10 sự kiện trong nước nổi bật nhất năm 2010
Ngày cập ngày: 28/12/2010 10:08 AM
Vượt lên trên khó khăn trong giai đoạn khủng hoảng của nền kinh tế thế giới để đạt mức tăng trưởng cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là sự kiện trong nước nổi bật nhất năm 2010. 10 sự kiện nổi bật trong nước do Đài TNVN bầu chọn:
1. Trong khó khăn, biến động, tăng trưởng kinh tế vẫn vượt chỉ tiêu nhưng lạm phát chưa được kiểm soát tốt
Năm 2010, mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn cộng với thiên tai lũ lụt hoành hành liên tục tại các tỉnh miền Trung, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn đạt mức 6,7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,5%.
Thành công này có sự nỗ lực của Chính phủ, sự đồng thuận của người dân và các doanh nghiệp. Thế nhưng, cuối năm lạm phát đã tăng lên mức 2 con số, trong khi mục tiêu Quốc hội điều chỉnh là khoảng 8%.
Lạm phát cao ảnh hưởng đến đời sống của người dân khi giá cả tăng và dẫn đến sự xáo động thị trường, đặc biệt là thị trường tiền tệ và bất động sản.
Diễn biến của nền kinh tế năm 2010 để lại nhiều bài học trong công tác điều hành. Đó là sự nhất quán trong thực thi chính sách, tuân thủ theo các quy luật của thị trường, theo dõi diễn biến của tình hình kinh tế để chủ động và kịp thời có những biện pháp can thiệp đúng lúc và hiệu quả.
2. Tổ chức thành công Đại lễ kỷ niệm 1000 Thăng Long - Hà Nội
Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (1010 - 2010) được tổ chức ở quy mô quốc gia. Những hoạt động kỷ niệm trong suốt năm 2010 và trong đợt cao điểm diễn ra Đại lễ đã góp phần tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của Thăng Long - Hà Nội qua 1000 năm lịch sử: văn hiến - anh hùng - hòa bình và hữu nghị; bồi đắp, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào tự tôn dân tộc, quảng bá, giới thiệu Việt Nam đến với thế giới.
|
Cờ hoa phấp phới trên quảng trường Ba Đình (Ảnh: Quang Trung)
|
Thông điệp về tình yêu và khát vọng hoà bình của dân tộc Việt Nam, của người dân thủ đô được thể hiện rõ trong rất nhiều hoạt động trong dịp kỷ niệm Hà Nội tròn 1000 tuổi. Đây cũng là dấu mốc đặc biệt quan trọng của thủ đô thời hiện đại.
Truyền thống văn hiến 1000 năm là bệ phóng để Hà Nội phát triển mạnh mẽ hơn, xứng đáng là trái tim của cả nước, thành phố anh hùng, thành phố vì Hoà bình.
3. Việt Nam đảm nhận thành công cương vị Chủ tịch ASEAN
Năm 2010 Việt Nam đã ghi dấu ấn đặc biệt trong vai trò Chủ tịch ASEAN. Đã có rất nhiều hoạt động của ASEAN và khu vực diễn ra ở Việt Nam với sự năng động, chủ động trong các tiến trình hợp tác khu vực, thông qua những quyết sách quan trọng.
|
Các nguyên thủ của 10 nước ASEAN tại phiên bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 ở Hà Nội |
Việt Nam trở thành tâm điểm của thế giới với việc tổ chức thành công Hội nghị cấp Cao ASEAN và Hội nghị cấp cao Đông Á cùng hơn chục cuộc họp cấp cao khác.
Với chủ đề “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn tới hành động”, các nước trong Hiệp hội đã thúc đẩy vai trò và vị thế quốc tế của ASEAN thông qua việc củng cố vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực và các thể chế, diễn đàn khu vực và quốc tế như APEC, ASEM, Liên Hợp Quốc và G20. Trong những thành công đó có nhiều sáng kiến của Việt Nam - Chủ tịch ASEAN.
4. Thiên tai gây nhiều thiệt hại nặng nề
Gần 200 người chết, hơn 30 người mất tích chỉ trong 2 tháng 10 và 11, khi miền Trung liên tiếp hứng chịu 5 đợt lũ lớn.
|
Lũ lụt ở miền Trung trong tháng 10 và 11 khiến gần 200 người thiệt mạng, thiệt hại kinh tế lên tới 2.500 tỷ đồng
|
Một chiếc xe khách chở gần 50 người bị lũ cuốn khi qua địa phận tỉnh Hà Tĩnh. Lũ chồng lũ với đỉnh vượt mức lịch sử cách đây vài chục năm khiến cả miền Trung bị tàn phá nặng nề. Thiệt hại về kinh tế lên đến trên 2.500 tỷ đồng, hàng trăm nghìn ngôi nhà bị ngập và hư hỏng, nhiều tuyến đường sụt lở nghiêm trọng. Thiệt hại này cho thấy thiên tai luôn khó lường, nếu bất cẩn và chuẩn bị đối phó không kỹ càng thì thiệt hại xảy ra sẽ rất lớn. Điều này cũng thêm một lần cảnh báo: con người cần dừng ngay những hành vi huỷ hoại môi trường để không phải tiếp tục hứng chịu cơn thịnh nộ của thiên nhiên.
Trong mất mát, chúng ta lại chứng kiến hàng triệu tấm lòng hảo tâm của người dân trong và ngoài nước, đóng góp hàng trăm tỷ đồng chia sẻ với đồng bào gặp nạn. Một lần nữa, tinh thần “lá lành đùm lá rách”, truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái hỗ trợ nhau vượt lên hoạn nạn của dân tộc lại được phát huy.
5. Người Việt Nam đầu tiên đoạt Huy chương Toán học Fields
GS Ngô Bảo Châu - người Việt Nam lập một kỳ tích và mang lại vinh quang đặc biệt cho đất nước: ông là nhà toán học đầu tiên của Việt Nam đoạt Huy chương Fields và Việt Nam là nước châu Á thứ 2 sau Nhật Bản giành được giải thưởng danh giá này.
|
Tổng thống Ấn Độ trao Huy chương Toán học danh giá Fields cho GS. Ngô Bảo Châu
|
Ngô Bảo Châu đã chứng minh được “bổ đề cơ bản”, là phần quan trọng trong tầm nhìn về toán học mà Robert Langlands, đưa ra từ những năm 1960. Chương trình Langlands kết nối mọi lĩnh vực của toán học hiện đại. Sự kiện Ngô Bảo Châu được nhận giải Fields đã làm nức lòng đồng bào cả nước. Mọi người Việt Nam đều cảm thấy tự hào và thêm tin tưởng vào khả năng của thế hệ trẻ. Sự kiện này lại củng cố niềm tin người Việt Nam có tố chất trí tuệ để vươn tới tầm cao thế giới về khoa học và công nghệ.
Sự kiện này cũng là chất xúc tác để Nhà nước thực hiện nhiếu chính sách mới đầu tư cho khoa học công nghệ, đặc biệt là các ngành khoa học cơ bản. Nó còn khơi dậy tình yêu của thế hệ trẻ và mối quan tâm của cả xã hội đối với khoa học chân chính.
6. Khủng hoảng nợ của Tập đoàn Vinashin đặt ra nhiều vấn đề về quản lý các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước
Năm vừa qua, dư luận đề cập nhiều đến vấn đề về quản lý và giám sát các doanh nghiệp, tập đoàn Nhà nước. Đòi hỏi này càng bức xúc hơn khi Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) đã bị các cơ quan chức năng phát hiện số tiền nợ lên tới 86.000 tỷ đồng.
Thủ tướng đã ký quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu Vinashin với mục tiêu sớm ổn định sản xuất kinh doanh, giảm lỗ, từng bước củng cố uy tín, thương hiệu và tiến tới có lãi, trả được nợ, tích lũy và phát triển.
Theo đó, Vinashin sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực chính gồm công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển với quy mô phù hợp; công nghiệp phụ trợ phục vụ cho việc đóng và sửa chữa tàu biển và đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ công nhân công nghiệp tàu biển.
Thời gian tái cơ cấu bắt đầu từ năm 2011 đến hết năm 2013. Qua sự kiện Vinashin cho thấy nhiều bài học trong công tác giám sát và quản lý. Liên quan đến vấn đề trách nhiệm trong vụ Vinashin, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: “Chính phủ sẽ tập trung sức thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu Vinashin, không để xảy ra vụ việc tương tự Vinashin”.
7. Nhiều di sản của Việt Nam được vinh danh cùng những bất cập trong công tác bảo tồn các công trình văn hóa
|
Tổng Giám đốc UNESCO Bà Irina Pokova trao bằng Di sản văn hóa thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long cho Thành phố Hà Nội
|
Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản Văn hóa vật thể; Lễ hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (Hà Nội) là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 82 bia Tiến sĩ ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám được công nhận là di sản tư liệu thế giới Khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) được công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu thứ hai tại Đông Nam Á.
Trong khi đó, dư luận cũng tỏ thái độ bức xúc khi hàng loạt di tích lịch sử văn hóa cổ, trong quá trình trùng tu, tôn tạo đã bị biến dạng, sai lệch so với kiến trúc cổ, mà điển hình là Thành Nhà Mạc (Tuyên Quang), Thành Sơn Tây, Ô Quan Chưởng (Hà Nội)…
8. Bạo hành trẻ em và bạo lực trong giới trẻ có xu hướng gia tăng
|
Vụ hành hạ cháu Hào Anh ở Cà Mau gây rất nhiều bức xúc trong dư luận xã hội
|
Những vụ việc như em Hào Anh ở tỉnh Cà Mau bị hành hạ dã man gây thương tật trên 66%, rồi liên tiếp các đoạn clip quay cảnh học sinh dùng vũ lực với nhau theo kiểu xã hội đen được tung lên mạng internet, một số vụ án nghiêm trọng mà thủ phạm là giới trẻ được đưa ra xét xử… đã thực sự gây sốc trong xã hội, khiến chúng ta phải nhìn nhận sâu sắc hơn về sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận giới trẻ và sự nhẫn tâm, vô cảm của nhiều người.
Những vụ việc này thực sự là hồi chuông cảnh báo về vấn đề giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ, về trách nhiệm của toàn xã hội trong việc đẩy lùi cái xấu, cái ác.
9. Thể thao Việt Nam không thành công trên đấu trường châu lục và khu vực
Đoàn TTVN chỉ có một tấm HCV ở ASIAD 16 của bộ môn karate, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đề ra là từ 4 đến 5 HCV.
|
Nước mắt của võ sỹ Teakwondo Hoài Thu sau khi thất bại tại trận chung kết
|
Đoàn TTVN chỉ đứng thứ 22/45 đoàn tham dự. Điểm sáng duy nhất là thành tích ở môn điền kinh với 3 HCB, 2 HCĐ.
Xét trên tổng thể, đây là kỳ đại hội không thành công của đoàn TTVN khi “mục tiêu vàng” tại ASIAD không đạt được dù chúng ta đã tung ra lực lượng hùng hậu nhất từ trước đến nay.
Năm 2010, đội tuyển bóng đá Việt Nam đã thất bại tại AFF Suzuki Cup 2010, dù cách đây 2 năm, chúng ta đã đạt chức vô địch. Những thất bại này khiến chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc hơn về các chiến lược và chính sách đầu tư cho TTVN.
10. Vedan đền bù gần 220 tỷ đồng cho hàng chục nghìn hộ nông dân ở lưu vực sông Đồng Nai
Lần đầu tiên Hội Nông dân đứng ra đại diện cho người nông dân các tỉnh TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu để kiện một công ty nước ngoài phải đền bù thiệt hại do việc xả thải gây ô nhiễm môi trường.
|
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Nguyễn Thái Lai (giữa) thông báo Vedan đồng ý bồi thường 100% cho nông dân
|
Với sức ép của xã hội và luật pháp, cuối cùng, Công ty Cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam đã chấp nhận đề bù tổng cộng 220 tỷ đồng cho hàng chục nghìn hộ nông dân các tỉnh này.
Sự kiện này cho thấy người nông dân hoàn toàn có thể dựa vào tổ chức hội và sự ủng hộ của luật pháp để bảo vệ thành công quyền lợi chính đáng của mình.
Câu chuyện này cũng cho thấy một vấn đề khác, đó là không chấp nhận lối tư duy bằng mọi giá để thu hút doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Nó cũng cho thấy ý thức của xã hội đối với vấn đề môi trường đã có những thay đổi tích cực.
Theo VOV