Doanh nghiệp tiêu biểu năm

Cảng Chân Mây - niềm vui và nỗi lo

Cảng Chân Mây - niềm vui và nỗi lo

Ngày cập ngày: 27/12/2010 15:19 AM

 Kết thúc năm 2010, Cảng Chân Mây hoàn thành vượt mức kế hoạch 30% với sản lượng hàng hoá xếp dỡ 1,5 triệu tấn và đón 25.000 lượt khách du lịch cùng thuỷ đoàn của 23 tàu du lịch quốc tế. Bên cạnh niềm vui về một cảng biển quốc tế trên đà phát triển, cảng Chân Mây vẫn còn nhiều tồn tại, đáng lo ngại...

“Về đích” trước hạn...

Chúng tôi có dịp trở lại Cảng Chân Mây vào một ngày trung tuần tháng 12. Hôm ấy có tàu du lịch quốc tế cập cảng, nên 2 tàu đến nhập vận chuyển gỗ dăm xuất khẩu phải “nhường bến” ra neo đậu bên ngoài... để chờ. Trong khuôn viên cảng, các khu nhà làm việc, nhà kho, bãi tập kết hàng... được đầu tư khang trang hơn. Nhiều thiết bị phục vụ nhu cầu xếp dỡ hàng được đầu tư khá hiện đại. Các dịch vụ của cảng cũng đa dạng, phong phú hơn... Tuy nhiên, dường như bến cảng này đã trở nên chật chội trước yêu cầu phát triển.
 
Sau hơn 3 năm đầu tư xây dựng, ngày 19-5-2003 Bến số 1 Cảng Chân Mây được đưa vào hoạt động, thể hiện quyết tâm của tỉnh Thừa Thiên Huế trong chiến lược phát triển giao thông đối ngoại, đánh dấu sự khởi đầu đầy triển vọng trong kế hoạch đầu tư xây dựng khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, một trong những khu vực năng động của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Bến số 1 - Cảng Chân Mây có chiều dài 420m, không chỉ có khả năng đón tàu hàng 50.000DWT, mà còn đón cả tàu du lịch quốc tế và tàu chuyên chở các thiết bị siêu trường, siêu trọng... với công suất vận chuyển 1 triệu tấn/năm. Hồi mới đầu tư và đưa vào hoạt động, không ít ý kiến còn băn khoăn về hiệu quả kinh tế của bến cảng này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự ra đời của Cảng Chân Mây và KKT Chân Mây – Lăng Cô là quyết sách hoàn toàn đúng đắn mang tầm chiến lược. Chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, Cảng Chân Mây trở thành một địa chỉ tin cận của nhiều tàu hàng và tàu du lịch quốc tế... Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Cảng Chân Mây hoạt động và đầu tư mở rộng, sau nhiều cuộc họp với nhiều hứa hẹn từ phía Tập đoàn Vinashin, năm 2007, UBND tỉnh quyết định bàn giao toàn bộ bến cảng này cho Tập đoàn Vinashin. Những năm qua, Công ty TNHH một thành viên Cảng Chân Mây (gọi tắt là Cảng Chân Mây) đã từng bước đầu tư và nâng cao hiệu quả hoạt động trên các lĩnh vực.

Tàu du lịch Quốc tế cập Cảng Chân Mây
 
Cảng Chân Mây đi vào hoạt động đã góp phần tích cực vào việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và các địa phương lân cận. Kể từ khi đi vào hoạt động cho đến nay, tổng lượng hàng qua cảng đạt trên 05 triệu tấn với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước tính khoảng 500 triệu USD.
 
Lượng hàng hoá xuất nhập khẩu qua cảng Chân Mây và thay vì qua cảng Đà Nẵng như trước đây đã giúp các DN tiết kiệm chi phí vận chuyển khoảng vài trăm tỷ đồng và giúp cho các nhà máy xi măng đảm bảo dự trữ được nguồn nhiên liệu cho sản xuất. Riêng lĩnh vực chế biến, xuất khẩu dăm gỗ của 3 nhà máy tại Chân Mây với sản lượng xuất khẩu mỗi năm từ 500.000 đến 800.000 tấn, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hàng vạn người dân địa phương; đồng thời thúc đẩy hoạt động trồng rừng kinh tế của tỉnh. Từ nhiều năm nay, Cảng Chân Mây cũng là điểm dừng chân lý tưởng của các tàu du lịch quốc tế đưa du khách đến tham quan các di sản văn hoá thế giới tại cố đô Huế, Hội An...  
 
Còn đó những nỗi lo
 
Trở lại Cảng Chân Mây lần này, chúng tôi phải đi đường vòng để vào cảng. Con đường chính từ Quốc lộ 1A ra cảng dài khoảng 7 km vốn đã hẹp, chưa có hệ thống thoát nước, lại có lưu lượng xe lớn với trọng tải cao... nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Việc đầu tư mở rộng, nâng cấp đường ra cảng Chân Mây được triển khai 2 năm nay với tổng kinh phí khoảng 65 tỷ đồng. Tuy nhiên do nguồn vốn có hạn, nên tiến độ đầu tư và thi công quá chậm và kéo dài, khiến cả tuyến đường còn ngổn ngang và quá nhếch nhác... Thực trạng đó gây nhiều khó khăn, trở ngại cho các DN xuất nhập khẩu và các hãng lữ hành quốc tế trong việc vận chuyển hàng hoá và khách du lịch mỗi khi ra vào cảng...
 
 
Niềm vui “về đích” trước hạn của cảng Chân Mây đã đến từ cuối năm 2009, khi lần đầu tiên bến cảng này đón hơn 250 lượt tàu hàng qua cảng, trong đó có 77 lượt tàu nước ngoài, với tổng sản lượng hàng hóa qua cảng trên 1 triệu tấn và gần 20.000 khách du lịch quốc tế. Đây cũng chính là cơ sở để UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đồng ý về mặt chủ trương đối với đề xuất nghiên cứu đầu tư xây dựng bến cảng số 2 của Công ty TNHH 1TV cảng Chân Mây, phấn đấu nâng công suất hàng hóa thông qua cảng Chân Mây lên 3,6-3,9 triệu tấn/năm đến năm 2015. Mới đây, trước khó khăn về vốn đầu tư của Tập đoàn Vinashin, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Tập đoàn Vinashin chuyển giao CT TNHH 1TV cảng Chân Mây lại cho tỉnh để tập trung cho công tác đầu tư, phát triển...
 
 
 
Một nhức nhối lớn của cảng Chân Mây là việc ngư dân địa phương thả rớ đáy để đánh tôm hùm con ngay trong khu vực cảng. Dạo một vòng quanh cảng chúng tôi thật ngạc nhiên khi thấy hệ thống rớ đáy thả dày đặt trên luồng ra vào cảng, thậm chí sát ngay khu vực cảng, nơi đậu tàu với hàng ngàn phao nổi trắng khắp vùng. Một số hộ ngư dân còn cắm thuyền tạm cư để hành nghề ngay sát bến cảng...
 
Anh Bùi Viết Phong, Đội trưởng Đội An ninh cảng Chân Mây cho biết, nghề này chỉ mới ra đời sau khi cảng được xây dựng và đi vào hoạt động. Gần 7 năm nay, hầu như năm nào cũng có một hoặc hai, ba tàu vào cảng vướng lưới, bị sóng đánh trôi dạt vào bờ gây nên nổi lo sợ mất an toàn hàng hải cho chủ tàu, chủ hàng và du khách trên tàu du lịch. Trước thực trạng đó, lãnh đạo tỉnh, huyện Phú Lộc, các cơ quan chức năng đã nhiều lần họp bàn, tổ chức tuyên truyền, ra quân tháo dỡ... Theo đó, huyện Phú Lộc đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, gồm các lực lượng: công an, biên phòng, cảng vụ, an ninh cảng, đại diện chính quyền địa phương... để tiến hành kiểm tra, tháo dỡ rớ đáy trong khu vực cảng và xử lý các trường hợp vi phạm...
 
Tuy nhiên, cho đến nay, hoạt động trên không thuyên giảm mà ngày càng gia tăng, đe doạ nghiêm trọng sự an toàn của tàu ra vào cảng. Hiện, ở khu vực cảng có trên 500 trộ rớ đáy của khoảng 135 hộ, chủ yếu là ngư dân xã Lộc Vĩnh. Tôm hùm con được các “nậu” lùng mua để bán lại cho dân Đà Nẵng, Khánh Hoà nuôi tôm thịt với giá từ 130 đến 170 ngàn đồng/con. Mỗi đêm, có người đánh bắt được vài con đến vài chục con tôm hùm con. Siêu lợi nhuận thu được từ nghề này khiến nhiều ngư dân bất chấp qui định của pháp luật và tìm mọi cách để duy trì, phát triển. Không ít trường hợp, ngư dân địa phương đã uy hiếp, đe doạ, cản trở hoạt động của đội kiểm tra liên ngành. Nhiều lần kẻ gian đã phá ghe máy - phương tiện để hoạt động kiểm tra trên biển của đội liên ngành...
 
Cũng theo Đội trưởng Đội An ninh cảng Chân Mây Trần Viết Phong, cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế là đơn vị có chức năng bảo đảm an toàn hàng hải cho hoạt động của các tàu ra vào cảng. Đây là đơn vị có chức năng kiểm tra, xử lý các hoạt động gây mất an toàn hàng hải. Tuy nhiên, thời gian qua, cảng vụ chưa thật sự làm tốt chức năng của mình và mỗi lần giải quyết thủ tục hàng hải cũng hết sức vất vả. Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế tuy có đại diện đóng tại địa bàn xã Lộc Vĩnh, nhưng gần như không có thẩm quyền hoặc thẩm quyền bị hạn chế. Mỗi lần giải quyết công việc có khi phải đi gần 100km nếu tính từ cảng Chân Mây còn nếu tính từ Đà Nẳng thì phải đi gần 200km mới gặp được cấp có thẩm quyền của Cảng vụ Thuận An để giải quyết, trong khi hầu hết đại diện cho chủ tàu đều ở Đà Nẳng...
 
Bài và ảnh:Hoàng Nguyên
nguonBaothuathienhue
 
 

 

 
Khó có thể nói hết những khó khăn thiệt hại mà nghề đáy rớ đã gây ra cho các tàu trong khu vực cảng. Năm ngoái, một tàu du lịch quốc tế của Hồng Kông bị vướng vào lưới của ngư dân dãn đến hư hỏng, phải huỷ hành trình và sửa chữa mất hàng trăm ngàn đô la. Liên tiếp trong 2 tháng 10 và 11 năm nay có 2 tàu chở nước ngoài vào cảng chở dăm gỗ bị vướng lưới.Mới đây nhất (ngày 16-12), hai tàu lai dắt Chân Mây 1 và Chân Mây 2 của cảng bị hỏng do vướng lưới, không thể làm nhiệm vụ lai dắt tàu chở gỗ rời cảng trong khi biển động. Sự cố trên đã gây mất an toàn cho hoạt động của tàu và cảng; đồng thời gây thiệt hại lớn cho hoạt động của cảng và chủ tàu. Nhiều trường hợp, các chủ tàu đã từ chối cập cảng vì lý do sợ mất an toàn do lưới đáy thả dày đặt trên luồng ra vào cảng. Nếu không giải quyết triệt để tình trạng rớ đáy tại cảng thì đây là trở ngại lớn nhất trong hoạt động trước mắt và lâu dài của Cảng Chân Mây.
 


Tin tức liên quan