Tin tức

Phát triển thủy điện và những hệ lụy cần khắc phục

Phát triển thủy điện và những hệ lụy cần khắc phục

Ngày cập ngày: 14/12/2010 04:37 AM

 Địa hình Thừa Thiên Huế hết sức thuận lợi cho việc phát triển thuỷ điện, bởi những con sông ngắn và dốc bắt đầu từ dãy Trường Sơn chảy qua địa bàn. Đến nay, Thừa Thiên Huế đã quy hoạch phát triển 21 dự án thuỷ điện với tổng công suất khoảng 450MW. Đây sẽ là nguồn năng lượng góp phần đáng kể trong tình hình thiếu điện hiện nay.

Sự cần thiết của công trình thuỷ điện

Theo quy hoạch, ngoài các dự án thuỷ điện nhỏ, Thừa Thiên Huế có 5 công trình thuỷ điện chính là A Lưới, Hương Điền, Bình Điền, A Lin B1 và Tả Trạch với tổng công suất 360MW, chiếm tỷ lệ 80%. Trong đó, công trình Tả Trạch vừa là công trình thuỷ lợi, nhiệm vụ chính là phòng chống lũ lụt và cấp nước cho hạ lưu, vừa kết hợp phát điện; các dự án còn lại đều có nhiệm vụ chính là phát điện thương mại. Đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 10 dự án phát triển thuỷ điện; trong đó có 4 dự án được triển khai, gồm: Bình Điền 44MW, Hương Điền 81MW, A Lưới 170MW và A Lin B1 40MW. Dự án thuỷ điện Bình Điền đưa vào hoạt động từ cuối năm 2009. Dự án thuỷ điện Hương Điền đã phát tổ máy số 1 là 27MW vào tháng 10/2010; 2 tổ máy còn lại phát điện vào cuối quý IV/2010 và đầu quý I/2011. Dự án thuỷ điện A Lưới 170MW, hoàn thành khoảng 70% công việc; dự kiến tích nước vào quý IV/2011, phát điện năm 2012. Dự án thuỷ điện A Lin B1 40MW, do Công ty cổ phần thuỷ điện Trường Phú làm chủ đầu tư đang thực hiện xây dựng các hạng mục, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn từ 2012-2013.

Đập chính của Thuỷ điện Hương Điền. Ảnh: Hoàng Thành

Các công trình thuỷ điện trên địa bàn có ba mục tiêu đề ra là: phát điện, tham gia vào việc cắt giảm lũ vào mùa mưa, và chống hạn vào mùa khô cho vùng đồng bằng và hạ lưu. Điều đáng chú ý là, các dự án thuỷ điện nói trên đều nằm trên lưu vực sông Hương - sông Bồ. Mùa lũ năm 2009 và 2010 vừa qua, thuỷ điện Bình Điền và Hương Điền thực hiện xả lũ theo quy trình vận hành hồ chứa thủy điện được Bộ Công Thương phê duyệt, và yêu cầu xả lũ khẩn cấp của Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế. Kết quả là các đợt lũ vào tháng 9, 10, 11/2010 vừa qua, các công trình này đã góp phần không nhỏ vào việc cắt giảm mực nước trên sông Bồ và sông Hương, hạn chế gây ngập lụt cho hạ du. Riêng đợt lũ xảy ra từ 14-17/11 mới đây; kết quả quan trắc cho thấy, tại hồ thủy điện Bình Điền, lưu lượng nước về hồ lúc lớn nhất là 1.442m3/s, nhưng mức điều tiết nước sau khi mở 5 cửa van với lưu lượng về hạ du là 826m3/s. Tương tự tại hồ thủy điện Hương Điền lưu lượng nước về hồ lúc lớn nhất là 4.700m3/s, nhưng mức điều tiết nước khi vận hành mở 2 cửa van điều tiết nước về hạ du với lưu lượng 1.200 m3/s. Với mức nước xả lũ nhỏ hơn mức nước đổ về các hồ chứa như hiện nay, có thể nhận thấy là các hồ thủy điện đã thực hiện đúng quy trình vận hành và góp phần không nhỏ cho việc giảm ngập úng cho vùng hạ lưu các con sông Hương và sông Bồ.

Và những hệ lụy cần khắc phục

Bên cạnh mặt tích cực, các công trình thuỷ điện vẫn còn những hệ luỵ kéo theo cần phải khắc phục. Thực tế, ngoài công trình đầu mối, các hồ chứa đều được xây dựng trên một lưu vực rộng khoảng vài trăm ha/hồ. Chỉ tính riêng hồ Truồi, một công trình thủy lợi của Thừa Thiên Huế có diện tích lưu vực 360 ha ngập nước, đồng nghĩa với chừng ấy diện tích rừng bị ngập và hư hại theo. Nếu tính trọn gói cả 21 dự án thuỷ điện, thì số diện tích rừng ở Thừa Thiên Huế bị mất là rất lớn, lên tới hàng ngàn ha. Đặc điểm các con sông ở Thừa Thiên Huế là ngắn và dốc; khi có mưa lớn thường gây ngập lụt nhanh cho vùng đồng bằng, nay rừng bị mất thì mức độ nguy hại ngày càng tăng. Nhiều đợt lũ lụt trong thời gian gần đây, một số tuyến phố ở TP Huế, sáng ra người đi làm bình thường, nhưng chỉ sau vài giờ đồng hồ nước ngập có khi sâu tới cả mét không về kịp. Theo hội thảo khoa học “Đánh giá tác động và đề xuất giải pháp tăng cường quản lý, khai thác hiệu quả các hồ chứa nước ở Bắc Trung bộ” mới đây do Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) phối hợp với Viện Tài nguyên môi trường và công nghệ sinh học - Đại học Huế tổ chức tại Huế, thì hiệu quả cắt giảm lũ của các công trình thuỷ điện là rất thấp hoặc không rõ ràng.

Thủy điện Bình Điền điều tiết nước về hạ du trong đợt lũ ngày 11-12/11/2010. Ảnh: Hoàng Thành

PGS - TS Lê Bắc Huỳnh, Phó Tổng Thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết, không riêng gì ở Thừa Thiên Huế, mà ở cả miền Trung, có quá nhiều công trình thuỷ điện trên các lưu vực sông khiến các dòng sông tự nhiên đều bị chặt nát, làm mất rừng đầu nguồn khiến đa dạng sinh học bị giảm và gia tăng lũ quét. Đối với Thừa Thiên Huế, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam khuyến nghị cần khẩn trương xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương - sông Bồ. Bởi lẽ, bên cạnh những lợi ích hiển nhiên do khai thác, sử dụng tài nguyên nước các hồ chưa mang lại, thực tế cho thấy do còn nhiều tồn tại, bất cập trong quy hoạch phát triển, trong xây dựng, quản lý, bảo vệ, khai thác hồ chứa. Việc phát triển nóng và xây dựng thiếu quy hoạch thống nhất các hồ chứa thủy lợi và nhất là các hồ chứa thuỷ điện của các thành phần kinh tế đang gây ra tình trạng huỷ hoại nghiêm trọng tài nguyên đất, rừng đầu nguồn, khoáng sản, đa dạng sinh học và nhiều tài nguyên thiên nhiên khác. Theo đó, việc lập quy trình vận hành hồ chứa thuỷ điện ngoài quy trình vận hành của từng hồ chứa riêng biệt, cần sớm xây dựng và thực hiện quy trình vận hành liên hồ trên địa bàn để vận hành và quản lý một cách tổng thể, khoa học và hiệu quả hơn...

Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 1879/QĐ-TTg ngày 13/10/2010 giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa thuộc lưu vực sông Hương, sông Bồ gồm 4 hồ: Bình Điền, Hương Điền, Tả Trạch và A Lưới. Xa hơn, tỉnh cần tiến hành trồng rừng, là giải pháp tốt nhất góp phần đảm bảo độ che phủ và chống xói lở ở thượng nguồn, bù đắp lại diện tích rừng bị ngập do các hồ thuỷ điện gây ra...

Không riêng gì rừng đầu nguồn, mà một số vấn đề khác cũng cần được quan tâm là: sau khi các công trình thuỷ điện tích nước, hạ lưu các con sông mất đi nguồn cát sỏi trong xây dựng, bởi các hồ chứa trở thành bể lắng. Theo lẽ tự nhiên từ trước đến nay, nguồn cung cấp cát sỏi trên các con sông ở Thừa Thiên Huế luôn được bồi đắp sau các mùa lũ, ước tính mỗi năm có khoảng từ 1,3 triệu m3 ??n 1,7 tri?u mđến 1,7 triệu m3 do mưa lũ trôi về bổ sung vào lòng sông. Tuy nhiên, từ năm 2010 trở đi, khi các dự án thuỷ điện, thuỷ lợi đã xây dựng xong và đi vào hoạt động thì lượng cát sỏi từ thượng nguồn bổ sung về hạ nguồn các con sông sẽ giảm, chính đây là nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu cát xây dựng trầm trọng xảy ra. Đối với môi trường tự nhiên của các con sông, sau khi các công trình, như: hồ Tả Trạch và các hồ đập thuỷ điện, cũng như đập ngăn mặn Thảo Long đi vào hoạt động thì quá trình trao đổi nước giữa sông và biển bị hạn chế làm giảm đáng kể các loại động, thực vật thuỷ sinh. Trên sông Hương, theo một nghiên cứu mới đây cho thấy: các nhóm sống trôi nổi trên mặt nước (bèo) và sống chìm (rong) đã phát triển mạnh cả về quần thể và vùng phân bố. Bên cạnh đó, nhóm sống chìm (rong) gồm các loài rong cám (Najas indica), rong tóc tiên (Hydrilla verticillata) và rong mái chèo (Vallisneria spiralis) phát triển thành những thảm lớn và dày ở ven bờ. Sự bùng phát thực vật thuỷ sinh ở sông Hương đã làm giảm đi phần nào tính thẩm mỹ và cảnh quan của sông Hương...

Thừa Thiên Huế cần phải kết hợp giữa phát triển thuỷ điện với việc xây dựng chương trình nghiên cứu tổng hợp để kịp thời có biện pháp quản lý bền vững cho môi trường và hệ sinh thái các con sông trên địa bàn.

Quốc Việt

nguonBaothuathienhue


Tin tức liên quan