Thông tin đầu tư

Thừa Thiên Huế: “Đất lành” cho nhà đầu tư

Thừa Thiên Huế: “Đất lành” cho nhà đầu tư

Ngày cập ngày: 11/12/2010 09:59 AM

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Thừa Thiên Huế được tổ chức ở TP Hồ Chí Minh cuối tháng 11-2010, UBND tỉnh đã trao giấy chứng nhận, ký kết biên bản ghi nhớ về thỏa thuận chủ trương hợp tác liên doanh đầu tư với 8 doanh nghiệp (DN). Chúng tôi có dịp gặp và trao đổi với lãnh đạo 3 DN đã, đang và sẽ đầu tư vào Thừa Thiên Huế.

Phó giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển vận tải quốc tế - Trương Xuân Tư: Có thêm một cảng nước sâu ở Điền Lộc

Chúng tôi đã đầu tư vào Thừa Thiên Huế khá nhiều dự án (DA), như DA xi măng Đồng Lâm, 3 DA về du lịch; trong đó, có 1 khách sạn 5 sao ở đường Hùng Vương-TP Huế. Riêng DA cảng Điền Lộc tại huyện Phong Điền, thông qua sự giới thiệu của tỉnh, chúng tôi nghiên cứu nhiều phương án đối với khả năng xuất hàng cho Nhà máy xi măng (NMXM) Đồng Lâm qua cảng Thuận An, Chân Mây và thấy đầu tư cảng Điền Lộc là khả thi hơn. Phía Bắc Thừa Thiên Huế đến Quảng Trị, liên thông qua Lào chưa có cảng nước sâu nào để có thể phát triển các bến tổng hợp. Chúng tôi quyết định đầu tư một cảng mới tại huyện Phong Điền với mục đích chính làm bến chuyên dụng để xuất hàng cho NMXM Đồng Lâm và các NMXM Luksvaxi, Long Thọ. Công suất cảng này từ 3-5 triệu tấn/năm; tổng vốn đầu tư 1.236 tỷ đồng. Chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu xây dựng và quy hoạch thêm một vài bến tổng hợp khi hàng hóa có nhu cầu. Ngay lượng hàng hóa hiện tại theo quy hoạch của tỉnh, với khu công nghiệp (KCN) Phong Điền có thể phát triển diện tích từ 600-1.000 ha thì việc xây dựng bến cảng tổng hợp để hỗ trợ KCN này cũng có thể kinh doanh tốt trong tương lai.

 
Ông Nguyễn Văn Cao ký kết biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh với các nhà đầu tư
 
Ngoài những ưu đãi đã ghi trong giấy chứng nhận đầu tư, chúng tôi còn nhận được sự hỗ trợ tích cực về phía các sở, ban, ngành của tỉnh. Chúng tôi chỉ băn khoăn, khi đầu tư cảng biển thì nguồn nhân lực tại chỗ phục vụ cho việc vận hành cảng, kinh doanh vận tải biển đang gặp khó khăn; mặc dù phát triển nghề biển ở Thừa Thiên Huế đang thuận lợi, song việc đào tạo bài bản khi có nhu cầu thì cần có thời gian...
 
Tổng giám đốc Công ty Ngọc trai GALA-Hồ Thanh Tuấn: Sản phẩm độc quyền đầu tiên trên thế giới
 
 
Đầu tư nuôi cấy và chế tác ngọc trai tại xã Lộc Bình và thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc là DA hợp tác liên doanh giữa Công ty Ngọc trai GALA TP Hồ Chí Minh và Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Thanh Tâm Thừa Thiên Huế kết hợp khai thác phát triển làng nghề cũng như sản phẩm du lịch địa phương ở vịnh đẹp thế giới-Lăng Cô.
 
Trong khi Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Thanh Tâm đang tìm đối tác để phát triển ngành nghề về ngọc trai và ở Thừa Thiên Huế đang có một đề tài nghiên cứu về nuôi trồng ngọc trai cấp tỉnh đã thành công tại xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc, chúng tôi lập tức chớp lấy thời cơ và tiếp cận DA này. Hiện, DA đã ký hợp đồng liên doanh và thành lập pháp nhân Công ty TNHH Ngọc trai GALA Lăng Cô, với tổng vốn đầu tư dự kiến 27 tỷ đồng, trên diện tích 30 ha mặt nước và 3 ha đất ven gành tại xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc để làm trang trại, phòng thí nghiệm và các công trình phụ trợ chế tác. DA có tính tới việc mở rộng để làm khu du lịch kết hợp làng nghề tại Thừa Thiên Huế chuyên về ngọc trai.
 
Một cơ duyên là Công ty Ngọc trai GALA chuẩn bị công bố sản phẩm độc quyền, có thể nói là đầu tiên trên thế giới về đưa tác phẩm vào viên ngọc trai. Sản phẩm này có thể hình dung là thổi hồn Việt vào viên ngọc trai bằng kỹ thuật chế tác, thể hiện tác phẩm trống đồng và những tác phẩm đặc thù về Việt Nam lên viên ngọc trai. Chủ đề đầu tiên chúng tôi chọn để đăng ký bản quyền đó là trống đồng. Nghĩa là, dùng kỹ thuật chế tác để đưa hình ảnh trống đồng lên viên ngọc trai và đăng ký hầu hết các quốc gia nuôi ngọc trai trên thế giới về quyền tác giả và độc quyền sáng chế về sản phẩm này. Hiện chúng tôi đã hoàn tất thủ tục đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ và đang chờ để được cấp giấy chứng nhận. Về nguyên tắc, công ty đã được xác nhận sở hữu quyền tác giả, song về thủ tục phải chờ đủ thời gian. Chúng tôi dự định sẽ công bố cùng lần với dịp ra mắt DA hợp tác liên doanh giữa Công ty Ngọc trai GALA TP Hồ Chí Minh và Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Thanh Tâm Thừa Thiên Huế với DA đầu tư nuôi cấy và chế tác ngọc trai tại Lộc Bình-Lăng Cô (Phú Lộc).
Chúng tôi đã đầu tư nhiều nơi và nhận thấy cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư ở Thừa Thiên Huế khá cởi mở, thông thoáng...
 
Chủ tịch HĐQT-Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ và xây dựng Địa ốc Đất Xanh-Lương Trí Thìn: Ba ngàn tỷ đồng cho hai dự án
 
Là một tập đoàn đầu tư trên toàn quốc, Công ty CP Dịch vụ và xây dựng Địa ốc Đất Xanh đã đầu tư ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Long An... Năm 2011, chúng tôi triển khai danh mục đầu tư khu vực miền Trung. Qua tham khảo tại Thừa Thiên Huế, chúng tôi đánh giá cao về ba vấn đề: Huế là trung tâm văn hóa, Cố đô của Việt Nam, đây là một quần thể di tích lịch sử. Nơi nào có dấu ấn lịch sử sẽ có nền tảng để đầu tư và phát triển. Thừa Thiên Huế đang phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2015. Đây là tầm nhìn cũng như hoài bão của vùng đất Cố đô. Khi một tỉnh mà đã có tầm nhìn và hoài bão như Thừa Thiên Huế thì nơi đó, Đất Xanh sẽ đầu tư.
 
Công ty CP Dịch vụ và xây dựng Địa ốc Đất Xanh đã đầu tư vào Thừa Thiên Huế hai DA. Một DA với diện tích 14 ha ở khu đô thị mới An Vân Dương, tổng vốn khoảng 1.200 tỷ đồng và một DA với diện tích 300 ha ở khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô, tổng vốn khoảng 1.800 tỷ đồng; tổng cộng khoảng 3.000 tỷ đồng, chủ yếu đầu tư về khu dân cư, thương mại, dịch vụ. Theo tôi, Thừa Thiên Huế cần mạnh dạn hơn nữa, cần có sách lược và cơ chế đặc biệt, khác biệt hơn những tỉnh khác về chính sách đất đai, đền bù giải tỏa, thời gian cấp phép đầu tư... Có như thế, Thừa Thiên Huế sẽ là vùng “đất lành” cho các nhà đầu tư...
 
 Bạch Quang ( thực hiện)
nguonBaothuathienhue


Tin tức liên quan