Trang chủ

Cần xác định lại vị trí của Huế trong bản đồ thu hút đầu tư nước ngoài

Không chỉ đóng góp lớn cho tăng trưởng, khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) còn tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại; đẩy mạnh xuất khẩu, đóng góp vào thặng dư cán cân thương mại; phát triển nguồn nhân lực và tạo việc làm... Tuy nhiên, Thừa Thiên Huế vẫn chưa tạo ra được dấu ấn trong bản đồ thu hút FDI cả nước cũng như khu vực miền Trung.

Luôn "mở cửa"

Thu hút đầu tư FDI có ý nghĩa khá toàn diện không chỉ trong thúc đẩy tăng trưởng mà còn góp phần quan trọng trong giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, thúc đẩy chuyển giao công nghệ. Nhìn từ góc độ kinh tế, năm 2022, khu vực FDI đã đóng góp hơn 12% GRDP, chiếm trên 25%/năm tổng thu ngân sách địa phương. Cụ thể, hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh thu của khối FDI trong năm ước đạt 1.450 triệu USD; giá trị xuất khẩu ước đạt 784 triệu USD; nộp ngân sách 3.350 tỷ đồng; giải quyết 22.500 lao động.

Bên cạnh những đóng góp trực tiếp, khu vực đầu tư nước ngoài còn có tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác. Trong đó, việc khơi dậy các nguồn lực đầu tư, tạo sức ép cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất; phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, góp phần đưa Việt Nam nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng từng bước tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Có lẽ vì thế, thu hút FDI luôn là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược xúc tiến đầu tư của tỉnh.

Ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư từng nhấn mạnh, thu hút FDI là một trong những ưu tiên hàng đầu của Thừa Thiên Huế. Và hoạt động xúc tiến đầu tư khu vực này cũng đang được hướng vào các lĩnh vực trọng tâm, trên cơ sở xác định lĩnh vực mũi nhọn, lợi thế của tỉnh, các ngành góp phần nâng cao nguồn thu của tỉnh. Tỉnh sẽ đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường; sản xuất thiết bị y tế, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, du lịch chất lượng cao, dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hiện đại khác; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0.

Dự án Trung tâm Thương mại Aeon Mall là một trong những dự án lớn

Ngoài ra, để đảm bảo chuyển đổi phát triển năng lượng xanh, sạch nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050, tỉnh cũng ưu tiên kêu gọi đầu tư các nguồn năng lượng sạch, tái tạo như: điện gió, điện mặt trời, điện khí… để phát triển các nguồn năng lượng sạch, tái tạo hướng đến phát triển đô thị xanh, không gian khu công nghiệp xanh và bền vững.

Cải thiện môi trường đầu tư

Mặc dù có những ưu tiên nhất định trong chính sách cũng như ưu đãi đầu tư dành riêng cho khu vực FDI, song thực tế tình hình thu hút đầu tư thời gian qua chưa như kỳ vọng. Đến cuối tháng 10, Thừa Thiên Huế chỉ cấp mới cho 19 dự án, với tổng vốn đầu tư đạt 5.070 tỷ đồng, trong đó có 6 dự án FDI vốn đăng ký 41 triệu USD tương đương 964 tỷ đồng. Trong khi đó, một số địa phương có tiềm năng tương đương, tình hình thu hút đầu tư FDI có nhiều bước chuyển biến tích cực như: Nghệ An thu hút gần 1,2 tỷ USD, Quảng Ngãi thu hút hơn 200 triệu USD và Đà Nẵng là 181 triệu USD.

Ngoài số vốn thu hút khiêm tốn, các dự án FDI đầu tư vào Thừa Thiên Huế không quá nổi bật, các dự án có nguồn vốn trên 100 triệu USD khá hiếm. Trong 3 năm nay, hầu như chỉ có dự án Trung tâm Thương mại Aeon Mall với số vốn đầu tư 169,67 triệu USD, còn lại là các dự án có vốn nhỏ và siêu nhỏ, chưa có dự án sản xuất đóng góp ngân sách và xuất khẩu nổi bật.

Vì sao thu hút đầu tư vào Thừa Thiên Huế vẫn chưa thật sự nổi bật là câu hỏi được đặt ra tại nhiều diễn đàn, hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI.

Là một nhà đầu tư cũng là người gắn bó với Huế, ông Trần Văn Mỹ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ FDI, Tổng Giám đốc Công ty Scavi Huế chia sẻ, các nhà đầu tư, đặc biệt là doanh nghiệp FDI luôn cần các thủ tục hành chính đơn giản, nhanh, minh bạch, cắt giảm tối đa giao dịch trực tiếp. Mặc dù, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những nền tảng cơ bản trong việc cải cách thủ tục hành chính công, các dự án đô thị thông minh, nhưng các thủ tục liên quan đến quy trình thẩm duyệt, cấp phép đầu tư, cấp phép xây dựng, phòng cháy, chữa cháy vẫn gây khó cho nhà đầu tư.

Vì thế, tỉnh nên đặt ra các mục tiêu rút ngắn hơn nữa thời gian xử lý, cấp phép cho các cơ quan, ban ngành liên quan để trở thành một điểm sáng trong cả nước về tốc độ, đáp ứng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI. Ngoài ra, để tạo nên đột phá đi trước một bước trong thu hút FDI so với các địa phương khác, Thừa Thiên Huế cần tạo ra các chính sách hỗ trợ đặc biệt, ưu đãi trực tiếp về tài chính thông qua các dự án tài trợ trực tiếp hoặc thuế cho các doanh nghiệp đi theo các mô hình sản xuất xanh, phát triển xanh. Tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp theo hướng khu công nghiệp xanh, sẵn sàng các nguồn cung năng lượng tái tạo theo các tiêu chí của Mỹ và châu Âu.

Những đề xuất này đã và đang được Thừa Thiên Huế tập trung cải thiện khá hiệu quả trong năm 2023. Thông qua hoạt động của 4 tổ công tác do Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng nhiều vướng mắc đã được tháo gỡ kịp thời, tiến độ một số dự án được đẩy nhanh. Có thể nhìn vào những bước chuyển trong giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua để “ghi nhận” những nỗ lực của Thừa Thiên Huế trong thúc đẩy đầu tư. Khi đến cuối tháng 10, tỷ lệ giải ngân vốn trên địa bàn đã đạt 69%, xếp thứ 10/63 tỉnh thành và thuộc nhóm có tỷ lệ giải ngân cao cả nước.

Cùng với những bước đi trong đầu tư, Thừa Thiên Huế cũng đang phát triển theo định hướng Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Theo đó, nhiều công trình hạ tầng quan trọng được đầu tư như: nâng cấp nhà ga Sân bay Quốc tế Phú Bài với khả năng đón 5 triệu lượt khách/năm; đầu tư hoàn thành đê chắn sóng cảng Chân Mây; cấp phép đầu tư dự án bến số 4, 5 cảng Chân Mây, tăng khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp và tàu container đến 4.000 TEU đáp ứng nhu cầu về vận chuyển hàng container trong giai đoạn sắp tới... được xem là điểm cộng trong lựa chọn đầu tư của các doanh nghiệp FDI.

Những điều chỉnh trong công tác xúc tiến cũng như hỗ trợ doanh nghiệp, đầu tư hạ tầng thời gian qua, mở ra kỳ vọng mới trong công tác thu hút FDI năm 2024 và những năm tiếp theo.

Tại buổi gặp mặt doanh nghiệp mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương khẳng định, tỉnh sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng xử lý triệt để các vướng mắc cho từng dự án, hoàn tất các thủ tục nhanh nhất có thể, nhanh chóng đưa các dự án vào hoạt động, gia tăng đóng góp cho phát triển kinh tế. Cùng với đó, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao… Đồng thời, Thừa Thiên Huế cũng mong muốn, cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay với địa phương trong xúc tiến đầu tư, là "sợi dây" nối kết lãnh đạo tỉnh với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Từ đó góp phần thúc đẩy hoạt động đầu tư trên địa bàn ngày càng có những chuyển biến tích cực.


Tin tức liên quan