Tin tức

Doanh nghiệp nhà nước: Nâng cao hiệu quả thay vì lợi nhuận ngắn hạn

Doanh nghiệp nhà nước: Nâng cao hiệu quả thay vì lợi nhuận ngắn hạn 

Việc tái cơ cấu và đổi mới thể chế quản lý doanh nghiệp nhà nước hướng tới phát triển theo chiều sâu, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao năng suất chứ không phải tăng lợi nhuận ngắn hạn.

Đây là nội dung được lãnh đạo các cơ quan quản lý chuyên ngành, các nhà nghiên cứu quan tâm, tập trung thảo luận trong buổi hội thảo ngày 24.11 về chủ đề này.

Các ý kiến thảo luận nhấn mạnh, để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), cần phải thay đổi cách thức, hiệu quả hoạt động của đại diện chủ sở hữu; giảm bớt tỷ lệ nắm giữ vốn nhà nước đối với những lĩnh vực không cần thiết; thành lập một cơ quan chuyên trách để quản lý khối này.

Tỷ suất lợi nhuận thấp hơn mặt bằng lãi suất

 

Viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh Đặng Đức Đạm. Ảnh: TL

Theo ông Nguyễn Văn Huy, nguyên phó trưởng ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp trung ương, số lượng DNNN dù đã giảm đáng kể thời gian qua, song quy mô lớn hơn và hoạt động trong điều kiện phức tạp hơn nhiều. Trong khi đó, theo viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh Đặng Đức Đạm, đầu tư của khu vực này có hiệu quả thấp hơn đáng kể so với đầu tư của khu vực tư nhân trong nước và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Chẳng hạn, năm 2001, hệ số ICOR của khối DN tư nhân là 2,63%, khối FDI là 6,29%, trong khi khối DNNN tới 7,42%. Năm 2008, chỉ số ICOR của khối DN tư nhân tăng lên 3,74%, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với khối FDI là 4,99 và khối DNNN là 8,28%.

Điều đó cho thấy, hiệu quả hoạt động của khối DNNN hiện ở mức thấp. TS Đạm viện dẫn, theo báo cáo kết quả giám sát tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước của Ủy ban thường vụ Quốc hội (tháng 11.2009), năm 2008, trong 91 (trên tổng số 99) tập đoàn, tổng công ty có báo cáo thì 35 đơn vị có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trên 15%; 15 đơn vị có ROE từ 10 – 15%; 20 đơn vị có ROE từ 5 – 10%; 18 đơn vị có ROE dưới 5% và 3 đơn vị có ROE âm. “Như vậy, có tới 56/91 tập đoàn, tổng công ty có ROE dưới 15%, tức là thậm chí thấp hơn mặt bằng lãi suất. Điều này có nghĩa, nếu áp dụng các phương pháp kế toán đúng đắn thì hầu hết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ thua lỗ”, ông Đạm nói.

Nhà nước phải mạnh dạn rút vốn

Để tái cơ cấu DNNN, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của khối này, TS Đạm cho rằng cần tách biệt vai trò của Chính phủ với tư cách là chủ sở hữu ra khỏi vai trò là cơ quan quản lý, điều tiết. Điều này đòi hỏi Chính phủ phải ủy quyền thực hiện quyền sở hữu của mình tại các doanh nghiệp cho một cơ quan chuyên trách, độc lập và đủ mạnh mà cơ quan này sẽ hoạt động thuần túy theo các nguyên tắc như một doanh nghiệp vì lợi nhuận và độc lập với các mục tiêu chính trị, xã hội. Cùng với đó, cần phải xây dựng các tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp hiện đại, phù hợp với chuẩn mực quốc tế cho các DNNN, đặc biệt là các tiêu chuẩn và quy định về quản lý tài chính, hoạt động của HĐQT, minh bạch và công khai thông tin…

 

Viện trưởng viện Phát triển doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Thị Thu Hằng. Ảnh: TL

“Trước mắt, cần áp dụng sớm các tiêu chuẩn quy định về minh bạch và công bố thông tin đối với các DNNN như đối với công ty đại chúng; tách biệt giữ mục tiêu/hoạt động lợi nhuận và phi lợi nhuận của các DNNN. Cùng với đó, phải đảm bảo cạnh tranh công bằng và kỷ luật thị trường trên những lĩnh vực và thị trường mà DNNN hoạt động; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các DNNN và xây dựng một chính sách nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn vốn thu được từ quá trình thoái vốn đầu tư”, ông Đạm gợi ý.

Viện trưởng viện Phát triển doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Thị Thu Hằng đóng góp ý kiến, Nhà nước cần rút vốn khỏi những khu vực ngành nghề mà khu vực tư nhân đã phát triển mạnh, tập trung vốn cho chính sách tái cơ cấu. Chẳng hạn, những ngành như dệt may, trồng trọt, khai thác và chế biến cao su, đầu tư kinh doanh bất động sản, công nghiệp xây dựng có thể không thuộc danh mục các ngành phục vụ cho chính sách cơ cấu của Nhà nước.

Chung quan điểm này, cục trưởng cục Phát triển doanh nghiệp, bộ KH-ĐT Hồ Sỹ Hùng, cho rằng, trọng tâm trong thời gian tới, chúng ta phải tiếp tục rà soát các DNNN để phân loại và kiên quyết sắp xếp nhằm sớm có cơ cấu phù hợp. Theo ông Hùng, Nhà nước chỉ nên nắm giữ 100% vốn điều lệ với các ngành, lĩnh vực như: sản xuất, cung ứng vật liệu nổ, chất độc hại; sản xuất, sửa chữa vũ khí, khí tài; truyền tải hệ thống điện quốc gia… Một số ngành, lĩnh vực khác Nhà nước có thể nắm giữ trên 50% vốn điều lệ là những DN tham gia sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; những DN bảo đảm nhu cầu thiết yếu cho phát triển sản xuất và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, xa…

Ông Nguyễn Văn Huy, nguyên phó trưởng ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp trung ương (nay là ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp), đề xuất cần phải có một cơ quan thống nhất quản lý DNNN, thay vì quản lý DNNN theo kiểu phân tán ra nhiều cấp, nhiều mảng, lĩnh vực như hiện nay.

Thảo Nguyễn (SGTT.VN)

 


Tin tức liên quan