Quản trị doanh nghiệp

Khi doanh nghiệp và trường nghề liên kết

Khi doanh nghiệp và trường nghề liên kết

Ngày cập ngày: 24/11/2010 02:20 PM

“Cực chẳng đã khi mới cầm tấm bằng nghề trong tay lại phải đi học theo yêu cầu của doanh nghiệp. Đồng nghĩa với việc mất thời gian, thu nhập và cả công sức suốt thời gian dài”. Nỗi trăn trở lo âu ấy của người lao động sẽ được giải toả khi doanh nghiệp và nhà trường liên kết.

Một thực tế khiến các doanh nghiệp kêu ca là nhận người lao động (NLĐ) có bằng nghề hẳn hoi nhưng vào làm dăm bữa, nửa tháng phải đào tạo lại. Thế nên, doanh nghiệp sử dụng lao động qua đào tạo thường để giải quyết khâu trước mắt chứ không nghĩ đến quy hoạch lâu dài, dẫn đến tình trạng lao động tuyển vào nhiều và xin đi cũng nhiều. Trong khi đó, đào tạo nghề được xuất phát từ điều kiện sẵn có của nhà trường chứ chưa gắn với nhu cầu của doanh nghiệp. Hệ quả là ở nhiều ngành nghề, nhân công không phát triển được, doanh nghiệp luôn than thiếu trong khi người học nghề lại không vào được doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo tiết lộ của một số doanh nghiệp, việc các doanh nghiệp tự đứng ra tuyển, đào tạo lao động thì  kinh phí đào tạo sẽ rất tốn kém. “Vấn đề chúng ta cần làm là phải có sự liên kết giữa doanh nghiệp, trường nghề và cả người lao động để gây hứng thú cho cả 3 bên. Không việc gì phải lãng phí thời gian, tiền bạc của ai khi đã đào tạo nghề rồi còn đào tạo lại”. Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Hùng Phát cho biết. 

Liên kết sẽ không làm lãng phí thời gian, công sức của NLĐ

Tâm lý của nhiều học viên là đã cầm bằng nghề mà tự đi xin việc thì quả là khó khăn. Thế nên, tại các trường nghề, thắc mắc đầu tiên của người học khi đăng ký là có tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Việc này đòi hỏi các trường, trung tâm dạy nghề phải có sự phối hợp linh hoạt với doanh nghiệp, có sự hậu thuẫn của cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo chính sách dạy nghề, thực hành nghề phù hợp nhất với lao động. Khi doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề không những người lao động được hưởng lợi mà chính các doanh nghiệp, các trung tâm dạy nghề cũng được hưởng lợi. Tuy nhiên, thời gian của một khoá học chỉ là 3 tháng nên chỉ có thể dạy theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” chứ không thể đi vào dạy chi tiết được. Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, các trung tâm dạy nghề đào tạo kiến thức cơ  bản (2-3 tháng), sau đó các doanh nghiệp tổ chức cho lao động thực hành tay nghề. Việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp còn được thực hiện trên phương diện đưa học sinh về thực tập tại doanh nghiệp, sau khi tốt nghiệp họ có cơ hội về làm việc tại các đơn vị đó. Với những hợp tác “mật thiết” hơn, có một số doanh nghiệp đến tận trường để tuyển công nhân.
 
Hiện nay, theo xu hướng chung, các trường có mong muốn liên kết với doanh nghiệp theo hình thức doanh nghiệp cung cấp, tài trợ một phần kinh phí đào tạo thông qua trang thiết bị máy móc, học bổng hoặc tham gia xây dựng chương trình phù hợp với ngành nghề sản xuất, kinh doanh và nhu cầu phát triển của doanh nghiệp, hạn chế việc đào tạo lại. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được nên chỉ tiến hành tuyển công nhân, sau đó gửi vào trường đào tạo thêm nhưng học phí do người lao động đóng. Một doanh nghiệp ở khu công nghiệp Phú Bài cho rằng: “Khi chúng tôi tuyển dụng lao động, hầu hết các lao động này chưa thể tiếp cận được công việc, nhất là lao động kỹ thuật tại các phân xưởng nên phải mất thời gian đào tạo lại. Tuy nhiên, đối với những lao động mà doanh nghiệp đặt hàng, ký kết đào tạo với trường nghề thì các em đều đáp ứng được yêu cầu vì quá trình đào tạo có sự tham gia hướng dẫn của doanh nghiệp. Các em sẽ có điều kiện bám sát thực tế tại nhà máy”.
 
Theo chúng tôi được biết, Trường trung cấp nghề Hương Trà nhận nhiều hợp đồng từ các doanh nghiệp tư nhân đến đặt hàng để đào tạo nghề thợ nề, nghề hàn công nghệ cao, nghề giày da. Rõ ràng, người lao động sẽ được nâng cao năng lực trong cách quản lý, được trang bị tác phong công nghiệp, nắm bắt rõ về Luật Lao động… với mức học phí khá mềm (khoảng 350.000/người/khoá học). Cái lợi ở đây là nhà trường biết được chương trình, yêu cầu của doanh nghiệp cần đào tạo cái gì, số lượng như thế nào để thích ứng với việc sản xuất của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Thanh Minh, Hiệu phó Trường trung cấp nghề Thừa Thiên Huế cho biết: Mới đây các doanh nghiệp đến đặt vấn đề trường đào tạo cho khoảng 300 công nhân làm nghề mộc mỹ nghệ; ngành thiết kế thời trang, may công nghiệp… Doanh nghiệp và nhà trường đã có sự thống nhất trong chương trình đào tạo để có sự điều chỉnh phù hợp giữa hai bên.
 
Sự kết nối giữa trường nghề và doanh nghiệp sẽ giúp các nhà đầu tư không còn lúng túng, lo ngại về nguồn nhân lực trong tương lai. Hơn nữa, liên kết đào tạo giữa các cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp sẽ rút ngắn được sự chênh lệch giữa đào tạo và thực tế. Đồng thời, nâng cao tay nghề, chất lượng lao động cho chính đơn vị sử dụng lao động.
 
Bài, ảnh: Huế Thu
ngionBaothuathienhue


Tin tức liên quan