Tin tức

Thừa Thiên Huế: đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Thừa Thiên Huế: đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Cập nhật 12012/2010 07:31

Thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực hiện vẫn là rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân. Mở rộng cải cách thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực, xóa bỏ kịp thời những TTHC mang tính quan liêu, rườm rà, gây phiền hà cho doanh nghiệp và nhân dân; hoàn thiện các TTHC mới theo hướng công khai, đơn giản và thuận tiện cho người dân là thành nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, luôn được Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm chỉ đạo.

 

Triển khai thực hiện Đề án đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010 (Đề án 30) tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Xoá bỏ về cơ bản các TTHC mang tính quan liêu, rườm rà, gây phiền hà cho doanh nghiệp và nhân dân; Cơ chế “hành chính bao cấp”, “xin-cho” được thay thế bằng cơ chế “phục vụ” (kết quả thực hiện rà soát, đơn giản hóa TTHC của toàn tỉnh đạt 76,3%). Theo đánh giá của Tổ công tác cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương làm tốt công tác rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Đã chuẩn hóa, thống nhất và Ban hành Bộ danh mục TTHC áp dụng thống nhất trên địa bàn tỉnh; đây là cơ sở để các cơ quan, địa phương tổ chức triển khai thực hiện giải quyết TTHC theo cơ chế “một cửa”. Các bộ danh mục TTHC đã được đăng tải lên cổng thông tin điện tử với 1.623 dịch vụ mức độ 1, 1230 dịch vụ mức độ 2, 08 dịch vụ mức độ 3. Điều này đã tạo điều kiện để người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp nắm vững và kiểm soát được số lượng TTHC hiện có đang áp dụng tại cơ quan, đơn vị mình; khắc phục tình trạng tùy tiện, thiếu thống nhất về nội dung và số lượng thủ tục hành chính giữa các huyện, các xã. Đồng thời, việc công bố các bộ TTHC còn tạo điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp tham gia giám sát quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức, góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

 Đến nay, toàn tỉnh có 182 cơ quan, đơn vị, địa phương đang triển khai thực hiện cơ chế một cửa, trong đó: 21/21 sở, ban, ngành cấp tỉnh, 9/9 UBND huyện, thị xã Hương Thủy, thành phố Huế và 152/152 UBND xã, phường, thị trấn (đạt tỷ lệ 100%). Bộ phận “một cửa” được bố trí các trang thiết bị cần thiết đảm bảo cho cán bộ làm việc như máy tính, nối mạng Internet, mạng LAN để cập nhật và khai thác thông tin. Cán bộ được giao nhiệm vụ tại bộ phận Một cửa có trình độ, chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt, tác phong và thái độ làm việc nghiêm túc có trách nhiệm với công việc được giao. Quy trình, hồ sơ, thủ tục, thời gian giải quyết, phí và lệ phí được sở công bố công khai, treo biển hướng dẫn trước của phòng một cửa để mọi người dễ  nhận biết.

Triển khai thực hiện cơ chế liên thông trong việc giải quyết thủ tục thành lập doanh nghiệp: cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; thủ tục khắc dấu, cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu; cấp mã số thuế. Với việc áp dụng cơ chế này, thời gian thực hiện tất cả các thủ tục liên quan đến đăng ký kinh doanh, khắc dấu và cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu, đăng ký mã số thuế chỉ mất 6/17 ngày, 2/10 lần đi lại (lần nộp hồ sơ và lần nhận kết quả) chỉ kê khai 1/3 lần và đến 1/3 nơi duy nhất là “ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả” tại Sở Kế hoạch và Đầu tư.

4 năm thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đã giao dịch giải quyết một số lượng lớn với 556.490/595.964 hồ sơ tiếp nhận (giải quyết đạt 99,3%): Các sở, ban ngành cấp tỉnh đã giải quyết 192.919/193.355 hồ sơ tiếp nhận (đạt 99,8%); UBND các huyện, thị xã, thành phố đã giải quyết 68.141/68.541 hồ sơ tiếp nhận (đạt 99,4%); UBND các xã, phường, thị trấn đã giải quyết 271.532/309.547 hồ sơ tiếp nhận (đạt 98,6%).

Bên cạnh đó, tỉnh còn chỉ đạo tập trung xây dựng, triển khai áp dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực nghiệp vụ quản lý đất đai, tài nguyên, xây dựng, đăng ký kinh doanh…hiện đại hoá nền hành chính thông qua việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2000 và ISO 9001:2008, điều này đã làm thay đổi diện mạo cung cách làm việc của bộ phận một cửa ở các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã. Thời gian xử lý công việc được rút ngắn hơn, nâng cao được ý thức trách nhiệm và tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, viên chức trong quá trình tác nghiệp, thể hiện tính minh bạch trong quá trình giải quyết công việc liên quan đến công dân, tổ chức của các cơ quan, đơn vị chức năng.

Nhờ đơn giản hóa thủ tục hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Thừa Thiên Huế luôn ở nhóm tốt trên toàn quốc./.

 www.thuathienhue.gov.vn


Tin tức liên quan