Tin tức

Chiến lược kinh doanh 2011: Hợp tác hay là "chết"?

Chiến lược kinh doanh 2011: Hợp tác hay là "chết"?

Nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng, lãi vay vốn đã cao trong nhiều năm qua, bây giờ chỉ cần tăng thêm một chút cũng đủ khiến họ lao đao. Như vậy, sau quyết định thả nổi lãi suất, phản ứng đầu tiên của khối DN là lo lắng và điều này đã được thể hiện vào kế hoạch kinh doanh năm 2011 của họ.

Trước những sức ép này, nhiều ông chủ DN đang đắn đo, cân nhắc lại việc đi vay và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2011.

Lãi suất "nổi", doanh nghiệp lo "chìm"

Quan ngại này rõ ràng là có cơ sở. Vì nếu xét về mặt điều hành kinh tế vĩ mô, thả nổi lãi suất là biện pháp khả dụng để ổn định tỷ giá và lạm phát, cũng như tạo cho ngân hàng (NH) chủ động trong huy động và cho vay vốn. Thế nhưng, đối với DN, điều này lại mang đến nỗi lo mặt bằng lãi suất sẽ tăng cao.

Ông Trần Văn Liêng, Tổng giám đốc Công ty CP Cacao Việt Nam thậm chí còn cho rằng, với tình hình này, DN sẽ là người chết trước vì lợi nhuận thu về không thể "đuổi kịp" lãi suất ngân hàng. Nếu có sẵn tiền trong tay, đem gửi ngân hàng xem ra còn có lời hơn việc đầu tư.

Một DN trong ngành xây dựng cũng cho rằng, lãi suất thực mà nhiều DN trong ngành của ông đang phải vay nằm ở mức 19-20%. Như vậy, nếu cứ cố gắng vay để tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất thì cầm chắc lỗ.

Trong khi đó, bản thân các NH cũng tiến thoái lưỡng nan với hệ quả của lãi suất thả nổi. Ông Nguyễn Hữu Đặng, Tổng giám đốc HD Bank phân bua:

"Lãi suất cho vay bình quân trên thị trường hiện nay thực sự cao và có lẽ cũng quá sức chịu đựng của DN. Tuy nhiên, điều này không phải do ngành NH mà do tác động tổng thể của các nhân tố trong nền kinh tế như cung cầu vốn trên thị trường, kỳ vọng lạm phát của người gửi tiền, tỷ giá hối đoái, triển vọng tăng trưởng kinh tế".

Tất cả những điều trên nói lên rằng, lãi suất sẽ không thể giảm nếu không có sự biến chuyển tích cực của tất cả các yếu tố vừa nêu.

Trước lo ngại lãi suất cho vay tăng đến mức 17-18%/năm, một số DN đang nghĩ đến việc huy động vốn rẻ qua kênh phát hành cổ phiếu, trái phiếu hoặc từ các quỹ đầu tư. Thế nhưng, điều này vẫn là thách thức không chỉ đối với các công ty tư nhân, mà còn cả đối với công ty cổ phần trước yêu cầu hoạt động hiệu quả và minh bạch.

Ông Trần Kim Thành - Chủ tịch HĐQT Kinh Đô Group, cho biết, công ty ông hoạt động theo mô hình bốn trụ: thực phẩm - bán lẻ - địa ốc - tài chính.

Trên thực tế, việc thả nổi lãi suất sẽ kéo dài bao lâu vẫn còn là câu hỏi chưa có lời đáp chắc chắn. Trần lãi suất đã dỡ bỏ (giữa tháng 4/2010) nhưng những lo lắng về việc lãi suất có thể tăng như mức của năm 2008 vẫn có cơ sở. Vào thời điểm đó, lãi suất vay trung và dài hạn đã lên đến hơn 20%, đỉnh điểm lên đến 24%, khiến không ít DN phải ngắc ngoải.

Như vậy, việc hoạch định kế hoạch kinh doanh năm 2011 của DN lúc này không chỉ bị tác động bởi yếu tố thị trường mà còn bởi cả sức ép tâm lý. Hệ quả là nhiều DN đã chọn giải pháp phòng thủ hơn là đầu tư cho tăng trưởng. Thế nhưng, chọn giải pháp như thế có được coi là thức thời chưa, cũng là một vấn đề đáng để bàn cãi.

Đầu tư là không chờ đợi

Hãy bắt đầu từ chuyện của Tập đoàn Kinh Đô (Kinh Đô Group). Ngày 4/12, trong buổi tọa đàm "Bàn chuyện kinh doanh và đầu tư năm 2011" do CLB Doanh nhân Sài gòn tổ chức, Kinh Đô đã khẳng định, kinh doanh là quá trình của việc đầu tư, thế nên, nếu đã kinh doanh thì phải đầu tư không ngừng nghỉ.

Ông Trần Kim Thành - Chủ tịch HĐQT Kinh Đô Group, cho biết, công ty ông hoạt động theo mô hình bốn trụ: thực phẩm - bán lẻ - địa ốc - tài chính. Bốn mô hình này tương hỗ lẫn nhau, giúp công ty có thể đạt được mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận tốt hơn.

"Qua nhiều năm hoạt động tốt, tích lũy được đất đai, chuẩn bị được nguồn vốn, tôi lập tức nghĩ đến việc mở rộng quy mô, đầu tư nhà máy, máy móc thiết bị sản xuất tối tân nhất để sản xuất. Những việc này, thuở ban đầu tôi làm được thì bây giờ có khó khăn như thế nào tôi cũng sẽ tiếp tục đầu tư", ông chia sẻ.

Với ông Thành, bán lẻ là một trong bốn mảng kinh doanh mà Kinh Đô đặt trọng tâm phát triển.

Ngoài ra, trong thời gian tới, Kinh Đô sẽ hợp tác, liên doanh, liên kết với các đối tác lớn nước ngoài để xây dựng và phát triển các hệ thống kinh doanh tại Việt Nam; mua franchise các chuỗi cửa hàng có thương hiệu nổi tiếng trên thế giới để phát triển...

Ông Thành không giấu việc ông có mối quan hệ tốt với các ngân hàng để có thể vay vốn trung hạn với lãi suất tốt trong thời gian qua, nhưng ông vẫn không muốn công ty mãi bị rơi vào thế bị động nên việc tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực mới là điều không thể tránh khỏi.

Bởi theo ông, nếu gồng mình chấp nhận mức lãi suất vay dài hạn để đầu tư cho các dự án (khoảng 5 năm), giá thành sản phẩm chắc chắn sẽ cao.

Vì vậy, trong năm 2011, mặc dù vẫn còn nhiều thách thức, nhưng sẽ là năm cho những DN biết chuẩn bị và đón đầu cơ hội sau khủng hoảng.

Đối với Kinh Đô, đây sẽ là một năm đóng vai trò "bản lề" với những bước phát triển sẽ đưa Kinh Đô trở thành một trong những tập đoàn thực phẩm hàng đầu Việt Nam và có tầm cỡ trong khu vực...

Vissan đã liên kết với Kinh Đô

Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 8 (CIC8) cũng có bước tính toán đầu tư tương tự Kinh Đô. Ông Huỳnh Hữu Phước, Tổng giám đốc Công ty nói rằng, riêng lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản, ông đã quá quen chuyện lên xuống của thị trường.

Trong lúc thị trường khó khăn, nếu biết cách làm sẽ vẫn sống và phát triển.

Cũng theo ông, trong quý I/2011, lãi suất cho vay sẽ vẫn cao, nhưng với thế mạnh là sẵn có quỹ đất, cộng với nguồn góp của khách hàng và nguồn vốn có sẵn, CIC8 sẽ không quá chịu ảnh hưởng bởi tiền ngân hàng.

Theo đó, trong năm 2011, CIC8 chọn phân khúc xây dựng các chung cư có giá bán trung bình, tập trung xây dựng ở các quận vùng ven của TP.HCM, nơi mà giá đất thấp hơn, điều kiện thi công dễ hơn.

Cụ thể, chung cư xây dựng ở khu Suối Tiên, quận 9, giá bán trung bình 9 triệu đồng/m2. Khu Nam Hòa cũng ở quận 9, sát ngay ga Metro số 10, giá 13,4 triệu đồng/m2... Ông Phước tự tin cho rằng, doanh thu năm 2011 của CIC8 sẽ gấp đôi so với năm 2010.

Hợp tác để "vượt bão"

Trong khi ông Trần Kim Thành khuyên đầu tư vào công nghệ, thì ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan, nhấn mạnh việc đầu tư con người.

Nguyên nhân là những người cũ ở bộ máy thiếu tính năng động, vì thế Vissan phải "tái cấu trúc nhân sự", có nghĩa là một số người cũ phải đi học để nâng trình độ, nghiệp vụ, đồng thời bổ sung nhân lực mới.

Sau đó mới là tái cấu trúc kinh doanh bằng cách tận dụng nguồn lực xã hội để gộp thành sức mạnh trong việc tái đầu tư.Nếu như trước đây Vissan khép kín từ khâu đầu sản xuất cho đến khâu cuối bán lẻ, thì bây giờ chỉ là nhà sản xuất và phân phối, còn một phần khâu bán lẻ giao cho siêu thị đảm trách, khâu thu mua thì giao cho thương lái...

Ông Mười cho biết, hiện Vissan đang liên kết đầu tư với Kinh Đô, có nghĩa là các cửa hàng, đại lý của Kinh Đô sẽ bán thêm hàng của Vissan, và ngược lại.

Một cái tên khá mới lạ vừa có trong danh sách các DN tham gia bình ổn giá của TP.HCM là Tập đoàn Phú Cường. Ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch HĐQT, cho biết, tập đoàn ông với 21 công ty thành viên, vốn điều lệ hơn 3.500 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt hơn 150 triệu USD mỗi năm, riêng giá trị hoạt động trong lĩnh vực bất động sản hơn 10.000 tỷ đồng.

Lĩnh vực nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản là ngành mũi nhọn của Phú Cường.

Trong những năm qua, tập đoàn tập trung vào xuất khẩu, nhưng nhận thấy thị trường nội địa là một thị trường đầy tiềm năng, đặc biệt là TP.HCM, nên đã quyết định phát triển hệ thống phân phối, đầu tư vào thị trường nội địa và tham gia vào chương trình bình ổn giá của TP.HCM.

Trước mắt, Phú Cường ký kết với bốn nhà phân phối là Satra, Sagrifood, Saigon Co.op, Công ty An Phong (siêu thị Maximark) để đưa hàng vào hệ thông siêu thị, cửa hàng của bốn đơn vị này.

Ông Cường cho biết, trong năm 2011, nếu thị trường phát triển và nhu cầu tăng, tập đoàn sẽ điều chỉnh tỷ lệ giữa xuất khẩu và nội địa, đồng thời tăng sản lượng sản xuất tại các nhà máy nhằm đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.

Vẫn mở tiếp siêu thị trong và ngoài nước (bà Bùi Hạnh Thu, Phó tổng giám đốc Sài Gòn Co.op)

Với khả năng và điều kiện cũng như mức sống của người tiêu dùng VN, cơ hội để các DN đầu tư và phát triển là rất lớn. Do vậy, vấn đề đầu tư là một yếu tố DN không thể không quan tâm trong năm 2011. Riêng Saigon Co.op, trước hết tập trung phát triển nguồn nhân lực. Sau đó, sẽ tập trung xây dựng mạng lưới. Tuy Saigon Co.op được thừa nhận là nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam, nhưng chúng tôi nghĩ rằng, với mạng lưới chỉ có khoảng 50 siêu thị và mười mấy cửa hàng Co.op Food thì chưa đủ.

Vì thế, trong năm 2011, chúng tôi tiếp tục phát triển thêm 10 siêu thị và mở ra siêu thị ở thị trường Campuchia. Ngoài hai việc chính ấy, chúng tôi cũng xây dựng chiến lược hàng hóa, chiến lược đào tạo, chiến lược phối hợp để chia sẻ với nhà cung cấp.

Cacao sẽ quay về thị trường nội địa (ông Trần Văn Liêng, TGĐ Công ty CP Cacao Việt Nam)

Việt Nam nhập khẩu khoảng 200 triệu USD hằng năm cho mặt hàng bánh kẹo và sữa, với nguồn cầu như vậy sẽ là thị trường đã đủ lớn để cho lĩnh vực sản xuất cacao được đánh giá khá non trẻ tại Việt Nam phát triển.

Một trong những chiến lược mà Vina Cacao nhắm đến trong thời gian tới là quay về thị trường nội địa. Phải nắm vững được các hệ thống phân phối trong nước, đặc biệt các kênh bán lẻ như siêu thị, chuỗi cửa hàng. Cơ bản là sẽ đi sâu, đi dài vào thị trường nội địa, củng cố nền tảng ban đầu để nâng cao thương hiệu.

Nên sáp nhập các DN nhỏ lẻ (ông Huỳnh Văn Cường, Giám đốc Công ty Nhà thép Nam Vinh)

Tình trạng quá nhiều DN với quy mô nhỏ ra đời vô hình trung đã tạo ra một mạng lưới DN không thể cạnh tranh được ngay ở thị trường nội địa. Nếu có một cơ chế sáp nhập các DN nhỏ lẻ lại với nhau tạo thành một hệ thống, một tập đoàn thì sẽ tạo ra thế mạnh.

Hợp tác để giảm bớt cạnh tranh, dưới dạng cùng làm việc chứ không phải hợp tác trên giấy tờ. Nhiều công ty hợp tác như một tập đoàn hoạt động trong nhiều lĩnh vực, có như vậy mới đủ sức mạnh để đấu lại những tập đoàn lớn. Đơn lẻ sẻ rất khó cạnh tranh, nếu xếp chồng nhiều cái khó lên nhau chắc chắn DN sẽ bị động.

Điều quan trọng, qua những biến động của thị trường, các nhà đầu tư hay các chủ DN phải biết được mình đang ở đâu và tiên lượng được sức lực cũng như điểm yếu của mình.

Bình tĩnh để tìm lối đi (ông Mai Đình Kiêm, Giám đốc DNTN Thảm len Sài Gòn)

Trước đây có một khách hàng Mỹ hỏi tôi, sản phẩm của ông có thể cạnh tranh được với sản phẩm của Trung Quốc không? Tôi đã trả lời rằng, nếu như sản phẩm rẻ tiền và chất lượng thấp thì tôi không thể cạnh tranh nổi, nhưng những sản phẩm có giá trị hiện vật và hàm lượng chất xám thì họ không thể theo kịp.

Tuy nhiên, sau nhiều biến động và ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng, lượng hàng do các khách hàng lớn đặt có phần giảm bớt và các khách hàng nhỏ thì chưa kết nối lại về xuất khẩu. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn tìm thêm những đối tác mới, kể cả thị trường trong nước. Người Việt hiện đã có thói quen dùng thảm trong trang trí nội thất.

Do đó, bài học rút ra sau cuộc khủng hoảng kinh tế vừa rồi là phải thật bình tĩnh, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa như chúng tôi, để từ đó tìm ra hướng phát triển phù hợp nhất với thị trường thực tại.

Theo DNSGCT

(VietNamNet)

 


Tin tức liên quan