Tin tức

Cần chính sách tiền tệ rõ ràng

Cần chính sách tiền tệ rõ ràng
 
Ngày cập ngày: 13/12/2010 07:33 AM

 Hiện khó có thể dự đoán chính sách tiền tệ qua lãi suất
Căng thẳng trên thị trường tài chính, tiền tệ tháng cuối cùng của năm 2010 đang lên đến đỉnh điểm bởi diễn biến bất thường của lãi suất.
 
Minh bạch chính sách, thị trường tiền tệ sẽ sớm ổn định. Ảnh: Hồng Thủy
 
Nhiễu tín hiệu
 
Điều này được thể hiện qua trạng thái lãi suất của năm 2010. Ngay từ đầu năm, mặt bằng lãi suất cho vay đã ở mức khá cao, khoảng 15%-16%/năm. Trong quý II đến đầu quý III, lạm phát tương đối thấp và dự báo có thể đạt mục tiêu kiềm chế tăng trưởng CPI cả năm ở mức 8%, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu giảm lãi suất “đầu vào 10%, đầu ra 12%” để tạo điều kiện cho phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng. Mặc dù vậy, hai lần đồng thuận giảm lãi suất giữa các thành viên Hiệp hội Ngân hàng (NH) VN (VNBA) đều chưa thành công.
 
Tháng 10, khi lãi suất đầu vào trên thị trường giảm xuống được 11% như kêu gọi của VNBA cũng là lúc lạm phát bất ngờ tăng. Xu hướng giảm lãi suất vẫn tiếp tục được nhắc đến trong khi tăng trưởng đã có dấu hiệu cán đích, còn mục tiêu kiềm chế lạm phát lộ rõ khả năng không thể đạt được. Rồi bất ngờ cơ quan có trách nhiệm công bố đảo chiều lãi suất để thắt chặt chính sách tiền tệ, thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát. Sự đảo chiều đột ngột khiến VNBA, trong các cuộc họp sau đó, phải đề nghị cần có chỉ đạo bằng văn bản rõ ràng về sự thay đổi này để có cơ sở và phương hướng thực hiện.
 
Tuyên bố thắt chặt chính sách tiền tệ bật đèn xanh cho các NH hợp thức hóa lãi suất trên thị trường, không còn phải niêm yết ở mức thấp, kèm theo khuyến mãi để kích cầu. Nhưng diễn biến thị trường đã không như mong muốn của cơ quan quản lý. Lãi suất tăng nhưng vẫn khuyến mãi lớn. Hiện tượng “hai lãi suất” vẫn không thuyên giảm vì ngay cả khi đã công khai lãi suất cao, người gửi tiền vẫn được mặc cả lãi suất với NH.
 
Phản ứng thái quá hay thiếu minh bạch?
  
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, việc náo loạn vì lãi suất của một số NH mấy ngày qua, xét cho cùng, là sự phản ứng thái quá của cả thị trường và cơ quan quản lý. Bởi vì thực chất đó cũng chỉ là một bước công khai hóa lãi suất. Mặc dù niêm yết quanh mức 12%-13%/năm nhưng lãi suất thực trên thị trường từ vài tháng nay đã bỏ xa ngưỡng này.
 
Do vậy, tiếp tục can thiệp hành chính sẽ khó có hiệu quả như mong muốn, thị trường sẽ từ chỗ công khai quay trở lại hoạt động ngầm. Thay vào đó, cần có các công cụ quản lý hữu hiệu hơn. TS Nguyễn Minh Phong cho rằng NH Nhà nước cần phải có bộ tiêu chí mới để không xảy ra tình trạng NH tùy tiện nâng lãi suất để thu hút tiền gửi, bất chấp khả năng về vốn và quản trị của mình. Trong những tình huống cần thiết, có thể đề nghị giải trình tiềm lực của các NH đến đâu để giám sát, theo dõi. Không nên thả lỏng, coi lãi suất là công cụ cạnh tranh.
 
Tính minh bạch về chính sách cũng là vấn đề được các nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế đề cập nhiều lần như là một điểm yếu lớn của thị trường tiền tệ.
Theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, để giữ ổn định kinh tế vĩ mô nói chung và thị trường tiền tệ nói riêng, thông điệp chính sách phải rõ ràng, không thể cùng lúc có quá nhiều mục tiêu.
Phương Anh (NLĐ)


Tin tức liên quan