Sáng 20/4, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức chương trình Cafe doanh nhân với chủ đề “Quản trị chiến lược – La bàn dẫn lối cho doanh nghiệp” với sự tham dự và chia sẻ của TS. Nguyễn Chí Bình - Tổng quản lý Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực khu vực Châu Á của Công ty Caterpillar Hoa Kỳ, Giảng viên cao học: Đại học FPT, Michigan, Việt Đức và gần 150 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo TS. Nguyễn Chí Bình, Quản trị chiến lược có vai trò quan trọng hàng đầu trong bất kỳ tổ chức nào. Chiến lược giúp tổ chức giải quyết vấn đề thách thức nhất của tổ chức bằng cách tập trung nguồn lực có trọng tâm, lựa chọn những vấn đề cơ hội và ưu tiên nhất, đổi mới mô hình kinh doanh, phát triển sản phẩm mới, cải tiến các hoạt động của tổ chức, tạo ra lợi thế cạnh tranh, duy trị và tạo ra các giá trị phù hợp với tầm nhìn và sứ mệnh của tổ chức.
Theo thống kê mới nhất, phần lớn các công ty, doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay, thường bị cuốn vào vòng xoáy của công việc phát sinh hàng ngày. Cụ thể là những công việc liên quan đến sản xuất hoặc mua hàng, tìm kiếm khách hàng, bán hàng, giao hàng, thu tiền, quản lý hàng tồn, công nợ… Hầu hết những việc này được giải quyết theo yêu cầu phát sinh, xảy ra đến đâu, giải quyết đến đó, chứ không hề được hoạch định một cách bài bản, hay quản lý một cách có hệ thống và đánh giá hiệu quả một cách khoa học.
Việc thực hiện theo cách đến đâu tính đến đó, đã chiếm hết thời gian của các cấp quản lý nhưng vẫn bị rối và luôn ở tình trạng bị động. Quản trị viên cấp cao, nhất là các giám đốc điều hành, thường bị công việc phát sinh “dẫn dắt” đến mức không biết phải làm thế nào cho đúng và phù hợp.
Nếu không có quản trị chiến lược, doanh nghiệp chẳng khác gì những người đi trong rừng, không có định hướng rõ ràng, chỉ thấy ở đâu có lối thì đi, khiến việc càng đi càng bị lạc hướng. Vậy nên, việc đưa ra quản trị chiến lược sẽ giúp tổ chức, doanh nghiệp xác định rõ ràng mục tiêu, hướng đi, vạch ra các con đường hợp lý và phân bổ các nguồn lực một cách tối ưu để đảm bảo đi đến mục tiêu đã định trong khoảng thời gian cho phép.
Thông thường, mục tiêu của tổ chức, doanh nghiệp được xác định dựa trên cơ sở các phân tích cẩn trọng và khoa học về tình hình thị trường, khách hàng, xu thế tiêu dùng, đối thủ cạnh tranh, sự thay đổi về công nghệ, môi trường pháp lý, tình hình kinh tế xã hội, cùng những điểm mạnh, điểm yếu, các cơ hội và nguy cơ xuất phát có từ bên ngoài hay chính bên trong doanh nghiệp.
Cũng theo TS. Bình, mục tiêu của tổ chức, doanh nghiệp cũng bắt nguồn từ sứ mệnh, tầm nhìn và các giá trị cốt lõi của tổ chức, doanh nghiệp. Sự kết hợp giữa điều muốn và việc có thể làm, thông qua các phân tích khoa học sẽ giúp tổ chức không lún sâu vào những ảo tưởng vô căn cứ hay ngược lại bỏ lỡ cơ hội phát triển do dựa vào những tiêu chí đã đặt ra ban đầu.