Tin tức

Chất lượng nguồn nhân lực – 50% cán bộ phường, xã chưa đạt chuẩn
Chất lượng nguồn nhân lực – 50% cán bộ phường, xã chưa đạt chuẩn
 
Cập nhật lúc 05:59| 26/11/2010 (GMT+7)
 
Một trong những yếu tố quan trọng để cả tỉnh Thừa Thiên Huế có (và xứng đáng) “lên” được thành phố trực thuộc Trung ương hay không là nguồn nhân lực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta chưa cao, thiếu các chuyên gia đầu ngành và năng lực cán bộ cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu…

50% cán bộ phường, xã chưa đạt chuẩn

Còn nhớ tại hội thảo “Thừa Thiên Huế với vai trò trực thuộc Trung ương, cơ hội và thách thức”, tổ chức tại Huế ngày 25/1/2010, TS Nguyễn Bá Ân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bộ Kế hoạch Đầu tư, đã cảnh báo con đường “cả tỉnh lên thành phố” của Thừa Thiên Huế đã và đang đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức. Và một trong số đó là “chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, thiếu các chuyên gia đầu ngành và năng lực cán bộ cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu…”
Một lễ công bố quyết định chức danh GS, PGS ở ĐH Huế. Ảnh: L.Tuệ
Một lễ công bố quyết định chức danh GS, PGS ở ĐH Huế. Ảnh: L.Tuệ
Ông Cái Vĩnh Tuấn, TUV – Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên Huế thừa nhận: Xét tổng thể, hiện đúng là một số cán bộ, công chức, trình độ và năng lực quản lý điều hành chưa ngang tầm với nhiệm vụ, thiếu chủ động sáng tạo. Không ít cán bộ công chức chưa nắm vững chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, không nắm vững các quy định của pháp luật, vì vậy trong chỉ đạo điều hành, giải quyết công việc còn mang tính chủ quan, tuỳ tiện, dẫn đến vi phạm. Năng lực thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn thấp, chưa có tính chuyên nghiệp, thụ động trong thực thi công vụ. Chưa có khả năng tư duy, dự báo, xây dựng chương trình kế hoạch; thiếu khả năng bao quát tình hình… dẫn đến hiệu quả công tác không cao.

Đặc biệt, đội ngũ cán bộ cấp xã, phường, thị trấn hiện rất hạn chế về năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhất là các xã miền núi. “Yêu cầu tối thiểu của cán bộ xã, phường, thị trấn là phải tốt nghiệp trung cấp về chuyên môn và trung cấp chính trị. Tuy nhiên, thống kê mới nhất cho thấy hiện hơn 50% cán bộ xã, phường, thị trấn của chúng ta chưa đạt chuẩn”, ông nói. Xác định Huế là “thành phố festival”, là “trung tâm văn hoá, giáo dục, y tế chuyên sâu”, nhưng khi nhìn lại, chúng ta mới giật mình thấy có quá nhiều khoảng trống bởi nguồn nhân lực chất lượng cao của các lĩnh vực này chủ yếu tập trung ở các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn như Đại học Huế, Bệnh viện T.Ư Huế… Ở cấp địa phương, chúng ta không có những cán bộ đầu đàn, được xác nhận bằng các danh hiệu cao nhất như nghệ sĩ nhân dân, nhà giáo nhân dân… Hay Festival Huế, đến nay đã tổ chức được 10 năm, nhưng chúng ta vẫn chưa có được, cũng như chưa có kế hoạch đào tạo một vài đạo diễn có đủ tầm, đủ sức để đảm nhiệm một vài lễ hội thay cho việc đi nhờ, thuê như lâu nay…

Làm gì để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ?

Nhiều ý kiến cho rằng, công việc cấp bách hiện nay là phải khảo sát, đánh giá lại một cách khách quan về thực trạng cơ cấu nguồn nhân lực công vụ, làm rõ nguồn nhân lực thừa, nguồn nhân lực thiếu và dự báo một cách khoa học về nguồn nhân lực để tiến hành xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cho từng giai đoạn, thời gian cụ thể.

Theo dự thảo “Kế hoạch thực hiện chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020” do Sở Nội vụ vừa trình UBND tỉnh, các biện pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được đề ra gồm: Từ nay đến năm 2020, đối với cấp huyện, tỉnh, phải đào tạo khoảng 100 cán bộ, công chức, viên chức đạt trình độ sau đại học, trong đó có 20% tiến sĩ. Giai đoạn trước mắt, từ nay đến 2015, phải đào tạo được khoảng 45 người sau đại học, trong đó có 20% tiến sĩ, để chuẩn bị nhân sự thay thế cho khoảng 500 người độ tuổi trên 50 sẽ về hưu, trong đó ước tính khoảng ½ có học vị thạc sĩ, tiến sĩ. Đối với cấp xã, phải đào tạo từ 60 – 100 người có trình độ đại học và cao đẳng. Giai đoạn từ nay đến 2015, phải đào tạo được khoảng 30 – 50 người có trình độ đại học và cao đẳng. Đồng thời phải chuẩn bị nhân sự thay thế cho khoảng 400 người độ tuổi trên 45 sẽ về hưu hoặc luân chuyển công tác.

Về nguồn nhân lực chất lượng cao hơn, phương án là lựa chọn đội ngũ cán bộ, công chức có chức vụ hoặc chưa có chức vụ, độ tuổi dưới 40, có trình độ ngoại ngữ quốc tế, bảo đảm phẩm chất chính trị…, sau đó tổ chức xét tuyển để gởi đi đào tạo một số chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật ở nước ngoài. Số lượng từ nay đến năm 2020 khoảng 200 -300 người, trong đó có 20% là tiến sĩ, để thay thế cho khoảng 50% lực lượng cán bộ, công chức, viên chức trong nhóm này sẽ về hưu.

Theo ông Cái Vĩnh Tuấn, hướng lựa chọn tốt nhất cho phương án này là nhắm vào sinh viên các trường đại học kinh tế, kỹ thuật trên toàn quốc là con em Thừa Thiên Huế (học lực khá giỏi, ngoại ngữ đảm bảo theo yêu cầu…) chuẩn bị tốt nghiệp đại học để cử đi đào tạo thạc sĩ, có thể chuyển tiếp tiến sĩ. Và đối tượng nữa là học sinh các trường THPT của tỉnh, trọng tâm là trường Quốc Học. Sau khi các em này thi đỗ đại học, tỉnh có thể tài trợ cho đi học nước ngoài theo ngành nghề thoả thuận trước giữa tỉnh và học sinh, đồng thời có cam kết ràng buộc sau khi học xong trở về phục vụ quê hương.

Lộ trình là từ này đến năm 2020, trung bình mỗi năm, tỉnh cử đi học nước ngoài từ 10-15 người thuộc các đối tượng trên (từ 5-7 người được đào tạo thạc sĩ, có thể chuyển tiếp tiến sĩ; 5-8 đào tạo đại học, có thể chuyển tiếp thạc sĩ). Hướng nữa là tỉnh đề ra chính sách thu hút có hợp đồng thoả thuận ràng buộc đối với sinh viên có học bổng đi học nước ngoài bằng cách hỗ trợ thêm một khoản tiền từ 30 -50% học bổng toàn phần để sau khi tốt nghiệp họ trở về phục vụ quê hương. “Đây là hướng đào tạo hiệu quả nhất, thật sự chọn được nhân tài nhất cho công cuộc xây dựng quê hương trong những năm tới”, ông Tuấn khẳng định.

Tường Minh (TTH)

 


Tin tức liên quan