Thông tin đầu tư

Đến năm 2020: Phú Lộc trở thành đô thị hiện đại, sinh thái, công nghệ cao
Đến năm 2020: Phú Lộc trở thành đô thị hiện đại, sinh thái, công nghệ cao

Cập nhật 24/11/2010 11:09 SA

 
Lăng Cô - 1 trong 30 vịnh biển đẹp thế giới

UBND tỉnh vừa có Quyết định số 2155/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Phú Lộc đến năm 2020 với mục tiêu tổng quát là xây dựng Phú Lộc trở thành trung tâm phát triển kinh tế mạnh của tỉnh Thừa Thiên Huế; một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của Tỉnh, của vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực miền Trung. Đến năm 2020, đầu tư phát triển Phú Lộc trở thành một đô thị hiện đại, sinh thái, công nghệ cao với trung tâm là đô thị Chân Mây - Lăng Cô.

Phấn đấu mức tăng trưởng giá trị gia tăng sản xuất kinh doanh (VA-GDP) 19-21% thời kỳ 2011-2015 và 17-18% thời kỳ 2016-2020. Cơ cấu kinh tế đến năm 2015 dịch vụ chiếm 62%, công nghiệp - xây dựng chiếm 28%, nông lâm ngư 10%; đến năm 2020, tỷ trọng tương ứng là 68,4% - 24,6% - 7,0%. Giá trị gia tăng bình quân đầu người (giá hiện hành) năm 2015 đạt 51,5 triệu đồng, năm 2020 đạt 136,8 triệu đồng/năm. Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 19-20%/năm. Tỉ lệ phát triển dân số tự nhiên năm 2015 đạt 0,9%, năm 2020 duy trì ở mức 0,8%. Giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2015 còn 4,85%, năm 2020 còn 2-3% (theo tiêu chí thời kỳ 2006-2010). Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50 - 55% vào năm 2015 và 60 - 65% vào năm 2020. Giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 2,4% năm 2020. Phấn đấu đạt phổ cập trung học phổ thông vào năm 2020. Giảm tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn dưới 12% năm 2015 và 7% vào năm 2020. Tỉ lệ hộ dùng nước sạch năm 2015 đạt 95%, năm 2020 đạt 100%. Đến năm 2020, cơ bản hoàn thành xây dựng và nâng cấp hệ thống thoát  nước ở các thị trấn, khu đô thị Chân Mây; thu gom 100% rác thải sinh hoạt đô thị; quản lý, xử lý 100% chất thải công nghiệp nguy hại, chất thải y tế; 100% các khu, cụm công nghiệp, làng nghề được xử lý nước thải, thu gom và xử lý chất thải rắn. Nâng độ che phủ rừng lên 64 -

Tập trung trọng điểm đột phá trong tương lai

Quan điểm phát triển huyện Phú Lộc đến năm 2020 là phát huy cao độ các tiềm năng lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, cơ sở hạ tầng; huy động nội lực, tận dụng tối đa các nguồn lực bên ngoài; đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với phát triển bền vững. Xây dựng huyện Phú Lộc trở thành vùng kinh tế động lực, năng động phía Nam của Tỉnh.

Để trở thành đô thị hiện đại, sinh thái, công nghệ cao đến năm 2020, Phú Lộc phải tạo được bước đột phá ngoạn mục, trong đó trọng điểm đột phá đầu tiên của Phú Lộc là phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô thành địa bàn kinh tế động lực mang ý nghĩa vùng và cả nước. Trọng điểm đột phá thứ 2 là khai thác hiệu quả các khu vực trọng điểm du lịch Bạch Mã - Cảnh Dương - Lăng Cô - Hải Vân; phát triển du lịch, dịch vụ chất lượng cao thành ngành kinh tế chủ đạo. Trọng điểm đột phá thứ 3 là xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị góp phần đáp ứng mục tiêu xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương, trọng tâm là thị trấn Phú Lộc, thị trấn Lăng Cô, khu vực Chân Mây, Vinh Hưng, Vinh Hiền, La Sơn. Trọng điểm đột phá thứ 4 là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

 

Đẩy mạnh đô thị hóa và phát triển 4 tiểu vùng kinh tế động lực

Trên cơ sở định hướng trở thành một đô thị hiện đại, sinh thái, công nghệ cao với trung tâm là đô thị Chân Mây - Lăng Cô, Phú Lộc đẩy mạnh quá trình đô thị hóa, hình thành hệ thống đô thị đảm nhiệm các chức năng là hạt nhân kinh tế, động lực phát triển của các tiểu vùng, có tác động lan toả, kéo theo sự phát triển các vùng lân cận. Phấn đấu tăng tỷ lệ dân số đô thị lên 32,0% vào năm 2015 và đạt 60,0% vào năm 2020. Đến năm 2020, hình thành mạng lưới các đô thị bao gồm 4 thị trấn: Phú Lộc, La Sơn, Vinh Hưng, Vinh Hiền và thành phố Chân Mây. Đồng thời phát triển 4 địa bàn, tiểu vùng kinh tế động lực gồm: Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô sẽ được tập trung đầu tư xây dựng thành một trong những trung tâm giao thương quốc tế lớn và hiện đại, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng biển mang tầm cỡ khu vực, quốc tế. Ưu tiên phát triển kinh tế thương mại, dịch vụ, du lịch chất lượng cao. Phát triển các ngành có hàm kỹ thuật cao, hiện đại, công nghệ cao  gắn với cảng Chân Mây. Từng bước mở rộng cảng Chân Mây đáp ứng nhu cầu xuất - nhập khẩu hàng hóa và vận tải hàng hải quốc tế. Phát triển đô thị Chân Mây - Lăng Cô thành một thành phố tiện nghi, hiện đại, văn minh. Chú trọng vấn đề an sinh xã hội, dân số, lao động, việc làm, ổn định đời sống dân tái định cư, y tế, giáo dục, vệ sinh môi trường. Trong giai đoạn 2020-2025, hình thành thành phố Chân Mây, đô thị động lực phía Nam của Thừa Thiên Huế, có quy mô diện tích khoảng 15.000 ha, giữ vai trò là đô thị trung tâm của Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô.

Vùng trung tâm thị trấn Phú Lộc và các xã phụ cận (Lộc Trì, Lộc Điền, Lộc Bình) sẽ đầu tư phát triển mạnh du lịch, thương mại, dịch vụ, công nghiệp chế biến; hình thành mạng lưới chợ, trung tâm thương mại, siêu thị; phát triển cây công nghiệp, ăn quả đặc sản, nuôi trồng thủy sản ven đầm phá, ao hồ... tạo cơ hội giải quyết việc làm cho người lao động, tăng thu nhập dân cư. Chỉnh trang đô thị thị trấn Phú Lộc, chuẩn bị các điều kiện nâng cấp thành thị xã.

Vùng phía đồng bằng và gò đồi phía Bắc (gồm các xã đồng bằng và gò đồi miền núi Lộc An, Lộc Sơn, Lộc Bổn, Xuân Hòa, Lộc Hòa) sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ gắn với đường 14B đi Nam Đông - A Lưới - cửa khẩu A Đớt. Hình thành vùng nông nghiệp tập trung chuyên canh cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, sớm hình thành thị trấn La Sơn, xây dựng thành đô thị trung tâm phía Bắc của Huyện. 

Vùng ven biển, đầm phá (Vinh Hưng, Vinh Mỹ, Vinh Giang, Vinh Hải, Vinh Hiền) được đẩy mạnh phát triển các ngành đánh bắt, nuôi trồng thuỷ hải sản, hậu cần nghề cá, phát triển du lịch biển, đầm phá, chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái.

Ngoài ra, trục kinh tế quốc lộ 1A cũng sẽ được xây dựng các đô thị Lộc Sơn, Phú Lộc, Lăng Cô và thành phố Chân Mây là những hạt nhân kinh tế trên tuyến. Đối với trục kinh tế ven biển, đầm phá (Quốc lộ 49B) sẽ xây dựng các đô thị Vinh Hưng, Vinh Hiền, đầu tư nâng cấp Quốc lộ 49B, xây dựng tuyến đường ven biển Vinh Mỹ - Vinh Hải - Vinh Hiền, các tuyến đường ngang ra biển, đường kết nối cầu Tư Hiền - cầu Bù Lu - bãi biển Cảnh Dương.

Để đạt được các mục tiêu và định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quy hoạch đề ra, tổng nhu cầu nguồn vốn là rất lớn, Phú Lộc cần tập trung vào một số giải pháp huy động vốn chủ yếu từ nguồn vốn ngân sách nhà nước tập trung chủ yếu dành cho đầu tư phát triển các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng; huy động tối đa nguồn lực trong nước; tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng và pháp lý thông thoáng để thu hút vốn đầu tư nước ngoài bằng nhiều hình thức thích hợp, đặc biệt là thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); tranh thủ tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn ODA, ADB... Tăng cường đào tạo đội ngũ lao động cho các khu, cụm công nghiệp; xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, quản lý có trình độ cao; nâng cao năng lực quản lý điều hành của đội ngũ cán bộ nhà nước. Có cơ chế chính sách ưu đãi trọng dụng, thu hút người tài, chuyên gia giỏi. Xây dựng các chương trình phát triển khoa học và tăng cường áp dụng, chuyển giao công nghệ kỹ thuật mới vào trong sản xuất và đời sống. Đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả;...

www.thuathienhue.gov.vn


Tin tức liên quan