Một trong các chủ trương của lãnh đạo tỉnh để đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội là: Quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển các thành phần, loại hình kinh tế, tạo cơ chế thông thoáng để thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh.
Bên cạnh việc phát huy nội lực, Thừa Thiên Huế luôn đặt mục tiêu tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư từ bên ngoài nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngoài các chính sách ưu đãi chung của Chính phủ, tỉnh đã ban hành các chính sách thu hút, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh với những nội dung nổi bật như:
Về giá thuê đất, thuê mặt nước: Đơn giá thuê đất một năm tại thành phố Huế được tính bằng 0,65% giá đất do Uỷ ban Nhân dân tỉnh ban hành hàng năm. Đơn giá thuê đất một năm tại huyện Hương Thuỷ được tính bằng 0,50% giá đất do Uỷ ban Nhân dân tỉnh ban hành hàng năm. Đơn giá thuê đất một năm thuộc các huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc được tính bằng 0,35% (đối với đất tại các xã) và 0,50% (đối với đất tại các thị trấn) giá đất do Uỷ ban Nhân dân tỉnh ban hành hàng năm. Đơn giá thuê đất một năm thuộc các huyện: Nam Đông, A Lưới được tính bằng 0,25% (đối với đất tại các xã) và 0,35% (đối với đất tại các thị trấn) giá đất do Uỷ ban Nhân dân tỉnh ban hành hàng năm. Đơn giá thuê đất một năm của các dự án đầu tư vào các lĩnh vực ưu đãi, đặc biệt ưu đãi đầu tư thuộc địa bàn các huyện được tính bằng 0,25% giá đất do Uỷ ban Nhân dân tỉnh ban hành hàng năm.
Hỗ trợ các công trình kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào: Hỗ trợ xây dựng công trình giao thông (quy mô nền đường 7,0m; mặt đường 5,0m) và công trình trên tuyến, từ trục chính có trong quy hoạch xây dựng giao thông trên địa bàn khu vực đầu tư đến chân hàng rào dự án. Hạ tầng công trình điện, nước, viễn thông phục vụ sản xuất: đầu tư toàn bộ đến chân hàng rào dự án…
Đặc biệt, khi đầu tư vào tất cả các dự án đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong KKT Chân Mây – Lăng Cô được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% được áp dụng trong 15 năm, kể từ khi dự án đầu tư bắt đầu hoạt động kinh doanh và được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 04 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 09 năm tiếp theo; Các dự án đầu tư vào Vào Khu kinh tế cửa khẩu A Đớt được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế, được giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm kế tiếp; được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong 15 năm kể từ khi dự án đầu tư bắt đầu hoạt động kinh doanh. Dự án đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao năng lực sản xuất thì được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mang lại tối đa là 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa là 7 năm tiếp theo; Các dự án đầu tư trên địa bàn vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai thuộc các lĩnh vực sau đây được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 30 năm đối với các dự án: Dự án đầu tư năng lượng mặt trời, năng lượng gió và Dự án bảo tồn phát triển gen sinh vật thuỷ, hải sản.
Để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn tỉnh, Lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, hỗ trợ giải tỏa đền bù giao đất sạch cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án nhằm góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trước năm 2015. Cùng với việc hoàn thiện các chính sách, tỉnh sẽ tiếp tục đơn giản hoá các thủ tục đầu tư. Hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục sau khi cấp giấy chứng nhận đầu tư. Quan tâm tháo gỡ, giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền, tạo điều kiện tốt nhất cho các dự án đi vào hoạt động.
UBND tỉnh đã banh hành và công khai danh mục dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2010 – 2015 tạo thuận lợi cho nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Bằng nhiều chính sách cởi mở, thông thoáng, có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với các nhà đầu tư; đồng thời tạo ra những môi trường đầu tư thuận lợi… ngày càng có nhiều tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, tổ chức tìm đến với Thừa Thiên Huế để tìm hiểu, ký kết hợp tác đầu tư. Các nhà đầu tư khi đến với Thừa Thiên Huế đều đánh giá rất cao về những chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh cũng như tiềm năng trong việc khai thác các dịch vụ ở các khu kinh tế của tỉnh.
Tính đến 31/10/2010, trên địa bàn tỉnh có tổng cộng khoảng 328 dự án với tổng mức vốn đăng ký khoảng 80.000 tỷ đồng; trong đó Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô có 36 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 35.000 tỷ đồng; trong các khu công nghiệp là 60 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 10.000 tỷ đồng; 232 dự án ngoài KCN và KKT với tổng vốn đăng ký khoảng 35.000 tỷ đồng. Về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), hiện có 69 dự án, tổng vốn đăng ký khoảng 2.460 triệu USD, tương đương khoảng 45.000 tỷ đồng.
Theo Thừa Thiên Huế Portal