Tin tức

Đồng Việt Nam có thể mạnh lên từ năm 2012

STANDARD CHARTERED:

Đồng Việt Nam có thể mạnh lên từ năm 2012

Ngày cập ngày: 25/11/2010 06:27 PM

Giá đô la Mỹ trên thị trường tự do đã tăng mạnh gần 100 đồng lên 21.300 đồng chiều ngày 24/11. Trước đó, trong khi đô la Mỹ giảm giá so với hầu hết các đồng tiền khác thì vẫn tiếp tục tăng giá so với đồng Việt Nam. Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã có trao đổi ngắn với ông Louis Taylor, Tổng giám đốc của Ngân hàng Standard Chartered phụ trách Việt Nam, Lào, và Campuchia về vấn đề tỷ giá và lãi suất hiện nay.

Ông Louis Taylor.

Theo ông, vì sao đồng Việt Nam cứ liên tục giảm giá so với đô la Mỹ năm này qua năm khác?

Lý thuyết về kinh tế cho rằng những quốc gia nào bị thậm hụt thương mại triền miên thì đồng tiền của nước đó sẽ bị giảm giá. Mặc dù thâm hụt thương mại của Việt Nam vẫn được bù đắp bằng vốn đầu tư nước ngoài và kiều hối từ lao động Việt Nam tại nước ngoài, tiền đồng vẫn bị kỳ vọng rằng sẽ duy trì ở mức hiện nay hoặc tiếp tục giảm giá trong những năm tiếp theo, vì Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn xây dựng những nền tảng cần thiết. Sự kỳ vọng này chính là nguyên nhân chủ yếu gây áp lực lên tiền đồng. Một yếu tố khác nữa đó là kỳ vọng lạm phát của Việt Nam sẽ tăng, sự kỳ vọng này ngày càng cao trong thời gian gần đây.
 
Như vậy, tương lai của đồng Việt Nam sẽ thế nào?
 
Dự báo của Standard Chartered là sự giảm giá của tiền đồng sẽ dịu bớt trong năm 2011, và sẽ ở vào khoảng 20.800 đồng/đô la vào cuối năm. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng tiền đồng sẽ có khả năng tăng giá trở lại từ năm 2012 vì sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại.
 
Theo ông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang làm gì để để bình ổn tỷ giá?
 
NHNN đang tập trung vào công cụ lãi suất, khiến lãi suất phản ánh đúng điều kiện thị trường, và đây vẫn là công cụ chủ chốt để hạn chế những áp lực trên thị trường ngoại hối. Biện pháp không khuyến khích nắm giữ đô la Mỹ và vàng cũng có tác động lên giá trị của đồng Việt Nam. Nếu NHNN có thể thành công trong việc giảm bớt kỳ vọng về sự giảm giá của tiền đồng và kỳ vọng lạm phát cao thì có thể ổn định được giá trị đồng nội tệ.
 
Ý kiến của ông về cuộc chạy đua lãi suất giữa các ngân hàng hiện nay và NHNN có nên can thiệp không?
 
Việc tăng lãi suất của các ngân hàng xuất phát từ nhiều nguyên nhân, một trong số đó là để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn về thanh khoản được quy định trong Thông tư 13. Thêm vào đó, Luật các tổ chức tín dụng mới cũng yêu cầu các ngân hàng tăng vốn điều lệ lên thấp nhất là 3.000 tỉ đồng vào cuối năm nay. Và để sử dụng có hiệu quả nguồn vừa tăng thêm này, các ngân hàng buộc phải gia tăng vốn huy động cũng như tài sản của mình. Như vậy, việc tăng lãi suất của các ngân hàng cũng có liên quan đến các biện pháp của NHNN nhằm đảm bảo một hệ thống ngân hàng an toàn và khỏe mạnh.
 
Việc tăng các lãi suất chủ chốt của NHNN phần nào giúp giải quyết được vấn đề tỷ giá cũng như kiềm chế lạm phát. Để tạo ra sự ổn định cho đồng Việt Nam, chính sách thắt chặt tiền tệ là một quyết định đúng đắn. Khi lãi suất tiền đồng quá thấp, người dân sẽ có khuynh hướng tiêu xài đẩy lạm phát lên cao. Bên cạnh đó, lãi suất tiền đồng thấp cũng sẽ khiến việc mua và giữ đô la Mỹ có giá rẻ, càng khiến giá trị của tiền đồng giảm đi.
 
Xin cám ơn ông!

Theo TBKTSG


Tin tức liên quan