Thị trường khát vốn
Ngày cập ngày: 26/12/2010 06:49 AM
Từ đây đến hết năm 2015, các chương trình xây dựng nhà ở sẽ cần một khoản tiền đầu tư ước khoảng 2.205.000 tỉ đồng.
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy dự kiến đến hết ngày 31-12-2010, khoảng 228.000 tỉ đồng đã được rót vào thị trường bất động sản thông qua hình thức cho vay (tăng 23,5% so với năm ngoái). Tuy nhiên, số tiền này chẳng thấm vào đâu so với khoản tiền mà thị trường này đang cần từ nay đến hết năm 2015.
Thị trường nhà đất TPHCM đang cần những nguồn vốn lớn để đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa vùng ven.
Mỗi năm cần 20 tỉ USD
Trong báo cáo về phân tích số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam 2009 phục vụ hoạch định chính sách phát triển lĩnh vực nhà ở và một số lĩnh vực trình gửi Thủ tướng, Bộ Xây dựng dự báo nhu cầu về nhà ở và vốn đầu tư để phát triển nhà ở đến năm 2015, như sau: Dân số sẽ ước đạt 91,5 triệu người, do đó diện tích nhà ở cần đáp ứng cho cả thành thị và nông thôn sẽ vào khoảng 1.966,6 triệu m2 (bình quân 21,5 m2 sàn xây dựng/người). Để đáp ứng được việc này, nhu cầu vốn đầu tư vào nhà ở sẽ vào khoảng 2.205.000 tỉ đồng (tương đương 100 tỉ USD), mỗi năm cần thu hút khoảng 20 tỉ USD vốn đầu tư.
Nếu làm một bài toán so sánh sẽ thấy các tổ chức tín dụng chỉ mới đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu về vốn đầu tư phần còn lại sẽ thông qua kênh huy động vốn từ nguồn đầu tư nước ngoài hoặc các chủ dự án sẽ phải huy động trực tiếp từ người dân thông qua hình thức gọi góp vốn mua nhà đất, trái phiếu, cổ phiếu bất động sản... Theo các chuyên gia địa ốc, với nhu cầu cao như dự báo sẽ dễ dẫn đến tình trạng “khát” vốn cục bộ tại nhiều phân khúc của thị trường nếu Nhà nước không có chính sách hợp lý để điều chỉnh dòng tiền vào thị trường để mang lại hiệu quả cao nhất.
Để đáp ứng nhu cầu trên, Bộ Xây dựng cho rằng phải có những chính sách để phát triển đa dạng các loại nhà ở để bán và cho thuê; khuyến khích phát triển nhà chung cư phù hợp với điều kiện cụ thể của từng loại đô thị để góp phần tăng quỹ nhà ở, tiết kiệm đất đai; hạn chế, tiến tới chấm dứt việc giao đất lẻ cho các hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở; nghiêm cấm việc xây dựng nhà ở tự phát tại các đô thị...
Đô thị bị nông thôn hóa?
Cũng theo số liệu thống kê được, vào thời điểm tháng 4-2009, Việt Nam đã có 29,6% dân số sống ở khu vực thành thị, 5/6 vùng đạt thấp hơn tỉ lệ chung (trừ vùng Đông Nam Bộ). Chỉ có 15 tỉnh, TP đạt trên 30% dân số ở khu vực thành thị. Ngay trong 5 TP trực thuộc Trung ương, TPHCM đạt 83,2%, Đà Nẵng 86,9%, Cần Thơ 65,8% nhưng Hà Nội chỉ đạt 40,8% và Hải Phòng 46,1%.
Xét về chất lượng nhà ở, tỉ lệ nhà kiên cố ở nông thôn cao hơn ở thành thị, song tỉ lệ nhà bán kiên cố ở thành thị chiếm cao hơn ở nông thôn. Tình trạng này được lý giải có thể do tốc độ xây dựng nhà tạm, nhà cho thuê với kết cấu mái không bền vững ở khu vực thành thị tăng lên đáng kể trong những năm gần đây xuất phát từ việc giúp người di cư nông thôn ra thành thị có được chỗ ở phù hợp với điều kiện của họ. Mặt khác, số hộ có nhà ở với diện tích dưới 25 m2 chiếm tỉ lệ còn nhiều (khoảng 8%), trong khi đó số hộ có nhà ở với diện tích sử dụng trên 100 m2 chiếm tỉ lệ gần như cao nhất, đạt trên 19% (đặc biệt là tại khu vực đô thị - gần 30%). Điều đó cũng chứng tỏ khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng...
Bộ Xây dựng cũng dự báo giá nhà đất có thể sẽ tiếp tục tăng cao làm cho cơ hội của đại bộ phận người dân có thể sở hữu nhà ở riêng sẽ rất khó khăn, do vậy cần phải xây dựng chính sách nhà ở xã hội để người có thu nhập thấp có cơ hội an cư.
Hoàng Anh (NLĐ)