở Thừa Thiên Huế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa mạnh mẽ, quá trình mở cửa hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện tại. Để phát triển chất lượng nguồn nhân lực tại Thừa Thiên Huế đáp ứng yêu cầu mới của xã hội, doanh nghiệp hiện nay, chúng ta cần có những giải pháp đồng bộ, trong đó cần tập trung thực hiện các giải pháp đột phá liên quan đến liên kết, hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp FDI, có cơ chế thúc đẩy sự chủ động và tham gia tích cực của các bên. Khi có được một nguồn cung ứng nhân lực đủ cả chất và lượng, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp FDI tại Thừa Thiên Huế cũng sẽ được nâng cao đáng kể, đồng thời giúp tỉnh nhà thu hút thêm nhiều doanh nghiệp FDI khác đến đầu tư.

Qua những phân tích, thảo luận, các đại biểu đã chỉ ra quan điểm mối quan hệ gắn kết bền vững giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc đào tạo và nâng cao chất lượng sản phẩm đào tạo của các cơ sở đào tạo đồng thời là nguồn nhân lực chất lượng đầu vào của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các đơn vị này cũng cần tạo môi trường để nguồn nhân lực được phát triển năng lực, kĩ năng, chuyên môn, ngoại ngữ đáp ứng xu thế môi trường kinh doanh hiện nay. Nhằm tiến tới hoàn thiện khung đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 17-NQ/TU về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu chung là “Xây dựng, phát triển nguồn nhân lực tỉnh Thừa Thiên Huế bảo đảm quy mô, cơ cấu, chất lượng cao, dựa trên các yếu tố cơ bản là trí lực, thể lực, kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức. Hình thành đội ngũ chuyên gia, cán bộ khoa học - công nghệ hàng đầu ở tầm quốc gia, các nghệ nhân, doanh nhân giỏi trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn và lợi thế; phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề cao, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, công chức quản lý hành chính chuyên nghiệp... đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội Thừa Thiên Huế nhanh và bền vững, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”.

Toàn cảnh hội thảo

 Theo CTTDT Thừa Thiên Huế


Tin tức liên quan