Tin tức

Thừa Thiên Huế: Nâng chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh

Thừa Thiên Huế: Nâng chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh

Ngày cập ngày: 29/12/2010 8:11 AM

Năm 2010, một loạt các khu công nghiệp được khởi công xây dựng, nhiều doanh nghiệp mới hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp tiếp tục ra đời cùng với sự tăng tốc hiệu quả của ngành thủy điện, dệt may, sợi, bia và sản xuất vật liệu xây dựng đã góp phần đưa ngành công nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Những điểm nhấn ấn tượng
Một trong những điểm nhấn ấn tượng trong năm 2010 là công tác thu hút đầu tư vào các KCN. Sau 11 năm xây dựng và phát triển, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 6 KCN đi vào hoạt động với tổng diện tích 2.186,7 ha, đó là các KCN Phú Bài, Phong Điền, Tứ Hạ, Quảng Vinh, Phú Đa và La Sơn; thu hút 64 dự án với tổng vốn đầu tư 5.434 tỷ đồng, trong đó 11 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 1.767 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 9.500 lao động. Ngoài ra, có 6 cụm CN- TTCN đã và đang đầu tư hạ tầng kỹ thuật và thu hút 59 dự án đầu tư và đã hình thành các cụm CN- TTCN, làng nghề ở các huyện Hương Trà, Hương Thuỷ, Phú Lộc và Nam Đông.

Công trình thủy điện A Sáp (A Lưới) vừa khởi công xây dựng
Năm 2010 có thể xem là năm “được mùa” đối với công tác thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn trên lĩnh vực công nghiệp. Nhiều dự án có vốn đầu tư lớn đã và đang đặt chân đến Huế để khai thác tiềm năng và thế mạnh. Đó là dự án đầu tư hạ tầng khu C KCN Phong Điền do Công ty TNHH C&N VINA Huế- Hàn Quốc làm chủ đầu tư. Công trình được khởi công xây dựng trên diện tích 110 ha với tổng vốn đầu tư 368 tỷ đồng, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động vào tháng 9/2011. Ngày 30/8/2010, tại xã Hồng Trung (A Lưới), một công trình thủy điện quy mô lớn được khởi công xây dựng do Công ty CP Thủy điện Trường Phú làm chủ đầu tư. Với tổng mức đầu tư gần 900 tỷ đồng, công trình thủy điện A Lin B1 là dự án thủy điện lớn trên địa bàn tỉnh với công suất lắp máy 42MW. Khi hoàn thành, sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia 177 triệu KWh/năm.
Ông Võ Phi Hùng, TUV Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Bước đột phá trên lĩnh vực công nghiệp trong năm 2010 là việc gắn chương trình khuyến công với việc hỗ trợ khôi phục và phát triển các nghề, làng nghề truyền thống, nghề TTCN, như: mộc mỹ nghệ cao cấp, thêu, mây tre đan, dệt zèng... theo hướng kết hợp công nghệ truyền thống với ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại. Với mục tiêu vừa khôi phục nghề, phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu cũng như các kỳ Festival nghề truyền thống Huế được tổ chức định kỳ 2 năm một lần, công tác khôi phục nghề và làng nghề sẽ góp phần vào việc vực dậy các làng nghề truyền thống cũng như giải quyết việc làm cho người dân địa phương.” Lĩnh vực công nghiệp phát triển hàng năm đã giải quyết việc làm cho khoảng 100 nghìn lao động; Chương trình khuyến công giai đoạn 2005-2010 đã thực hiện 43 đề án tập trung hỗ trợ đào tạo nghề cải tiến kỹ thuật, quảng bá thương hiệu sản phẩm, phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, khôi phục, phát triển nghề và làng nghề, góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nghề trong nông thôn.


Động thổ khu C KCN Phong Điền với tổng vốn đầu tư chiếm 368 tỷ đồng

Năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 6.900 tỷ đồng, tăng 23,1% so với cùng kỳ. Trong đó, hầu hết các sản phẩm chủ lực đều tăng khá, đó là xi măng đạt 2.500 nghìn tấn, tăng 56,2%; bia Huda đạt 183 triệu lít, tăng 15%; men Frit 23 nghìn tấn, tăng 44%... Một loạt các dự án đưa vào hoạt động và mở rộng quy mô, đó là nhà máy bia Phú Bài giai đoạn II, hoàn thành khôi phục thuỷ điện Bình Điền, đẩy nhanh tiến độ thuỷ điện Hương Điền, A Lưới và các dự án sản xuất dệt may khác.
 
Bứt phá trong năm 2011      
Giai đoạn 2011-2015, tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trên 13%/năm, trong đó ngành công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, thúc đẩy nhanh tiến trình CNH- HĐH. Phấn đấu đạt giá trị sản xuất công nghiệp tăng trung bình hàng năm 16%- 17%; một số sản phẩm chủ yếu đến năm 2015 như xi măng 7 triệu tấn, bia 250 triệu lít, sợi 40 nghìn tấn, xỉ ti tan 40 nghìn tấn, men Frít 60 nghìn tấn, dăm gỗ 300 nghìn tấn, điện sản xuất 1.700 triệu Kwh…

 Lĩnh vực dệt may ngày càng phát triển góp phần đưa ngành công nghiệp tỉnh trên đà tăng tốc
Định hướng phát triển của ngành trong năm 2011 là đẩy nhanh tiến độ đầu tư nhà máy Xi măng Đồng Lâm công suất 1,4 triệu tấn/năm, Xi măng Nam Đông công suất 1,6 triệu tấn/năm, Xi măng Luks nâng công suất lên 4 triệu tấn/năm, khai thác và chế biến cao lanh A Lưới lên 160 nghìn tấn/năm; đầu tư nâng công suất gạch không nung lên 300 triệu viên/năm, đưa vào sản xuất các nhà máy chế biến thuỷ tinh lỏng, sợi thuỷ tinh, sản xuất pin mặt trời tại KCN Phong Điền. Ngoài ra, phấn đấu nâng công suất sản xuất nước khoáng 30 triệu lít/năm, xây dựng mới nhà máy nước hoa quả, đưa công suất nhà máy bánh kẹo lên 20 nghìn tấn/năm, mở rộng các nhà máy chế biến mủ cao su, đầu tư mới nhà máy chế biến cà phê A Lưới, thức ăn chăn nuôi, sản xuất sợi tre xuất khẩu, ván MDF, đồng thời đẩy mạnh việc mở rộng và chế biến gỗ xuất khẩu, phát triển các cơ sở chế biến súc sản, thực phẩm sấy khô công nghệ hiện đại với các cơ sở chế biến theo công nghệ truyền thống.


Công trình thủy điện Bình Điền, điểm nhấn trong phát triển ngành công nghiệp thủy điện của Thừa Thiên Huế

Ông Lê Tự Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Năm 2011, ngành sẽ chú trọng phát triển công nghiệp dệt may; trong đó, tập trung kêu gọi đầu tư trung tâm tạo mẫu thiết kế thời trang, nâng công suất may thời trang xuất khẩu của Công ty HBI, Scavi lên 150 chuyền may, mở rộng sản xuất Công ty CP Dệt may Huế, Công ty CP Da giày Huế, Công ty CP May xuất khẩu Huế, Sợi Phú Bài, Phú Nam, Phú Thạnh, Phú Việt; khuyến khích các DN đầu tư mới Sợi Phú Mai (24 nghìn cọc sợi), Sợi Công ty CP Dệt may Huế (20 nghìn cọc sợi)…, phát triển sản xuất giày, dép các loại phục vụ xuất khẩu, kêu gọi đầu tư để phát triển các cơ sở sản xuất nguyên phụ liệu nhằm tăng tỷ trọng sử dụng nguyên liệu trong nước.

Nhà máy Bia Phú Bài đưa vào hoạt động dây chuyền II tại KCN Phú Bài.
Năm 2011, ngành công nghiệp đề ra nhiều mục tiêu quan trọng, trong đó trọng tâm là nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh các sản phẩm chủ lực, tạo chuyển biến trong phát triển ngành nghề TTCN; cơ cấu nội bộ ngành theo hướng tỷ trọng các ngành sản xuất có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao, từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các KCN, cụm TTCN và làng nghề. Bên cạnh đó, tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng KCN Phú Bài giai đoạn 3 và 4, Phong Điền, Tứ Hạ, Phú Đa, Quảng Vinh, Chân Mây; các cụm CN- TTCN và làng nghề như Hương Sơ, Thuỷ Phương, Bình Điền, A Co, Hương Hòa và quy hoạch điện lực, quy hoạch phát triển công nghiệp để phù hợp với Kết luận 48 của Bộ Chính trị và Quyết định 86/2009/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục triển khai chương trình phát triển thuỷ điện, chương trình tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn; chương trình khôi phục nghề và làng nghề, khuyến công và xúc tiến thương mại.
 
 
Năm 2011, phấn đấu đạt giá trị sản xuất công nghiệp đạt 8.160 tỷ đồng, tăng 18,3%; sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu như xi măng tăng 8%, bia Huda tăng 14,8%, sợi các loại tăng 16,7%, men Frit tăng 74%, điện 80%... Phấn đấu thu hút các nguồn vốn đầu tư vào các KCN khoảng 2.200 tỷ đồng, doanh thu sản xuất công nghiệp trong KCN đạt 3,714 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 161 triệu USD và nộp ngân sách 600 tỷ đồng.
 
 
Thanh Hương(Baothuathienhue)

 


Tin tức liên quan