Phấn đấu thu ngân sách Nhà nước đạt trên 6.000 tỷ đồng vào năm 2015
Ngày cập ngày: 15/12/2010 21:19 PM
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XIV thống nhất chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 đạt khoảng 6000-6.500 tỷ. Để rõ hơn về việc đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, đặc biệt là việc thực hiện chỉ tiêu về thu NSNN, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Ngọc Sơn, TUV, Giám đốc Sở Tài chính về giải pháp thực hiện nhiệm vụ trên, ông Huỳnh Ngọc Sơn cho biết:
Ông Huỳnh Ngọc Sơn
- Sau khi phân tích, tính toán, đánh giá kết quả thu NSNN từ năm 2006-2010, tỉnh ta đều có mức tăng thu bình quân hàng năm khá và ổn định trên 20%; nếu năm 2006 thu ngân sách tỉnh đạt 1.294 tỷ đồng thì đến năm 2010 dự ước thu đạt 3.010 tỷ đồng (tăng hơn 2,3 lần). Chính vì vậy, chúng ta xây dựng chỉ tiêu đến năm 2015 thu NSNN đạt khoảng 6000-6.500 tỷ đồng. Chỉ tiêu này là mức tăng thu ngân sách cần thiết để có nguồn chi đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế trong giai đoạn mới, tiến đến tỉnh có thể tự cân đối thu chi ngân sách địa phương. Tuy nhiên, việc thực hiện thắng lợi chỉ tiêu này là rất khó khăn mà ngay từ bây giờ chúng ta cần xác định là phải dốc toàn bộ sức lực để thực hiện. Với tư cách là người chịu trách nhiệm về công tác tham mưu UBND tỉnh về thu, chi tài chính, tôi mạnh dạn nêu lên một số giải pháp như sau:
Một là, tập trung nhóm giải pháp về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tăng nguồn thu NSNN từ các hoạt động sản xuất kinh doanh. Phát triển sản xuất kinh doanh là cái gốc, là nền tảng của tăng trưởng kinh tế và là cơ sở quan trọng nhất để tăng thu NSNN theo hướng phát triển bền vững. Vì vậy, điều mà chúng ta có trách nhiệm phải làm là hình thành một môi trường kinh doanh mà ở đó doanh nghiệp được tôn vinh thông qua những chính sách, những hành động và những giải pháp tài chính thúc đẩy, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát huy mọi tiềm năng về vốn, lao động, công nghệ, thị trường... Trong đó, hình thành môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Chính sách tài chính nói chung và thuế nói riêng phải khuyến khích các doanh nghiệp tích tụ, khai thác, phát huy mọi nguồn lực nhằm tăng qui mô đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh nhà.
- Có cơ chế khuyến khích mạnh mẽ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp; nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua việc thực hiện đầy đủ các chính sách miễn thuế, phí, ưu đãi tín dụng. Thúc đẩy hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn để làm tốt chức năng cung ứng nguồn vốn quan trọng nhất cho phát triển sản xuất; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn vay với giá vốn rẽ cùng với thủ tục hành chính vay và trả nợ đơn giản;...
Thứ hai là khai thác tiềm năng, lợi thế về du lịch, bất động sản. Thực hiện có hiệu quả, các hoạt động xúc tiến, kêu gọi, thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh; đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch; xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm, nhất là các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh cần khai thác tốt nguồn thu từ bất động sản. Chúng ta chưa thật sự khai thác tốt nguồn thu từ bất động sản xứng đáng với thương hiệu của thành phố Cố đô, thành phố di sản với hệ thống thiên nhiên, thắng cảnh tuyệt mỹ thu hút bao người đến với Huế. Đó không chỉ là những căn nhà được xây dựng trên những khu đất quy hoạch phân lô truyền thống mà phải là những quỹ đất hoàn chỉnh hạ tầng rộng lớn, những căn biệt thự ven biển, vườn đồi, nhà và trang trại sinh thái đa dạng, phong phú... Làm được việc này, suy cho cùng chúng ta hoàn toàn không mất gì mà đạt được đồng thời nhiều mục tiêu; là một phương thức huy động tài chính thông minh, thích hợp với điều kiện của tỉnh ta hiện nay.
Thứ ba là phân bổ nguồn tài chính đảm bảo hiệu quả tài chính và tăng thu ngân sáchtỉnh ta vẫn còn nhiều khó khăn, đặt ra bài toán chia ngân sách để được mục tiêu đảm bảo đồng đều giữa các vùng, các miền cùng tiến, công bằng, bao quát các lĩnh vực... Vì vậy, chúng ta cần quan tâm các dự án đầu tư có thể đạt được đa mục tiêu cả kinh tế, lẫn xã hội, xem trọng hiệu quả tài chính và tăng thu ngân sách của dự án đó; hạn chế chương trình, dự án đơn mục tiêu và chưa phát huy hiệu quả ngay; ưu tiên tập trung nguồn vốn để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh; đầu tư hạ tầng giao thông, điện, nước gắn với phát triển, mở rộng thị trường bất động sản, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước.
- Riêng ngành tài chính cần cón giải pháp gì thưa ông?
- Giải pháp tăng nhanh nguồn thu của ngân sách Nhà nước là cả một hệ thống các giải pháp KT-XH tổng hợp, cần huy động trí tuệ, sức mạnh của các ngành, các cấp, đặc biệt là phát huy cao độ tinh thần tiến công của các doanh nghiệp, doanh nhân và của các nhà đầu tư thì mới có thể đạt được một cách nhanh chóng và vững chắc. Đối với ngành tài chính phải đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, chống lãng phí, tiêu cực, tham nhũng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của cộng đồng; kiện toàn tổ chức bộ máy ngành thuế, ngành hải quan theo hướng hiện đại, hiệu quả. Điều chỉnh chính sách thu phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, tăng cường quản lý thu; nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực của Nhà nước. Tuyên truyền, hướng dẫn chính sách pháp luật về thuế để người dân, doanh nghiệp tự giác tuân thủ; đồng thời có chính sách hỗ trợ tư vấn cho các đối tượng nộp thuế, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng thực hiện nghĩa vụ tài chính của mình một cách tự nguyện...
Xin cảm ơn ông.
Trần Ngọc Dương (thực hiện)
nguonBaothuathienhue