Tin tức

Thừa Thiên Huế: Tìm hướng đi phù hợp để phát huy lợi thế

Tìm hướng đi phù hợp để phát huy lợi thế

Ngày cập ngày: 05/12/2010 06:30 AM

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Thừa Thiên Huế được tổ chức ở TP Hồ Chí Minh vừa qua, chúng tôi có dịp trao đổi nhanh với ông Đặng Xuân Quang, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Về tổng quan, ông Đặng Xuân Quang nhận định:

Ông Đặng Xuân Quang

Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Thừa Thiên Huế tại TP Hồ Chí Minh được tổ chức vào thời điểm thích hợp. Tuy tình hình kinh tế thế giới còn diễn biến phức tạp, kinh tế Việt Nam đã qua giai đoạn khó khăn nhất và đang ở tiến trình phục hồi. Đây là cơ hội tốt để giới thiệu và quảng bá hình ảnh Thừa Thiên Huế với tiềm năng đa dạng, phong phú; con người và chính sách cởi mở, thông thoáng; định hướng phát triển khoa học, hợp lý; các cơ hội đầu tư cụ thể, qua đó tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư.
Đây cũng là hoạt động rất có ý nghĩa đẩy mạnh xúc tiến đầu tư nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế, tăng nhanh tốc độ phát triển của tỉnh; qua đó, thúc đẩy kinh tế vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tôi hy vọng rằng, với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, sự ủng hộ, giúp đỡ của các cơ quan Trung ương và các doanh nghiệp, sự nỗ lực quyết tâm của các ngành và nhân dân trong tỉnh, thời gian tới, Thừa Thiên Huế sẽ đẩy nhanh quá trình thu hút đầu tư, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế động lực của vùng.

Ông có thể đánh giá cụ thể hơn về tình hình thu hút đầu tư của Thừa Thiên Huế trong thời gian qua, nhất là các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)?

Tính từ khi thực hiện Luật Đầu tư đến nay, trên địa bàn tỉnh có 69 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2,42 tỷ USD. Vốn đầu tư thực hiện trong 9 tháng năm 2010 của các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn đạt 46,36 triệu USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ, trong đó quý III năm 2010 vốn đầu tư thực hiện đạt 14,32 triệu USD chỉ tăng 0,8% so với cùng kỳ. Lũy tiến đến nay, tổng vốn đầu tư thực hiện của các dự án khoảng 420,8 triệu USD, chiếm 17,36% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Kết quả trên cho thấy sự phát triển năng động của Thừa Thiên Huế và có thể duy trì là một tỉnh có sức cạnh tranh trong mối tương quan với các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên.

Theo ông, Thừa Thiên Huế nên có những điều kiện cần và đủ như thế nào để tiếp tục thu hút đầu tư, đặc biệt đối với các dự án FDI?

Với vị trí chiến lược và tiềm năng thu hút đầu tư ở nhiều lĩnh vực, Thừa Thiên Huế cần triển khai các giải pháp mạnh mẽ hơn, cụ thể: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tập trung tháo gỡ những vướng mắc để tạo điều kiện cho các dự án đầu tư được triển khai nhanh và thuận lợi hơn. Cần đẩy mạnh hoàn thiện các công trình giao thông, đường bộ, hạ tầng cho các khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, khu công nghiệp Phú Bài, nâng cấp cảng hàng không quốc tế Phú Bài nhằm tạo đột phá trong đầu tư phát triển hạ tầng; nhất là hệ thống cảng biển, cảng hàng không của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài và các tỉnh có thể đầu tư vào Thừa Thiên Huế.

Mặt khác, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đảm bảo cung cấp đủ công nhân có tay nghề cho các dự án FDI, xây dựng mô hình liên kết giữa các trường đại học, trung tâm đào tạo lao động có tay nghề cao tại Thừa Thiên Huế và khu vực gắn với nhu cầu lao động trong quá trình triển khai các dự án cụ thể trên địa bàn. Cần quy hoạch chi tiết những lĩnh vực và địa bàn thu hút FDI để từ đó thực hiện tốt khâu giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể tiến hành đầu tư được ngay.

Như ông vừa nói, Thừa Thiên Huế với vị trí chiến lược và tiềm năng thu hút đầu tư ở nhiều lĩnh vực, song kết quả mang lại vẫn chưa tương xứng với vùng đất này?

Là một tỉnh thuộc khu vực trọng điểm miền Trung, với lợi thế của khu vực này, nơi tập trung các khu kinh tế, cơ sở sản xuất công nghiệp và dịch vụ, các dự án lớn đang được triển khai; cùng thế mạnh về du lịch sinh thái, văn hoá lịch sử và tiềm năng phát triển dịch vụ vận tải hàng không, vận tải biển... Thừa Thiên Huế cần tìm cho mình một hướng đi phù hợp với điều kiện cụ thể để phát huy lợi thế của tỉnh trong quy hoạch chung của khu vực. Tôi nghĩ sau đợt xúc tiến kêu gọi đầu tư lần này, sẽ có nhiều doanh nghiệp tìm đến Thừa Thiên Huế.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Bạch Quang (thực hiện)

(nguonBaothuathienhue)


Tin tức liên quan