Tin tức

Triển khai nhiều giải pháp bình ổn thị trường những tháng cuối năm

Triển khai nhiều giải pháp bình ổn thị trường những tháng cuối năm

Ngày cập ngày: 29/11/2010 10:07 AM

Từ giữa năm 2010 đến nay, tình hình thị trường trong nước nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là tỷ giá ngoại tệ và giá vàng tăng giảm bất thường khiến giá cả thị trường cũng liên tục tăng gây ảnh hưởng đến đời sống người tiêu dùng. Phóng viên Báo Thừa Thiên Huế đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh (NT), Phó trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) 127/TTH, Phó Giám đốc Sở Công Thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường xung quanh việc bình ổn giá cả thị trường trên địa bàn. Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh cho biết:


Ông Nguyễn Thanh Phó Giám đốc Sở Công Thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường

Trước tình hình thị trường ngày càng có nhiều biến động như hiện nay, nhiệm vụ cấp bách đầu tiên là phải ổn định thị trường, củng cố niềm tin của người dân, trong đó cụ thể là thông báo công khai thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về danh mục hàng hóa, giá cả, địa điểm bán hàng phục vụ nhân dân theo kế hoạch bình ổn giá của UBND tỉnh. Với 4 ngành hàng thiết yếu là gạo, đường, dầu ăn và thực phẩm tươi sống, BCĐ 127/TTH đã làm việc và thống nhất phương pháp bình ổn giá đối với 8 đơn vị trên địa bàn, gồm: HTX TMDV Thuận Thành, Công ty TNHH Co.opMart Huế, Công ty CP Lương thực Bình Trị Thiên - CN Nam Thừa Thiên Huế, Công ty CP Thực phẩm công nghiệp Huế, Công ty CP Vĩnh Phát, Công ty CP Thương mại Đông Ba và Xí nghiệp Thành Lợi.

 

Cùng với các giải pháp bình ổn thị trường, UBND tỉnh quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các vi phạm và giao cho BCĐ 127/TTH tổ chức thực hiện. Mặt khác, để đáp ứng yếu cầu thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch bình ổn thị trường thông qua chính sách hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp có chức năng thực hiện việc bình ổn, các đơn vị này phải bảo đảm bán hàng đúng giá như cam kết với tỉnh, trước mắt tập trung chủ yếu vào 4 ngành hàng thiết yếu phục vụ nhân dân.

 

Giải pháp cụ thể để bình ổn thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán là gì, thưa ông?

 

Để đối phó với những biến động của thị trường, từ đầu tháng 11 UBND tỉnh có chỉ thị về việc tăng cường thực hiện các biện pháp bình ổn giá cả, thị trường các tháng cuối năm 2010 và đầu năm 2011. Mặt khác, để đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, xử lý nhanh các biến động thị trường, UBND tỉnh đã bổ sung nhiệm vụ cho BCĐ 127/TTH về kiểm tra thị trường khi có dấu hiệu bất ổn xảy ra. BCĐ 127/TTH có nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại mà nòng cốt là lực lượng QLTT, công an, hải quan, thuế, bộ đội biên phòng và một số ngành chức năng như y tế, nông nghiệp, khoa học công nghệ...

 

BCĐ 127/TTH đang triển khai ngay các đoàn kiểm tra liên ngành do BCĐ làm trưởng đoàn, gồm Chi cục QLTT, công an, thuế, y tế và UBND các huyện, thị xã, TP Huế về công tác niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, tập trung chủ yếu vào các chợ, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn toàn tỉnh. Cụ thể, đoàn chia làm 10 tổ công tác và chịu trách nhiệm quản lý 9 huyện, thị xã và TP Huế bao gồm các lực lượng QLTT, công an, thuế và 1 tổ cơ động bao gồm QLTT, công an, thuế, tài chính và một số ngành có chức năng để xử lý các trường hợp vi phạm như găm hàng, đưa tin thất thiệt gây hoang mang thị trường, giá bán một số mặt hàng tăng cao có dấu hiệu thu lợi bất chính...

 

Đeå thực hiện các giải pháp bình ổn giá, người tiêu dùng nói riêng và mọi người dân trên địa bàn toàn tỉnh nói chung cần hỗ trợ các ngành chức năng thông qua việc cung cấp thông tin. Nếu phát hiện các hộ kinh doanh, cửa hàng bán lẻ thực hiện sai các quy định nêu trên thì thông qua đường dây nóng tại các đội QLTT đóng tại 9 địa bàn trong tỉnh để có hướng xử lý kịp thời nhằm bảo vệ quyền lợi cho người dân cũng như bình ổn thị trường.

 

Thanh Hương (thực hiện)

nguonBaothuathienhue


Tin tức liên quan