Tin tức

2010 - năm 'ngã ngựa' của hàng loạt doanh nhân Việt

2010 - năm 'ngã ngựa' của hàng loạt doanh nhân Việt

Nợ nần chồng chất, lãnh đạo doanh nghiệp thua lỗ, chiếm đoạt tài sản, thao túng giá chứng khoán… là nguyên nhân khiến nhiều lãnh đạo doanh nghiệp gặp rắc rối về mặt pháp lý. 2010 được coi là năm xảy ra nhiều sự cố với sếp Việt nhất.

Cùng với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhiều CEO thế giới cũng rơi vào cảnh mất việc hoặc bị truy cứu trách nhiệm vì để công ty làm ăn thua lỗ trong năm tài khóa 2010. Tại Việt Nam, lần đầu tiên, tập đoàn kinh tế lớn mạnh và được coi là cánh chim đầu đàn trong ngành đóng tàu - Vinashin đứng chênh vênh bên bờ vực phá sản. Hàng loạt doanh nghiệp khác cũng gặp cảnh khốn khó, thua lỗ, làm ăn kém hiệu quả... không ít chủ doanh nghiệp đã vướng vào vòng lao lý.

Xin tổng hợp một số trường hợp:

Nguyên Tổng giám đốc Jetstar Pacific - Lương Hoài Nam.

1. Nguyên tổng giám đốc Jetstar Pacific bị bắt

Ngày 7/1, giữa lúc dư luận đang bàn tán không dứt về chuyện lương bổng của lãnh đạo SCIC thì nguyên tổng giám đốc Jetstar Pacific - Lương Hoài Nam bị bắt giữ để điều tra. Việc ông Nam bị bắt được cho là có liên quan đến kết quả kiểm toán Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), trong đó có khoản lỗ lên đến 4 triệu đôla tại Jetstar Pacific Airlines, nơi SCIC đang là đại diện vốn nhà nước. Sau đúng 8 tháng 10 ngày tạm giam, ông Nam được tại ngoại và miễn truy tố.

Cựu Phó tổng ngân hàng BIDV - Đoàn Tiến Dũng.

2. Phó tổng giám đốc BIDV bị bắt vì trục lợi

Khoảng một tháng sau đó, ngày 5/2, Phó tổng ngân hàng BIDV - Đoàn Tiến Dũng bị bắt quả tang nhận hối lộ khoảng 1 tỷ đồng từ một doanh nghiệp kinh doanh hàng dệt may ở Hải Phòng. Từ lâu, ông này đã bị cơ quan điều tra đưa vào "tầm ngắm". Công an nghi ngờ hành vi nhận hối lộ của ông Dũng đã diễn ra thời gian dài, với số tiền lên tới nhiều tỷ đồng. Trước đó một ngày, ông Dũng bị cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội bắt quả tang nhận hối lộ tại một quán ở trung tâm thành phố. Hiện, Viện kiểm sát Hà Nội đã chuyển tội danh bị can Đoàn Tiến Dũng từ nhận hối lộ sang lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi.

3. Chủ tịch Vinashin vào tù

Tháng 8 được coi là thời khắc tồi tệ nhất trong giới doanh nhân khi hàng loạt lãnh đạo của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Vinashin bị đình chỉ chức vụ và nằm trong danh sách bị triệu tập để điều tra. Tối 4/8, cơ quan công an thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với cựu chủ tịch Vinashin - Phạm Thanh Bình do những sai phạm nghiêm trọng trong quản lý khiến tập đoàn này có nguy cơ bị phá sản. Ông Bình bị bắt sau vài tuần đề án tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin được công bố.

Cựu Chủ tịch Vinashin - Phạm Thanh Bình.

Tiếp sau ông Bình, hàng loạt lãnh đạo cấp cao khác của Vinashin, tổng giám đốc điều hành Trần Quang Vũ, và giám đốc các công ty con cũng nằm trong danh sách bị bắt để điều tra. Và trong vòng chưa đầy một tháng, Vinashin đã thay tới 3 đời tổng giám đốc với một loạt nhân sự cấp cao được bổ sung. Từng được xem là con chim đầu đàn của ngành công nghiệp năng lượng Việt Nam với kỳ vọng trở thành thương hiệu đóng tàu hàng đầu thế giới, đế chế Vinashin trở thành con nợ của nhiều tổ chức tín dụng trong và ngoài nước.

Cùng thời điểm các lãnh đạo Vinashin bị bắt, Chính phủ lần đầu tiên đứng ra nhận trách nhiệm, đồng thời tuyên bố, Vinashin đứng chênh vênh bên bờ vực phá sản và để cứu tập đoàn này không còn cách nào khác là phải tái cơ cấu. Việc cơ cấu được thực hiện theo 3 phần - giữ lại lĩnh vực đóng tàu truyền thống cho Vinashin còn các lĩnh vực khác được chuyển cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN và Vinalines. Đích thân Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng được giao nhiệm vụ chỉ đạo và làm trưởng ban Tái cơ cấu. Và hiện tại, Vinashin đang đối mặt với khoản nợ lên tới hơn 86.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ khoảng 9.000 tỷ đồng. Trong đó có rất nhiều khoản nợ thuộc đối tác và tổ chức nước ngoài.

Ông Lê Hòa Bình tại trụ sở cảnh sát. Ảnh: Hà Anh.

4. Vỡ dự án Thanh Hà - một loạt sếp bất động sản bị bắt

Tháng 9 vừa qua, cùng với cơn sốt vàng, giá đôla Mỹ biến động, những người trót mang tiền đặt cược vào thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán cũng được phen náo loạn. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty xây dựng và dịch vụ 1/5) Lê Hòa Bình bị bắt để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tổng giám đốc doanh nghiệp này là ông Nguyễn Mạnh Cường cũng bị nghi ngờ có cùng hành vi trên, tuy nhiên ông được tại ngoại. Cả ông Bình và ông Cường bị cho là có liên quan đến việc huy động vốn trái phép vào khu đô thị Thanh Hà (Hà Nội).

Theo quy hoạch được phê duyệt, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) đã ủy quyền cho Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land) thực hiện dự án xây dựng khu đô thị Thanh Hà. Để triển khai, Cienco 5 Land ký hợp đồng tín dụng với công ty 1/5 với nội dung công ty này cho Cienco 5 Land vay 200 tỷ đồng. Đổi lại, đối tác này được ưu tiên thực hiện hợp đồng hợp tác đầu tư vào khu đô thị Thanh Hà.

Tuy nhiên, theo Cienco 5 Land, do Công ty 1/5 không có tiền giao theo đúng thỏa thuận nên có văn bản thông báo dừng hợp đồng. Tuy nhiên Công ty 1/5 vẫn thu hàng trăm tỷ đồng góp vốn đầu tư dự án của khách hàng. Phần lớn số tiền này được, công ty dùng để đầu tư vào các dự án khác. Cho rằng việc Công ty 1/5 sử dụng bản hợp đồng đã bị hủy để huy động vốn vào dự án Thanh Hà là trái phép, Cienco 5 Land đề nghị công an điều tra.

5. Nhiều đại gia "bóc lịch" vì làm giá chứng khoán

Lần đầu tiên trên thị trường chứng khoán Việt có một tổng giám đốc doanh nghiệp bị bắt vì làm giá chứng khoán. Lệnh bắt CEO của Dược Viễn Đông - Lê Văn Dũng được tiến hành vào cuối tháng 11. Ông Dũng là người đầu tiên bị xử lý hình sự về hành vi thao túng giá chứng khoán kể từ khi tội danh này được bổ sung vào Bộ luật Hình sự, có hiệu lực từ 1/1.

Ông Lê Văn Dũng là trường hợp đầu tiên bị xử lý hình sự vì vi phạm các quy định chứng khoán.

Trước đó, ông Dũng cũng như Dược Viễn Đông nổi đình đám trên thị trường chứng khoán với kế hoạch thâu tóm cổ phần của Công ty Dược Hà Tây. Việc này tiến hành từ tháng 6 nhưng đến nay vẫn chưa thành công. Nhiều hoạt động kinh doanh cũng như các kế hoạch trên thị trường chứng khoán của Dược Viễn Đông đã bị ảnh hưởng bởi thương vụ này.

Tiếp theo ông Dũng, một loạt lãnh đạo khác của Dược Viễn Đông gồm phó tổng giám đốc tài chính một số cán bộ chủ chốt khác cũng bị rơi vào vòng lao lý vì có dính níu đến vụ làm giá chứng khoán.

6. Vận đen đeo bám tổng giám đốc hàng không Hà Dũng

Năm 2010 tiếp tục là chuỗi những ngày buồn của vị đại gia ngoài ngũ tuần đang nổi đình nổi đám trong làng showbiz - Tổng giám đốc Indochina Airlines - Hà Hùng Dũng. Gần 30 đại lý bán vé máy bay cùng với nhà cung ứng nhiên liệu hàng không Vinapco đã đồng loạt lên kế hoạch kiện Indochina Airlines ra tòa vì liên quan đến số nợ lên tới hàng chục tỷ đồng.

Tổng giám đốc Indochina Airlines - Hà Hùng Dũng.
Từ một đại gia nổi đình đám trong giới showbiz, CEO của Indochina Airlines trở thành con nợ bất đắc dĩ với một hãng vận chuyển đứng chênh vênh bền bờ vực phá sản, không máy bay, không trụ sở... và chẳng có cả nhân viên. Hiện tại, vị tổng giám đốc này đang đối mặt với nguy cơ vướng vào vòng lao lý.

Trước đó 2 năm, tại thời điểm Hà Dũng tuyên bố thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên, giới chuyên gia đã bày tỏ những quan ngại. Bởi Indochina Airlines cất cánh trong bối cảnh thị trường đang đối mặt với khủng hoảng, suy thoái là thiếu các điều kiện cần và đủ như - Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa. Quả nhiên, sau khoảng một năm cất cánh, Indochina Airlines ngừng hoạt động và đối mặt với con số nợ lên tới vài chục tỷ đồng.

Phan Linh Anh

ngonVnExpress


Tin tức liên quan